Vietstar Airlines tung dịch vụ bay VIP, khứ hồi chặng TP.HCM - Hà Nội lên tới gần 1 tỷ đồng

30/09/2019 22:16 GMT+7
Theo thông báo của Vietstar Airlines, chặng bay TP.HCM – Hà Nội có giá thuê là 460 triệu đồng, nếu tính luôn khứ hồi sẽ lên đến 920 triệu đồng.

230 triệu đồng cho mỗi giờ bay

Vietstar Airlines là hãng hàng không thứ 6 của Việt Nam được Cục Hàng không cấp Giấy chứng nhận người khai thác tàu bay (AOC). Theo đó, hai loại máy bay được cấp phép là Embraer Legacy 600 và Beechcraft King Air B300

Embrear Legacy 600 là máy bay phản lực thương gia, với tầm bay thẳng lên đến 8 giờ trong bán kính khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Còn Beechcraft King Air B300 là tàu bay cánh quạt hiện đại, có tốc độ cao, với 8 ghế du lịch.

Đây là hãng hàng không đầu tiên được cấp AOC thương mại cho máy bay phản lực thương gia tại Việt Nam.

Theo thông báo của Vietstar Airlines, hiện hãng bay đang đưa ra mức giá thuê chuyến theo giờ, đồng thời, mức giá có sự chênh lệch giữa 2 dòng máy bay đang khai thác.

Vietstar Airlines tung dịch vụ bay VIP, khứ hồi chặng TP.HCM - Hà Nội lên tới gần 1 tỷ đồng - Ảnh 1.

Máy bay Embraer Legacy 600 của Vietstar Airlines trị giá gần 288 tỉ đồng.

Cụ thể, với chiếc King Air 350 chi phí khoảng 80-92 triệu đồng mỗi giờ đã bao gồm đầy đủ thuế, phí. Riêng 2 chiếc hạng Legacy có giá khoảng 230 triệu đồng mỗi giờ bay.

Theo đó, chặng bay TP HCM - Hà Nội trong khoảng 2 giờ đồng hồ sẽ có giá thuê là 460 triệu đồng, khứ hồi sẽ lên đến tới gần 1 tỷ đồng.

Ngoài các chuyến bay nội địa, hãng hàng không thứ 6 này còn định hướng phục vụ các đường bay quốc tế, chủ yếu là mạng bay khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, chi phí sẽ cộng thêm phí phát sinh, phụ thuộc chính sách, phí bay qua không phận từng nước.

Trao đổi trên báo chí, Phó tổng giám đốc Vietstar Airlines Hoàng Xuân Hùng thừa nhận hiện mức giá vài trăm triệu đồng cho một giờ bay mà hãng đưa ra có phần cao hơn thu nhập trung bình của người Việt. Tuy nhiên, ông khẳng định đây là mức giá trung bình trong khu vực và thế giới cho hình thức vận tải này.

Kỳ vọng lớn hơn của đội ngũ lãnh đạo Vietstar Airlines là triển khai dịch vụ cấp cứu SOS bằng máy bay. Đây là dịch vụ chiếm tới 30-40% nhu cầu sử dụng máy bay thuê máy bay cá nhân trên thế giới.

Tại Việt Nam, hiện chưa có đơn vị nào triển khai loại hình này. Đa số các trường hợp cấp cứu cần di chuyển xa, trong khi đường bộ hoặc máy bay thương mại khá bị động về thời gian, còn sử dụng trực thăng không đảm bảo cho bệnh nhân bởi đây là máy bay buồng hở. Nhiều hãng bảo hiểm hiện triển khai dịch vụ cấp cứu máy bay cho khách hàng, nhưng phần lớn đều đặt máy bay từ nước ngoài. Chi phí cao hơn và thời gian chờ đợi cũng lâu hơn.

Vietstar Airlines đang kết nối với các trung tâm cấp cứu và bệnh viện lớn thuộc mạng bay trong lẫn ngoài nước. Thời gian để chuyển đổi công năng máy bay từ chuyên chở hành khách sang cứu thương chỉ mất khoảng vài phút. Các thiết bị cho cứu hộ dùng trên ba dòng máy bay của hãng cũng chủng loại chuyên dụng, nhập khẩu từ Mỹ, đảm bảo tình trạng của bệnh nhân cũng như hoạt động sơ cấp cứu của các chuyên gia y tế.

Hãng đầu tiên liên doanh giữa tư nhân và quân đội

Theo tìm hiểu, Vietstar Airlines được thành lập từ năm 2010, có trụ sở tại TP. HCM với số vốn điều lệ ban đầu 400 tỷ đồng. Vietstar Airlines có 3 cổ đông là Công ty TNHH MTV Hàng không Ngôi Sao Việt nắm 67% vốn; Công ty Sửa chữa máy bay A41 (thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân) nắm 25% vốn và Công ty Cổ phần Logistics Ngôi sao Việt nắm 8%.

Theo tìm hiểu, Vietstar Airlines được thành lập từ năm 2010, có trụ sở tại Tp. HCM với số vốn điều lệ ban đầu 400 tỷ đồng. Vietstar Airlines có 3 cổ đông là Công ty TNHH MTV Hàng không Ngôi Sao Việt nắm 67% vốn; Công ty Sửa chữa máy bay A41 (thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân) nắm 25% vốn và Công ty Cổ phần Logistics Ngôi sao Việt nắm 8%.

Ông Phạm Trịnh Phương - Chủ tịch của Công ty TNHH MTV Hàng không Ngôi Sao Việt cũng là Chủ tịch Hội đồng quản trị của Vietstar Airlines, đồng thời là người đại diện pháp luật.

Vào năm 2015, công ty này đã tăng vốn điều lệ lên 800 tỷ đồng. Đây cũng là con số được công bố rộng rãi trong văn bản thông báo về việc cấp giấy phép cho Vietstar Airlines.

Hãng này đặt mục tiêu cung cấp dịch vụ vận chuyển hành khách, hành lý, hàng hóa, đặc biệt là dịch vụ air taxi bằng các loại máy bay nhỏ dành cho đối tượng khách hàng có nhu cầu nhanh chóng.

Cùng với kinh doanh hàng không dân dụng, công ty còn phục vụ cho bay thăm dò, khảo sát... Vietstar Airlines còn cung cấp các dịch vụ khác như bảo dưỡng, sửa chữa máy bay, phục vụ mặt đất, phục vụ hàng hóa, cung cấp dịch vụ máy bay chở khách, chở hàng thuê chuyến, môi giới thuê máy ba, đào tạo nguồn lực phục vụ hàng không như phi công, nhân viên kỹ thuật…

Theo tiết lộ của đại diện Vietnam Airlines, Hãng đang xem xét đến việc đầu tư đội tàu bay phản lực loại nhỏ. Hãng dự định giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn năm 2030, đội tàu bay này có thể đạt khoảng 20 tàu. Trước mắt, Vietnam Airlines có thể sẽ thuê tàu bay phản lực loại nhỏ trong khoảng 6 tháng để thử nghiệm và đánh giá hiệu quả khai thác thực tế.

Tuy nhiên, vì Việt Nam chưa có sân bay dành cho hoạt động hàng không tư nhân nên câu chuyện bãi đỗ, lịch trình cất cánh, hạ cánh của Vietstar Airlines sẽ là một thách thức cho Hãng.

An Vũ
Cùng chuyên mục