Việt Nam đứng trước cơ hội có thêm startup Kỳ lân

01/02/2021 09:30 GMT+7
Dù ảnh hưởng bởi Covid-19, nhưng các quỹ đầu tư cũng như các startup Việt Nam đều lạc quan trong thời gian tới, khi dịch được kiểm soát tốt hơn.

Theo Báo cáo đầu tư vào lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam (Vietnam Tech Investment) năm 2019, từ quốc gia đứng vị trí thứ 4 trong 6 nước ASEAN, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam vươn lên thứ hạng 3, chỉ sau Indonesia và Singapore.

Tuy nhiên, Covid-19 lại giáng một “đòn chí mạng” cho các startup Việt. Những doanh nghiệp non trẻ, hừng hực khí thế khởi nghiệp vừa gia nhập thị trường đã phải đối mặt với môi trường đầu tư, nhu cầu người dùng thay đổi nhanh chóng.

Mặt khác, tình trạng thiếu vốn, kêu gọi đầu tư không còn thuận lợi và những khó khăn chung của nền kinh tế thế giới khiến không ít startup rơi vào cảnh lao đao.

Báo cáo Khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam của Austrade cũng đã chỉ ra 5 thách thức “ngáng đường” hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam, bao gồm: Khả năng tiếp cận tài chính - thuyết phục các nhà đầu tư; Tài năng và kỹ năng điều hành - không được đào tạo đầy đủ về khả năng kinh doanh; Hệ sinh thái còn phân mảnh; Khả năng R&D - năng lực khoa học, công nghệ và đổi mới; Vấn đề sở hữu trí tuệ.

Ở khía cạnh tích cực, các chuyên gia cho rằng thế mạnh của các startup Việt Nam là sự sáng tạo và khả năng học nhanh. Theo đó, công nghệ và những giải pháp thông minh như áp dụng trí tuệ nhân tạo sẽ là xu hướng mới, cần các startup nắm bắt kịp thời khi Covid-19 đã thúc đẩy nhanh chóng quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam.

Cơ hội vẫn sẽ mở ra cho những startup biết thích nghi, có đủ kỹ năng để vươn lên trong tình huống khó khăn. Ông Nguyễn Mạnh Dũng, nhà đồng sáng lập Quỹ Do Ventures đánh giá, Việt Nam đang đứng trước cơ hội sẽ sớm xuất hiện những Kỳ lân công nghệ (startup được định giá 1 tỷ USD) và kéo theo hệ sinh thái khởi nghiệp trong nước phát triển.

Việt Nam đứng trước cơ hội có thêm startup Kỳ lân - Ảnh 1.

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc Việt Nam sẽ sớm có thêm nhiều Kỳ lần công nghệ không phải là không có cơ sở, khi có đầy đủ các yếu tố để biến điều đó thành sự thật - dân số đông, tỷ lệ người dùng smartphone cao, người dùng am hiểu, thích công nghệ, tăng trưởng kinh tế nhanh và nhân sự giỏi.

Đó là chưa kể đến, dịch Covid-19 đã khiến người dùng Việt Nam đang có xu hướng thay đổi hành vi sử dụng Internet, smartphone khi quen dần với việc chuyển dịch từ sử dụng các dịch vụ offline sang online, từ học tập, thanh toán, ngân hàng, mua sắm...

Bên cạnh VNG (đạt danh hiệu kỳ lân vào năm 2016), Việt Nam chưa thực sự có startup công nghệ kỳ lân thứ hai. VNG mất tới 12 năm để đạt định giá 1 tỷ USD, song sự hiện diện của nó lại không đậm nét như Gojek hay Grab ở Đông Nam Á.

Chưa kể đến, chuyển đổi số, Make in Vietnam, công nghiệp 4.0 là những từ khoá được chính phủ nhắc đi nhắc lại bởi Việt Nam không muốn là người đi sau. Bên cạnh hình ảnh một quốc gia sản xuất, Việt Nam đang muốn tiến xa hơn và có chỗ đứng trong lĩnh vực công nghệ.

Đó cũng là lý do cho thấy dù ảnh hưởng bởi Covid-19 nhưng các quỹ đầu tư cũng như các startup đều lạc quan trong thời gian tới, khi dịch được kiểm soát tốt hơn.

Covid-19 khiến số thương vụ và tổng vốn đầu tư năm 2020 giảm. Tháng 10/2020, báo cáo của Quỹ đầu tư Do Ventures đã ghi nhận kỷ lục về đầu tư khởi nghiệp tại Việt Nam năm 2019.

Cụ thể, năm 2019 thu hút được lượng vốn đầu tư kỷ lục 891 triệu USD với 123 thương vụ đầu tư, tăng gần gấp đôi so với năm 2018 (448 triệu USD với 60 thương vụ).


Việt Hưng
Cùng chuyên mục