Vietnam Airlines sắp loại bỏ hoàn toàn máy bay ATR-72

Thứ năm, ngày 21/07/2016 11:11 AM (GMT+7)
VNA sẽ dừng khai thác dòng máy bay ATR từ năm 2016 vì hầu hết các sân bay đã được nâng cấp để đón các máy bay phản lực, việc khai thác dòng máy bay nhỏ này trở nên kém ưu thế.
Bình luận 0

Năm chiếc máy bay ATR-72-500 mà hãng hàng không Vietnam Airlines thuê của Công ty cổ phần Cho thuê máy bay Việt Nam (VALC) sẽ được bán đấu giá vào ngày 5.8, với mức giá khởi điểm 9,62 triệu đô la Mỹ/chiếc, tương đương 215 tỉ đồng. Đây là 5 tàu bay mà VNA chấm dứt hợp đồng thuê trước thời hạn 4 năm.

Theo thông báo của Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản thuộc Sở Tư pháp Hà Nội (đơn vị được VALC ủy quyền) năm chiếc tàu bay là tài sản của VALC được tài trợ vốn theo cấu trúc bảo lãnh của các tổ chức tín dụng xuất khẩu (ECA). Hiện nay, Công ty Thăng Long limited (SPC - công ty phục vụ mục đích đặc biệt do ngân hàng cho vay vốn CRÉDIT AGRICOLE CIB lập ra) đang đứng tên 5 tàu bay này.

Cả 5 tàu bay đang trong thời hạn hợp đồng thuê khô (chỉ thuê riêng tàu bay) giữa Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines-VNA) với VALC và đang được VNA khai thác.

img

VNA sẽ không còn khai thác dòng máy bay ATR.

Theo kế hoạch sản xuất kinh doanh và kế hoạch đầu tư phát triển giai đoạn 2016-2020, VNA sẽ dừng khai thác dòng máy bay ATR từ năm 2016 vì hầu hết các sân bay đã được nâng cấp để đón các máy bay phản lực, việc khai thác dòng máy bay nhỏ này trở nên kém ưu thế.

Sau đó, đại hội đồng cổ đông thường niên 2016 của VALC được tổ chức vào tháng 5.2016 đã thông qua kế hoạch chấm dứt trước thời hạn hợp đồng cho thuê 5 tàu bay ATR 72-500 của VNA.

Ngoài việc chấm dứt thuê 5 tàu bay ATR -72, hồi tháng 4.2016, VNA đã bất ngờ trình cổ đông cho phép bán 2 máy bay Boeing 777-200ER, đồng thời thuê lại 3 máy bay A350 mà hãng sắp được bàn giao trong hai năm 2016-2017.

Giải thích cho việc bán sau đó thuê lại 3 máy bay A350 vừa đặt mua, đại diện của VNA cho biết, trước áp lực trần nợ công, hãng đã quyết định rà soát, giảm dần quy mô vay vốn có bảo lãnh của Chính phủ bằng cách tìm kiếm đối tác để bán và thuê lại ba tàu bay A350 giai đoạn 2016-2017.

Theo VNA, việc bán rồi sau đó thuê lại máy bay khá phổ biến trên thế giới nhằm đảm bảo cân đối tài chính mà không ảnh hưởng đến hoạt động khai thác.

Trong khi VNA chấm dứt thuê 5 tàu bay ATR-72 trước hạn và bán rồi sau đó thuê lại 3 tàu bay A350 thì vào tuần trước hãng hàng không Jetstar Pacific (VNA đang nắm 70% cổ phần) đã ký hợp đồng mua 10 máy bay Airbus A320 CE0 Sharklet thế hệ mới.

Việc Jetstar Pacific đầu tư mua 10 máy bay mới là nhờ hai cổ đông là VNA và Tập đoàn Qantas (Úc) rót thêm 139 triệu đô la Mỹ để phát triển đội bay và chiếm lĩnh thị trường hàng không giá rẻ. Đồng thời, VNA cũng chuyển giao một số đường bay nội địa cho Jetstar Pacific khai thác.

Có thể thấy việc cạnh tranh từ các hãng hàng không giá rẻ đã buộc VNA phải rót thêm vốn vào Jetstar Pacific để chiếm lĩnh thị trường hàng không nội địa đang tăng trưởng mạnh trong vài năm qua. Việc rót vốn vào Jetstar Pacific đã khiến VNA phải cân đối lại các đường bay cũng như đội bay của hãng.

Lê Anh (Thời báo kinh tế Sài gòn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem