Việt Nam là thị trường xuất khẩu số một của Trung Quốc trong 9 tháng đầu năm 2020

14/10/2020 09:04 GMT+7
Việt Nam là quốc gia dẫn đầu ASEAN khi chiếm 29% kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc, đóng góp gần 1/4 kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc từ khu vực Đông Nam Á.

Việt Nam là thị trường xuất khẩu số một của Trung Quốc trong 9 tháng đầu năm 2020 - Ảnh 1.

Việt Nam là thị trường xuất khẩu số một của Trung Quốc trong 9 tháng đầu năm 2020. Ảnh: CNN

Chuỗi cung ứng đa dạng của Trung Quốc đã giúp nước này lấy lại đà tăng trưởng thương mại trong những tháng gần đây, bất chấp đại dịch COVID-19 và căng thẳng kinh tế với Mỹ.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, xuất khẩu của nước này trong tháng 9 đã tăng 9,9% so với cùng kỳ năm ngoái lên 239,7 tỷ USD. Đà tăng trường này của Trung Quốc đã được hỗ trợ bởi việc gia tăng hoạt động sản xuất cũng như nhu cầu bên ngoài phục hồi khi nhiều nền kinh tế kiểm soát được đại dịch.

Trong khi đó, nhập khẩu trong tháng 9 tăng 13,2% lên 202,7 tỷ USD. Đây là mức tăng mạnh nhất của kim ngạch nhập khẩu Trung Quốc kể từ đầu năm đến nay.

Trong 9 tháng đầu năm, xuất khẩu của Trung Quốc giảm 0,8% xuống 1,8 nghìn tỷ USD, trong khi nhập khẩu giảm 3,1% xuống 1,4 nghìn tỷ USD. Tuy nhiên, chỉ số quản lý thu mua (PMI) của Trung Quốc lại duy trì đà tăng 7 tháng liên tiếp, đạt 51,5 điểm trong tháng 9, qua đó cho thấy một sự tăng trưởng rõ rệt về đơn đặt hàng và hoạt động sản xuất.

Đặc biệt, đối tác thương mại hàng đầu của Trung Quốc trong 9 tháng đầu năm là các quốc gia trong khối ASEAN. Tổng giá trị giao dịch với nhóm các nước này đạt khoảng 481 tỷ USD. Xuất khẩu tăng 4,9% lên 267 tỷ USD, trong khi nhập khẩu tăng 5,1% lên 214 tỷ USD.

Hiện tại, Việt Nam chính là quốc gia dẫn đầu ASEAN chiếm 29% kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc, đóng góp gần 1/4 kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc từ khu vực Đông Nam Á.

Trong khi đó, xuất khẩu sang Mỹ, chỉ chiếm 20% tổng kim ngạch, tăng 21% lên 44 tỷ USD, đà tăng trong tháng thứ tư liên tiếp.

Theo danh mục sản phẩm, xuất khẩu của Trung Quốc chủ yếu là hàng dệt may, tăng 33%, tiếp theo là thiết bị y tế và thiết bị điện, bao gồm cả máy tính cá nhân. Phần lớn nhập khẩu của Trung Quốc là máy móc và thực phẩm, bao gồm thịt và ngũ cốc.

Chất bán dẫn cũng góp phần vào sự gia tăng bất chấp lệnh cấm của Washington vào ngày 15/9 đối với gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei Technologies. Lệnh cấm này hạn chế các lô hàng linh kiện công nghệ và phần mềm có nguồn gốc từ Mỹ. Dường như, các công ty Trung Quốc đã tăng cường mua những mặt hàng này trước khi lệnh cấm có hiệu lực.

UBS Global Research ghi nhận mức tăng trưởng gần đây của Trung Quốc ở mức thấp hơn trong năm 2019, do cuộc chiến thương mại với Mỹ cũng như sự chuyển hướng của các công ty Trung Quốc sang Đài Loan và Việt Nam.

Báo cáo lưu ý, xuất khẩu của Trung Quốc sang Đài Loan vẫn phục hồi kể từ năm 2017 bất chấp căng thẳng chính trị và đại dịch, do các chuyến hàng linh kiện công nghệ và nguồn cung linh kiện ngày càng tăng.

Sự tăng trưởng cũng phản ánh sự phụ thuộc lẫn nhau của cả hai nền kinh tế mặc dù căng thẳng chính trị ngày càng gia tăng. Trong khi một số nhà sản xuất công nghệ Đài Loan đã chuyển hoạt động sản xuất ở đại lục trở lại Đài Loan để tránh thuế quan trừng phạt của Mỹ đối với các sản phẩm xuất xứ từ Trung Quốc, song họ vẫn có thể dựa vào nguồn cung cấp linh kiện từ đại lục.

Xuất khẩu của đại lục sang Đài Loan tăng 8,1% lên 37 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm 2020, trong khi nhập khẩu tăng 10,6% lên 121 tỷ USD. Trong cùng thời gian, xuất khẩu của Đài Loan sang Mỹ tăng 7%, dẫn đầu là các sản phẩm điện tử.

Theo báo cáo của UBS Global Research, việc Bắc Kinh tăng cường xuất khẩu hàng điện tử sang Việt Nam cũng đã phản ánh một phần sự thay đổi trong chuỗi cung ứng, khi Trung Quốc cung cấp nhiều linh kiện hơn cho các nhà sản xuất đã chuyển đến Việt Nam hoặc mở rộng sang đó.

Các công ty Trung Quốc đã mở rộng sang Việt Nam bao gồm Guoguang Electric, từng công bố các kế hoạch trị giá 10 triệu USD trong năm 2018 nhằm giảm thiểu "biến động trong đầu tư kinh doanh do hậu quả của chiến tranh thương mại".

Yu Kaho, nhà phân tích của Verisk Maplecroft tại Singapore, cho biết tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc sẽ chậm lại trong những tháng tới khi các hộ gia đình ở nước ngoài hoàn tất việc mua sắm các vật dụng làm việc tại nhà.

Ông Yu nói thêm rằng tiêu thụ nội địa vẫn yếu do sự hỗ trợ của chính phủ kém, vốn chủ yếu tập trung vào các dự án cơ sở hạ tầng. Tăng trưởng xuất khẩu vẫn không chắc chắn, trong khi nhập khẩu sẽ phụ thuộc vào tính bền vững của sự phục hồi của Trung Quốc và quan hệ thương mại với Mỹ.

"Triển vọng bên ngoài vẫn còn nhiều thách thức vì nhiều đối tác thương mại quan trọng đang đối mặt với nguy cơ một làn sóng COVID-19 khác trong mùa đông, điều này sẽ làm giảm tốc độ phục hồi kinh tế và nhu cầu của họ đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc", Oxford Economics của Anh viết trong một báo cáo vào thứ Ba.

  Dân buôn ồ ạt xả, thanh lý hàng xách tay giá siêu rẻ trước lệnh xử phạt mới 

Theo Thanh Trần/Nhadautu
Cùng chuyên mục