Việt Nam sắp có hệ thống cảnh báo thời tiết, thiên tai, sâu bệnh

Việt Tùng Thứ ba, ngày 13/12/2016 15:39 PM (GMT+7)
Hội thảo Doanh nghiệp đổi mới sáng tạo ứng phó với Biến đổi khí hậu (BĐKH)- Nâng cao chất lượng tăng trưởng xanh Việt Nam đã đề cập đến các giải pháp nhằm đối phó với BĐKH, phát thải hiệu ứng nhà kính, thiên tai, dịch bệnh, sâu bệnh… và khẳng định đây là một vấn đề lớn cần có sự vào cuộc của cả thế giới.
Bình luận 0

img

Ông Nguyễn Quang Huy - Trưởng phòng Giảm phát thải khí nhà kính (KNK) của Cục KTTV & BĐKH.

Hội thảo do Báo Tài nguyên & Môi trường phối hợp với Cục Khí tượng Thủy văn & Biến đổi khí hậu và Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Ứng phó với Biến đổi khí hậu Việt Nam tổ chức sáng 13.12.

Theo đó, hội thảo đã đề cập đến cái giải pháp nhằm đối phó với BĐKH, phát thải hiệu ứng nhà kính, thiên tai, dịch bệnh, sâu bệnh… và khẳng định đây là một vấn đề lớn cần có sự vào cuộc của cả thế giới.

Theo PGS.TS. Mai Quang Vinh - Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp Chính xác iMetos Việt Nam ITED, hiện có rất nhiều công nghệ hiện đại như: Công nghệ thích ứng trong nông nghiệp  nhằm tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu tác động bất lợi của thời tiết, thiên tai, nâng cao năng suất và khả năng phục hồi trong vùng sinh thái cụ thể, vừa đáp ứng nhu cầu tái cơ cấu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững ngành nông nghiệp.

img

Ông Văn Khắc Minh - Phó TGĐ Công ty Cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao.

Công nghệ iMetos quan trắc, dự báo thời tiết, thiên tai, sâu bệnh, môi trường tự động. Ưu điểm của công nghệ này là chi phí thấp, hiệu quả cao, phản ứng thông minh với các tình huống thời tiết quá ngưỡng, bất lợi với cây trồng, vật nuôi, thủy sản, nâng cao khả năng dự báo thời tiết tới 90% trong 24h, 70% trong 6 ngày và 50% trong 14 ngày.

“Công nghệ này đang được Trung tâm CPAIV-ITED và Công ty AgriMedia phối hợp các đối tác quốc tế như Áo, Thụy Sỹ, Nhật Bản phát triển ứng dụng tại Việt Nam. Dự kiến trong 3-5 năm tới sẽ hình thành Hệ thống thông tin thời tiết, cảnh báo thiên tai, sâu bệnh cây trồng, thủy sản, xâm nhập mặn với hàng ngàn trạm quan trắc, cảnh báo tự động theo công nghệ thích ứng thông minh được lắp đặt và hoạt động  trên toàn lãnh thổ Việt Nam” – PGS.TS Vinh nhấn mạnh.

Cũng theo ông Vinh, hiện đã có công nghệ chọn tạo giống cây trồng chống chịu, thích ứng cao với các điều kiện canh tác khắc nghiệt, cho tới nay đã xuất hiện các giống lúa chịu mặn 3-4 ‰, một số mẫu giống có thể chịu tới 7‰, đậu tương chịu hạn, úng cao, phèn mặn, ngô chuyển gen kháng thuốc diệt cỏ, kháng sâu đục trái. Hay công nghệ phân bón tiết kiệm ít trôi rữa, thích hợp với từng loại cây, loại đất…

Ông Nguyễn Quang Huy - Trưởng phòng Giảm phát thải khí nhà kính (KNK) của Cục KTTV & BĐKH cho biết, hiện nay Việt Nam đứng thứ 31 trên thế giới về lượng phát thải KNK, cường độ phát thải KNK trên đầu người của Việt Nam thấp hơn trung bình thế giới, nhưng cường độ phát thải trên một đơn vị GDP cao hơn trung bình thế giới.

“Việt Nam đã đệ trình đóng góp dự kiến cho quốc gia tự quyết định lên UNFCCC, trong đó cam kết mức giảm phát thải KNK so với kịch bản phát triển thông thường (BAU) là 8% vào năm 2030, sẽ tăng lên 25% nếu có thêm hỗ trợ quốc tế. Khi xây dựng mục tiêu giảm nhẹ này, nước ta đã tính đến phương án giảm phát thải thông qua xây dựng và vận hành thị trường các-bon nội địa” – ông Huy cho hay.

Theo ông Huy, hiện nay với sự tài trợ của Ngân hàng thế giới, Việt Nam đã xây dựng dự án Chuẩn bị sẵn sàng cho thị trường các-bon tại Việt Nam (VN-PMR) và đang chuẩn bị bước vào giai đoạn triển khai. Đây là dự án định hướng việc phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam cũng như cung cấp những công cụ thị trường giúp giảm phát thải KNK thông qua việc thử nghiệm với 2 lĩnh vực là sản xuất thép và quản lý chất thải rắn. Đồng thời, thông qua việc nghiên cứu, xây dựng và thí điểm thị trường các-bon cùng với cá công cụ thị trường sẽ kiểm soát phát thải KNK.

Để nắm bắt các cơ hội và lợi ích từ việc xây dựng và phát triển thị trường các-bon, chính phủ Việt Nam cần đẩy mạnh giải quyết các thách thức về năng lực giúp xây dựng và quản lý một phần thị trường trao đổi tín chỉ các-bon trong nước; khung chính sách để vận hành và quản lý thị trường; việc thiếu các nghiên cứu khả thi về khả năng tham gia thị trường các-bon đối với từng lĩnh vực cụ thể và ý thức, kiến thức của doanh nghiệp Việt Nam về giảm nhẹ phát thải KNK.

Phát biểu tại hội thảo ông Văn Khắc Minh - Phó TGĐ Công ty Cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao cho biết, công ty đã, đang và tiếp tục triển khai, áp dụng nhiều giải pháp nhằm giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, ứng phó với hiện tượng BĐKH.

Cụ thể, công ty đầu tư trồng nhiều cây xanh giúp giảm lượng khí CO2 trong bầu khí quyển; triển khai nhiều giải pháp giảm định mức tiêu hao điện, nước tại dây chuyền sản xuất; sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, các nguồn năng lượng tái tạo... Đặc biệt, công ty đã đầu tư thi công dự án Cải tạo và xây dựng hệ thống cung cấp nước sản xuất và xử lý tuần hoàn nước thải 1.900m3/h với tổng kinh phí 47 tỷ đồng; tuần hoàn lại nước thải sủi bọt NPD…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem