Vietcombank: Lợi nhuận giảm, nợ xấu tăng, có nên mua vào

01/05/2020 06:19 GMT+7
Vietcombank đang ở trong tình trạng khá khó khăn khi lợi nhuận giảm nhưng nợ xấu lại tăng. Vì vậy, nhà đầu tư băn khoăn không biết có nên mua vào cổ phiếu VCB thời điểm này.

Công ty chứng khoán MBS đã phân tích tình trạng của Vietcombank và đã đưa ra lời khuyên cho nhà đầu tư.

Lợi nhuận trước thuế quý 1/2020 của VCB đạt khoảng 5,600 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng thu nhập hoạt động trong quý 1 đạt hơn 12.200 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó thu nhập lãi thuần tăng 6,3% lên 9.034 tỷ đồng, lãi từ hoạt động dịch vụ tăng 5,4% lên 1.127 tỷ đông và hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng 19% lên 1.039 tỷ đồng. Khoản thu đột biến từ việc thoái vốn khỏi công ty bảo hiểm nhân thọ cho FWD chưa được ghi nhận trong quý này.

Trong khi đó, hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh và hoạt động khác đều giảm tương đối so với cùng kỳ, thậm chí ghi nhận lỗ ở hoạt động mua bán chứng khoán kinh với mức lỗ 54 tỷ đồng.

Vietcombank: Lợi nhuận giảm, nợ xấu tăng, có nên mua vào - Ảnh 1.

MBS ước tính lợi nhuận năm 2020 của VCB dự kiến chỉ tăng 4%.

Trong khi lợi nhuận ở các mảng kinh doanh tăng trưởng chậm, thậm chí là sụt giảm thì chi phí hoạt động và chi phí dự phòng của ngân hàng lại tăng vọt dẫn đến lợi nhuận kém khả quan so với cùng kỳ. Cụ thể, chi phí hoạt động tăng 12% lên 4.910 tỷ đồng, chi phí dự phòng rủi ro tăng 43% lên 2.152 tỷ đồng.

Trước tác động của dịch bệnh Covid-19, VCB chịu ảnh hưởng tương đối nghiêm trọng khi dịch vụ hàng không đóng băng khi ngân hàng này cho Vietnam Airlines vay nhiều nhất với dư nợ 5.600 tỷ, và cũng cấp tín dụng cho các nhân viên trong hệ sinh thái của HVN.

Tác động của dịch khiến dư nợ trong nhóm này bị tác động nghiêm trọng. Ngoài ra dự kiến VCB phải thực hiện cắt giảm mạnh lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp, dự kiến kế hoạch lợi nhuận của VCB năm 2020 sẽ rất thách thức.

Nợ xấu có rủi ro tăng tuy nhiên vẫn có lá chắn tỷ lệ dự phòng cao. Tính đến cuối tháng 3, nợ xấu của Vietcombank ở mức 6.191 tỷ đồng, tăng 387 tỷ so với hồi đầu năm, theo đó tỷ lệ nợ xấu tăng nhẹ từ mức 0,79% lên 0,82%, vẫn là một trong những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất hệ thống.

MBS nhận thấy rằng các doanh nghiệp xuất khẩu vay vốn VCB đang có rủi ro tăng trưởng nợ xấu vì ảnh hưởng của Corona lên chuỗi cung ứng toàn cầu. Do vậy, chúng tôi dự phóng NPL năm 2020 sẽ tăng lên 1,0%, chi phí dự phòng tăng 36% so với năm trước. Tỷ lệ dự phòng rủi ro tín dụng (LLR) giảm xuống 169%.

Tăng trưởng NIM sẽ bị chững lại. Tín dụng tăng trưởng 14% trong năm 2020, tuy nhiên lãi suất cho vay sẽ giảm 0,2% do VCB đi đầu tham gia chính sách của Nhà nước nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi virus Corona. NIM trong năm 2020 giảm nhẹ 10ppts.

MBS đưa ra khuyến nghị NẮM GIỮ đối với cổ phiếu VCB của Vietcombank với giá mục tiêu 67.800 đồng/CP dựa trên kết hợp 2 phương pháp so sánh P/B và chiết khấu thu nhập thặng dư (RI). Mức P/B là 3,1x được củng cố bởi tập khách hàng tốt và chi phí huy động cạnh tranh.

Hiệu quả hoạt động cao nhất hệ thống, chi phí huy động vốn cạnh tranh là những lợi thế không thể phủ nhận của VCB cũng như tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận từ hợp tác bancassurance. Tuy nhiên ảnh hưởng của virus Corona hiện tại là lớn. MBS ước tính lợi nhuận năm 2020 của VCB dự kiến chỉ tăng 4%.

Tuy nhiên, có thể MBS đã sai sót ở đâu đó trong báo cáo này. MBS kỳ vọng cổ phiếu VCB sẽ đạt 67.800 đồng/CP nhưng trên thực tế, đóng cửa phiên 29/4, VCB dừng ở mức 68.000 đồng/CP sau khi tăng 1.000 đồng/CP. Nhờ đó, trong phiên cuối cùng của tháng 4, vốn hóa thị trường Vietcombank có thêm 3.709 tỷ đồng.

Ngọc Lâm
Cùng chuyên mục