Ông Hạnh bên sản phẩm đông trùng hạ thảo
Dược liệu quý, bán giá rẻ
Theo ông Hạnh, hơn 30 năm trước, ông sang Canada. Lúc đầu ông xin vào làm việc tại trang trại của người bản xứ, dần già ông tích lũy được kinh nghiệm trồng trọt. Khi có lưng vốn, ông tự xây dựng trang trại riêng trồng rau, củ quả sạch hữu cơ với cả chục ha. Sản phẩm làm ra đều xuất sang châu Âu, đem lại thu nhập ổn định.
Năm 2014, tình cờ ông Hạnh biết được mô hình nuôi cấy đông trùng hạ thảo, vốn được xem là thảo dược quý hiếm tại Canada, ông nảy sinh ý định sẽ về Việt Nam làm thử. Nói là làm, ông mày mò học hỏi, tiến hành trồng thử nghiệm, nhưng bước đầu không hiệu quả do “tay ngang”. Ông cất công tìm tòi tư liệu từ intertnet, liên hệ bạn bè tìm nơi nuôi cấy. Sau hơn 1 năm, ông bắt tay vào sản xuất với số lượng nhỏ lẻ.
“Ban đầu, khi trình bày ý tưởng nuôi cấy đông trùng hạ thảo, hầu hết người thân của tôi đều phản đối vì nghĩ sẽ rất khó nuôi cấy. Nếu nuôi cấy được thì cũng khó sống. Cho dù có 1 - 10% thành công thì tôi cũng thử, không thành công thì cũng thành nhân. Không mạnh dạn làm thì sao biết được”, ông Hạnh cho biết.
Ông Hạnh đang tư vấn cho khách hàng về đông trùng hạ thảo
Đến năm 2016, ông trở về Việt Nam để đầu tư công nghệ nuôi cấy đông trùng hạ thảo. Ông Hạnh cho biết: “Khi quyết định về nước, một mặt tôi muốn con, cháu dòng họ có công ăn việc làm ổn định với mức thu nhập khá. Sau là, sản xuất ra loại dược liệu quý cải thiện sức khỏe với giá thành rẻ. Vì lẽ đó, tôi không quan tâm đến lợi nhuận. Cuối cùng, là nhằm phát triển nông nghiệp hữu cơ đô thị tại nơi từng sinh ra mình”.
Ban đầu ông Hạnh đầu tư hệ thống máy móc, thiết bị hiện đại và phòng thí nghiệm hơn 8 tỷ đồng, lập Cty TNHH MTV Sản xuất và nuôi trồng An Thịnh tại TX Tân Châu chuyên kinh doanh đông trùng hạ thảo. Nhưng khoảng 7 tháng đầu bắt tay vào nuôi cấy gặp không ít khó khăn, số lượng đông trùng nuôi cấy nhiễm bệnh hư hao hàng loạt, thua lỗ hơn 2 - 3 tỷ, làm ông gần như suy sụp.
Cái khó nhất trong cấy đông trùng hạ thảo là thời tiết, yếu tố quan trọng đầu tiên. Vì thế, ông mua thêm máy móc để điều chỉnh khí hậu, gắn thêm hệ thống cảm biến khí để thay đổi cho thích hợp. Khâu chọn giống cũng rất quan trọng. Hồi trước, ông phải nhập phôi từ Nhật Bản chi phí rất cao, nhưng sau 1 năm ông đã có thể tự sản xuất phôi giống để giảm giá thành.
“Trước tiên, do kinh nghiệm không đủ từ thực tế sản xuất bên ngoài nên chuyển vào phòng thí nghiệm rất khó. Bên cạnh đó, điều kiện khí hậu không đạt chuẩn nên thất bại, nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ sẽ từ bỏ. Hỏng mẻ này tôi tiến hành mẻ khác, trên cơ sở đó đúc kết kinh nghiệm và học hỏi thêm từ người đi trước”, ông Hạnh bộc bạch.
Để sản xuất thành công đông trùng hạ thảo, ông Hạnh phải đầu tư hệ thống máy móc gần chục tỷ đồng
Cần phải có kỹ thuật cao
Chia sẻ bí quyết thành công, ông Hạnh cho biết: Để nuôi đông trùng hạ thảo trong điều kiện nhân tạo thì phải phân lập giống trong 4 tuần, nguồn nguyên liệu chính là gạo lứt và nước dừa tươi, hột gà, khoai tây, đậu nành, giá đậu xanh pha trộn thêm các dưỡng chất bổ sung. Quy trình sản xuất khép kín được khử trùng, để nguội, cấy giống cấp 1, cấp 2, sau đó đến ươm sợi, kế đến là kích thích tạo quả thể, nuôi quả thể và thu hái.
Để đông trùng hạ thảo có chất lượng, nuôi cấy phải đảm bảo về nhiệt độ và độ ẩm, ánh sáng. Cụ thể, khi ủ phải duy trì nhiệt độ phòng từ 25oC, độ ẩm 85%, giữ tối cho đến khi sợi nấm lan đều và phủ kín bề mặt. Tiếp theo chuyển sang xử lý tại phòng kín có nhiệt độ từ 18 - 23oC, độ ẩm 85% và chiếu sáng cho đến khi bề mặt xuất hiện các chồi nấm màu vàng.
Đông trùng hạ thảo sấy khô bán giá 65 triệu đồng/kg
Sau cùng chuyển sang phòng nuôi đảm bảo nhiệt độ ổn định từ 18 - 22oC, độ ẩm 85%, chiếu sáng 12 - 14 giờ/ngày cho đến khi thu hoạch. Mỗi lần nuôi cấy thường kéo dài khoảng 90 ngày mới có thể thành phẩm. Đông trùng hạ thảo khi thu hoạch phải có màu vàng sậm, lên đều, đẹp và chiều dài đạt 6 - 10cm.
Với diện tích nuôi trồng 200m2, mỗi tuần thu hoạch 1 lần được khoảng hơn 1kg tươi, sau khi sấy khô cho ra khoảng 100gram, giá bán 6,5 triệu/100gram. Mặt khác tại cơ sở còn xuất bán thêm trà túi lọc, rượu đông trùng hạ thảo, sinh khối, mỗi tháng thu lợi gần trăm triệu đồng. Hiện tại, ông Hạnh đã xuất đông trùng hạ thảo sấy khô sang Mỹ, Đức.
Ông Hạnh cho biết, đông trùng hạ thảo là một loại nấm sống ký sinh trên côn trùng, trên các vùng núi cao so với mực nước biển ở dãy Himalaya, Tây Tạng, Vân Nam, Cam Túc (Trung Quốc)... Có trên 600 loài đông trùng hạ thảo, nhưng được biết đến nhiều nhất là Cordyceps Sinensis và Cordyceps Militaris, trong đó Cordyceps Militaris có tính năng vượt trội về dược chất có lợi cho sức khỏe con người.
Đông trùng hạ thảo nuôi cấy 90 ngày mới có thể thành phẩm
Tuy nhiên, đông trùng hạ thảo trong thiên nhiên ngày càng cạn kiệt do khai thác quá mức và số lượng không đáp ứng đủ nhu cầu nên giá thành rất cao, thậm chí có tiền cũng không mua được.
Đông trùng hạ thảo vẫn được gọi là "thần dược", có tác dụng hỗ trợ điều trị ung thư, bệnh nhân đang xạ trị; bảo vệ thận, chống lại sự suy thoái thận, phục hồi tế bào thận; hỗ trợ miễn dịch cơ thể, chống viêm nhiễm, kháng viêm; điều tiết đường huyết, kiểm soát bệnh tiểu đường; bảo vệ phổi, trị các bệnh về phổi, trừ đờm, hen suyễn, suy hô hấp, trị các chứng ho lâu ngày; tăng cường sinh lý, hỗ trợ điều trị vô sinh...
Sắp tới ông Hạnh sẽ nâng công suất cung cấp đông trùng hạ thảo lên hàng chục kg mỗi tháng ra thị trường trong nước, đồng thời mở rộng xuất khẩu sang các nước châu Á với số lượng lớn.
Lê Hoàng Vũ (NNVN)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.