Việt Nam đạt 90 triệu dân: Thách thức lớn hơn cơ hội

Thứ sáu, ngày 01/11/2013 06:39 AM (GMT+7)
90 triệu dân sẽ tạo một áp lực lớn cho sự phát triển đất nước về mọi mặt như môi trường, kinh tế, xã hội. Dân số vàng cũng có nghĩa là nhu cầu việc làm rất lớn, sự cạnh tranh khốc liệt...
Bình luận 0
Ngày 1.11, theo công bố chính thức của Tổng cục Thống kê, Việt Nam đón chào công dân thứ 90 triệu (trong đó, nông thôn chiếm 67,7% dân số). Lễ đón công dân thứ 90 triệu đã được Tổng cục Dân số - KHHGĐ (Bộ Y tế) tổ chức tại Bệnh viện Phụ sản T.Ư.

TS Dương Quốc Trọng – Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số cho biết, Việt Nam đã thực hiện đạt chỉ tiêu mà chiến lược dân số và sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011-2020 đã đề ra. Theo đó, quy mô dân số không vượt quá 93 triệu người vào năm 2015 và không quá 98 triệu người vào năm 2020. Ước tính tháng 11.2015, dân số khoảng 91,5 triệu.

Về phân bố dân số, đồng bằng sông Hồng có mật độ dân số cao nhất, chiếm tỷ lệ 22,8% dân số, trong khi diện tích tự nhiên chỉ bằng 6,9% diện tích cả nước. Tiếp đó là vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung chiếm 21,8% dân số, diện tích đất chiếm 29%. Tây Nguyên có mật độ dân số ít nhất với 6% dân số nhưng diện tích đất chiếm 16,5%.

GS Nguyễn Đình Cử- giảng viên cao cấp Viện Dân số và Các vấn đề xã hội đánh giá, với dân số 90 triệu người, Việt Nam đã là một cường quốc dân số trên thế giới. Đây là thị trường lao động lớn, là tiềm năng tiêu thụ dồi dào, hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong nước và thế giới.

“Chúng ta lại đang ở thời kỳ dân số vàng (2 người lao động nuôi 1 người phụ thuộc), do đó, thời cơ của tiết kiệm và đầu tư cũng chiếm lợi thế. Dự báo, thời kỳ dân số vàng còn kéo dài 30-35 năm nữa, Việt Nam sẽ có cơ hội tích lũy và vươn lên” – GS Cử cho biết.

Tuy nhiên, theo GS Cử, nếu không có các chính sách để khai thác tiềm năng của dân số vàng thì thách thức sẽ nhiều hơn lợi thế.

90 triệu dân sẽ tạo một áp lực lớn cho sự phát triển đất nước về mọi mặt như môi trường, kinh tế, xã hội. Dân số vàng cũng có nghĩa là nhu cầu việc làm rất lớn, sự cạnh tranh khốc liệt, kéo theo các vấn đề như thất nghiệp, thiếu việc làm, nghèo đói, tệ nạn. Xã hội phát triển, dân số tăng nhanh cũng kéo theo nhiều nhu cầu về y tế, giáo dục, giao thông…

“Khi cung không phát triển kịp với cầu thì tức khắc sẽ xảy ra nhiều vấn đề như quá tải bệnh viện, giảm chất lượng giáo dục, ách tắc và tai nạn giao thông… Những điều này dễ gây ra căng thẳng xã hội” – GS Cử cho biết.

Diệu Linh (Diệu Linh)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem