Viên tướng Nhật làm kinh hoàng nước Mỹ là ai?

Thứ sáu, ngày 28/12/2018 16:36 PM (GMT+7)
Có lẽ trong lịch sử hải quân và thủy quân lục chiến Hoa Kỳ trong chiến tranh thế giới thứ hai ở mặt trận Thái Bình Dương thì chiến dịch đổ bộ lên Iwo Jima là ký ức bi tráng nhất. Đó là nơi đã khiến quân đội Mỹ phải chịu tổn thất nặng nề nhất ở mặt trận Thái Bình Dương bởi một chiến tướng tài giỏi của nước Nhật, Kuribayashi Tadamichi.
Bình luận 0

Kuribayashi Tadamichi, tư lệnh phòng thủ Iwo Jima sinh ra và lớn lên ở Nagano trong một gia đình thuộc tầng lớp truyền thống samurai trung lưu. Thế nhưng, theo lời khuyên từ một thầy giáo, ông đã thi vào học viên lục quân và đã tốt nghiệp vào năm 1923 với số điểm loại ưu. Nhờ thế, ông được vinh dự nhận thanh gươm từ chính tay Nhật Hoàng.

Năm 1928, Kuribayashi được cử sang Mỹ làm tùy viên quân sự tại đại sứ quán Nhật. Ở đó, ông đã theo học ở trường đại học Harvard một thời gian ngắn. Năm 1940, ông được thăng quân hàm thiếu tướng lục quân; năm 1941, ông được cử làm tham mưu trưởng tập đoàn quân số 23 dưới sự chỉ huy của viên tướng tư lệnh Sakai tham gia vào cuộc xâm lược Hongkong. Năm 1943, Kuribayashi được thăng quân hàm trung tướng. Tới ngày 8/6/1944, thủ tướng Nhật Tojo ký quyết định cử Kuribayashi làm tư lệnh phòng thủ Iwo Jima chống lại quân Mỹ đổ bộ chiếm đảo.

img

Bộ phim "Những lá thư từ Iwo Jima" đã khắc họa lại sống động chân dung tướng Kuribayashi Tadamichi và cuộc chiến Iwo Jima do diễn viên Ken Wantanabe thủ vai chính.

Iwo Jima là một đảo núi lửa nằm cách Guam 702 hải lý về phía nam, cách Tokyo 650 hải lý về phía bắc. Người Nhật hiểu, nếu mất Iwo Jima vào tay người Mỹ thì điều đó đồng nghĩa với việc quân đội Mỹ có thể dễ dàng phát động các cuộc tấn công bằng không quân vào nước Nhật. Nhận nhiệm vụ tại Iwo Jima chỉ huy 21000 quân phòng thủ chống lại quân số đông hơn gấp nhiều lần của hải quân và thủy quân lục chiến Mỹ, Kuribayashi cũng hiểu rằng không thể cản được thế bước tiến của quân đội Mỹ, nhưng ông quyết định sẽ "tử thủ" làm quân Mỹ thương vong nhiều mà bỏ ý định tấn công nước Nhật.

Tướng Kuribayashi đã thay đổi phương thức phòng vệ đảo chống đổ bộ. Ông không cho làm công sự phòng thủ ngay từ bờ biển mà rút vào các khe núi bằng hệ thống đường hầm công sự. Kuribayashi cho xây dựng 18km đường hào, khoảng 5000 hang động và rất nhiều boongke công sự chiến đấu. Ông cũng ra chỉ thị cấm binh lính chiến đấu theo kiểu tự sát. Hệ thống bố phòng dần hoàn thiện theo triết lý phòng thủ của Kruribayshi được chia thành hai phần quan trọng. Ông đặt sở chỉ huy của mình ở phía bắc, căn cứ nằm sâu 20m ẩn trong các hang động và được kết nối 180m địa đạo.

Tại vị trí phía nam cao thứ 2 ở đảo được xây dựng trạm radio, dự báo thời tiết và cũng có một boongke khổng lồ được làm sở chỉ huy do viên phó tướng chỉ huy pháo binh của Kuribayashi là đại tá Chosaku Kaido phụ trách. Tới cuối năm 1944, toàn bộ quân đồn trú phòng thủ của Kuribayashi đã hoạt động dưới lòng đất, hệ thống địa đạo được xây dựng đầy đủ các phòng ngầm có thông hơi , có hệ thống điện được kết nối với nhau và có nhiều lối ra vào khác nhau. Có đầy đủ các cơ sở doanh trại , quân y viện dã chiến , phòng họp..v..v. Cũng nằm dưới độ sâu từ 15-20m…

Về phía Mỹ, để chuẩn bị cho chiến dịch đổ bộ Iwo Jima bằng sư đoàn 4, sư đoàn 5 là những đơn vị có kinh nghiệm tham chiến ở các chiến dịch đổ bộ trước, còn có sư đoàn 3 thủy quân lục chiến. Ngoài ra, để yểm trợ cho cuộc đổ bộ có 700 chiến hạm, 28 hàng không mẫu hạm 1172 máy bay các loại trên các hàng không mẫu đó của hạm đội 3 và hạm đội 7 hải quân Mỹ với tổng quân số ước tính vào 110.000 quân.

Ngày 19/2/1945, chiến dịch tấn công Iwo Jima bắt đầu do trung tướng Holland Smith tham mưu trưởng hành quân chiến dịch chỉ huy. Từ 2h sáng tới 9h sáng 19-2-1945, không quân và hải quân Mỹ oanh tạc và pháo kích liên tục, trong đó Mỹ sử dụng 120 siêu oanh tạc cơ B-29 để dọn đường cho quân đổ bộ. Quân Nhật nhờ ẩn nấp sâu trong các hang động và hệ thống địa đạo nên hầu như không bị tổn thất. Kuribayashi ra lệnh chỉ khi nào bờ biển lấp đầy quân đổ bộ và phương tiện vận tải mới được phép nổ súng. Đợt đổ bộ đầu khiến người Mỹ tin tưởng rằng quân đồn trú Nhật đã bị các cuộc oanh tạc, pháo kích trước đó tiêu diệt gần hết.

Bãi biển đổ bộ tràn ngập lính Mỹ và các phương tiện vận tải, thiết giáp. Đúng 10h sáng, các họng súng của Nhật nhả đạn khiến đợt đầu tiên đổ bộ quân Mỹ đã thương vong 2.400 quân. Đây là điều đã chứng minh sự đúng đắn về phương thức phòng thủ của Kruribayshi trước ưu thế tuyệt đối về nhân lực và vật lực của Mỹ. Quân Mỹ buộc phải cuộc vây lấn dần dần trực diện sử dụng súng phun lửa, lựu đạn tiêu diệt các quân Nhật ẩn nấp chủ yếu trong boongke và hang động. Sau khi chịu nhiều tổn thất của 2 sư đoàn 4 và 5 buộc bộ chỉ huy chiến dịch tăng viện ngay sư đoàn 3 thủy quân lục chiến hỗ trợ cho cho 2 sư đoàn trên, tới 23/2, quân Mỹ đã chiếm được đỉnh núi Suribachi phía nam một vị trí then chốt trong hệ thống liên kết phòng thủ của Nhật tại Iwo Jima. Nhiều tốp lính Nhật đã tổ chức tự sát tập thể, bên cạnh đó là những cuộc đánh xáp lá cà lẻ tẻ diễn ra trong các hang động. 10h15p, lá cờ Mỹ được tung bay trên đỉnh Suribachi trở thành lá cờ ngoại quốc đầu tiên cắm trên lãnh thổ Nhật.

Mất Suribachi, người Nhật tập trung dồn quân co giữ phòng tuyến thứ nhất chạy dài 3km từ bờ tây qua góc phía nam sân bay số 2 đến bờ đông của đảo. Hệ thống phòng thủ ở đây còn rất mạnh thậm chí hơn cả vị trí khu vực phía nam mà Mỹ vừa chiếm được. Các trận đánh đẫm máu của ba sư đoàn thủy quân Mỹ với các đơn vị phối thuộc sư đoàn 109 Nhật, một đối thủ cứng rắn lại được ẩn nấp trong các công sự. Quân Mỹ gặp vô cùng bất lợi về mặt địa hình. Qua 2 ngày ác chiến, sư đoàn 3 của Mỹ thương vong gần 2000 người, còn trung đoàn 145 thuộc sư đoàn 109 của Nhật bị xóa sổ hoàn toàn. Các vị trí liên kết phòng thủ của Nhật bị chia cắt dẫn tới việc hạn chế hỗ trợ cho nhau.

Cuộc chiến dai dẳng bằng chiến tranh du kích và cảm tử của từng nhóm quân Nhật còn lại tới cuối tháng 3/1945 khi quân Nhật đã cạn kiệt lương thực nhất là nước uống, vũ khí. Kuribayashi đã điện báo cáo về Nhật lần cuối cùng vào ngày 16/3/1945 với nội dung: “Cuộc chiến sắp kết thúc không phải vì tinh thần chiến đấu của quân đội Thiên Hoàng không còn mà là vì chúng tôi đã cạn kiệt lương thực, súng đạn. Nước uống đã hết từ 5 ngày nay, tất cả những người còn lại sẽ tiến hành cuộc tổng tấn công cuối cùng. Tôi nghĩ nước Nhật sẽ không an toàn nếu chúng ta không chiếm lại được hòn đảo này. Tôi hy vọng linh hồn tôi sẽ dẫn đường cho những cuộc tấn công ở tương lai. Cầu trời ban cho tổ quốc tôi thắng lợi cuối cùng...." Và bức điện kết thúc bằng ba bài thơ của ông.

Ngay ngày 17/3 hôm sau thông qua vô tuyến điện một đặc chỉ từ bộ tổng tham mưu Nhật thăng quân hàm đại tướng cho Kuribayashi , tại Nhật cũng phát đi thông báo của chính phủ Nhật sự thất bại của Iwo Jima nhưng thực tế cuộc chiến vẫn kéo dài sau đó hơn nửa tháng. Sau khi báo cáo lần cuối về Nhật, ông phát lệnh tử thủ chiến đấu đến chết không ai được lo mạng sống của mình từ sỹ quan chỉ huy tới các binh lính kể từ 0h ngày 18/3 bằng các cuộc tấn công du kích. Tới ngày 27/3, ông rời khỏi hang động chỉ huy của mình và vĩnh viễn nằm lại tại hòn đảo này....

img

Cho đến giờ cái chết của Kuribayashi vẫn còn là một bí ẩn lịch sử gây tranh cãi. Người thì cho rằng Kuribayashi chết trong đợt tấn công cuối cùng nhưng cũng có người cho rằng ông đã yêu cầu viên sỹ quan tùy tùng thực hiện nghi lễ chặt đầu sau khi dùng gươm tự harakiri mổ bụng tự sát. Sau hơn một tháng giao tranh ác liệt người Mỹ đã chiến thắng nhưng chịu một tổn thất nặng nề đến kinh hoàng nhất với con gần 7000 người chết, hơn 19.000 người bị thương con số thương vong này còn nhiều hơn cả số quân nhân Mỹ thương vong trong ngày D-Day đổ bộ lên Normandie ở Pháp với tổng số khoảng 10.000 quân thương vong. Trong số hơn 21000 quân phòng thủ Nhật chỉ còn 216 người sống sót bị bắt làm tù binh, số còn lại hơn 20.000 người đã chết và mất tích.

Bản thân trung tướng Holland Smith chỉ huy cuộc đổ bộ của Mỹ cũng hết sức khâm phục Kuribayashi và nhận định: "Kuribayashi là đối thủ đáng gờm nhất của chúng ta.” Trong hồi ký của mình, tướng Smith viết: "Hệ thống phòng thủ của ông ta (Kuribayashi ) vững chắc hơn bất kỳ hệ thống phòng thủ nào mà tôi đã từng chứng kiến tại Pháp trong Thế chiến thứ nhất và của người Đức trong Thế chiến thứ hai.

Nguyễn Trí Kiên (Giáo dục Thời đại)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem