Sáng nay 15.4, Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã VNM) tổ chức họp ĐHCĐ thường niên năm 2017. Tại đại hội, VNM đồng loạt thông qua các nghị quyết quan trọng về mục tiêu kinh doanh giai đoạn 2017 - 2021 và bầu ra nhân sự mới HĐQT nhiệm kỳ 2017 - 2021 theo mô hình quản trị mới từ Ban kiểm soát sang mô hình Tiểu ban Kiểm soát (trực thuộc HĐQT).
Kế hoạch dài hơi cho giai đoạn 2017- 2021
Bà Mai Kiều Liên trình bày kế hoạch kinh doanh và phân phối lợi nhuận năm 2017
Cụ thể, về kế hoạch kinh doanh giai đoạn 2017-2021, Vinamilk lên kế hoạch tổng doanh thu đến năm 2021 là 80.000 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu nội địa 61.000 tỷ đồng (chiếm 75%), doanh thu tại các thị trường nước ngoài 19.000 tỷ đồng (chiếm 25%). Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm doanh thu trong nước là 10%/năm, bằng hoặc cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân của thị trường. Theo đó, dự kiến đến năm 2021, tổng số lượng đàn bò tại các trang trại của Vinamilk sẽ đạt 44.400 con; lượng sữa thu mua từ các trang trại đạt 157.000 tấn và lượng sữa thu được từ các hộ nông dân đạt 251.000 tấn.
Riêng năm 2017, Vinamilk đặt mục tiêu tổng doanh thu 51.000 tỷ đồng (tăng 8% so với 2016) và lợi nhuận sau thuế là 9.735 tỷ đồng (tăng 4%). HĐQT cũng trình đại hội kế hoạch trả cổ tức bằng tiền với tỷ lệ tối thiểu là 50% lợi nhuận sau thuế. Tạm ứng đợt 1 năm 2017 vào tháng 8 - 9 năm 2017 và đợt 2 năm 2017 vào tháng 5 - 6 năm 2018.
Ngoài ra, đại hội cũng tiến hành bầu ra nhân sự mới HĐQT nhiệm kỳ 2017-2021. Theo đó, do chuyển sang mô hình quản trị mới nên số lượng thành viên HĐQT sẽ từ 6 người như hiện tại đã được đề xuất tăng lên 9 người nhằm thực hiện các nghĩa vụ của Hội đồng Quản trị theo mô hình mới.
Trong danh sách này, có 2 đại diện được cổ đông lớn là Tổng Công ty Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đề cử gồm bà Đặng Thị Thu Hà và ông Nguyễn Hồng Hiển. Riêng ông Lê Song Lai, đại diện phần vốn góp của SCIC hiện tại sẽ không còn tiếp tục đại diện cho vốn Nhà nước tại VNM.
Về phía đại diện nhà đầu tư nước ngoài là Fraser and Neave Limited (Công ty mẹ của F&N Dairy Investments Pte Ltd) cử ra hai người đại diện phần vốn góp và tham gia vào HĐQT của Vinamilk gồm Chủ tịch ban thực thi của nhóm Lee Meng Tat và Giám đốc phụ Fraser and Neave Limited Michael Chye Hin Fah. Ông Lee Meng Tat hiện cũng đang đảm nhận vị trí Giám đốc không điều hành tại Vinamilk. Tại thời điểm 17.3.2017, Fraser and Neave Limited sở hữu 17,88% trong Vinamilk.
Ngoài 4 cá nhân này, 5 người còn lại đều không đại diện cho nhóm cổ đông nào gồm: Bà Mai Kiều Liên, Tổng Giám đốc Vinamilk và ông Lê Thanh Liêm, Giám đốc Tài chính kiêm Kế toán trưởng Vinamilk; Bà Lê Thị Băng Tâm, Chủ tịch HĐQT hiện tại của Vinamilk, ông Đỗ Lê Hùng, Giám đốc kiểm toán và kiểm soát nội bộ Big C Việt Nam và ông Nguyễn Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng Coteccons cũng tham gia ứng cử.
Vinamilk có về tay ai thì cũng sẽ mãi là “thương hiệu số 1 Việt Nam”
Bước vào phần thảo luận, đại hội càng thêm nóng khi những vấn đề “sống còn” của thương hiệu sữa Việt Nam được cổ đông đặt vấn đề trực tiếp với HĐQT và đại diện SCIC.
Một cổ đông hỏi liệu sắp tới Thái Lan (Tập đoàn F&N) có thâu tóm VNM hay không, khi đó thương hiệu sữa Việt Nam sẽ thế nào? Nhà nước sẽ thoái vốn như thế nào tại VNM?.
Trả lời vấn đề này, phía SCIC cho biết tất cả các quy trình thoái vốn sẽ được SCIC trình Chính phủ xem xét và sẽ chọn đối tác phù hợp nhất sao cho đảm bảo mang lại hiệu quả và giá trị lớn nhất cho ngân sách.
Còn bà Mai Kiều Liên thì thẳng thắn, việc Nhà nước thoái vốn thế nào thì chúng ta không can thiệp được, thế nhưng cổ đông hãy yên tâm vì với bất cứ nhà đầu tư nào vào với VNM thì chắc chắn sẽ phải đảm bảo kế hoạch kinh doanh tốt, mang lại doanh thu tốt và đảm bảo tốt nhất quyền lợi cho các cổ đông. Thế nên cổ đông chúng ta đừng phân biệt là Việt Nam hay nước ngoài vì khi về với gia đình VNM thì sẽ là thành viên của VNM và sẽ phấn đấu hết mình cho “thương hiệu sữa số 1 Việt Nam”.
Cổ đông giơ tay biểu quyết tại đại hội
Cổ đông cũng ý kiến, tại sao giới thiệu ông Nguyễn Bá Dương tham gia vào HĐQT vì trên Facebook nói về các công trình xây dựng của ông Dương có nhiều lùm xùm, liệu có ảnh hưởng đến VNM?
Trả lời vấn đề này, bà Liên cho biết: "Theo mô hình quản trị mới thì sẽ có 3 người được giới thiệu vào HĐQT với tư cách thành viên độc lập cho các tiểu ban nhân sự, kiểm toán và lương thưởng. Ông Dương được giới thiệu làm trưởng ban lương thưởng và chúng ta không nên tin vào những đồn đoán trên facebook mà bỏ qua một người giỏi. Hiện ông Dương cũng nằm trong Top 10 Nhà lãnh đạo phát triển đội ngũ xuất sắc nhất Việt Nam".
Nhiều cổ đông cũng thắc mắc sao VNM không đầu tư mạnh cho mảng sữa đậu nành, kem để lên vị thế dẫn đầu? Bà Liên cho rằng: "So với các ngành hàng khác thì nguồn thu từ các mảng này không lớn. Hiện VNM cần tập trung vào cái lớn để lấy thị phần, khi cảm thấy cơ hội ở các mảng như kem, sữa đậu nành... thì chúng tôi sẽ tính đến việc phát triển".
Riêng ý kiến thắc mắc về việc sao sữa hữu cơ của VNM trên bao bì không ghi rõ các thành phần như vitamin, khoáng chất... như những hãng sữa khác, bà Liên khẳng định, Vinamilk là trang trại đầu tiên được công nhận hữu cơ và là sữa hữu cơ của Vinamilk cũng là đầu tiên ở Việt Nam.
“Nếu các cổ đông nghe ở đâu có hữu cơ thì tôi không biết nhưng sữa hữu cơ của Vinamilk, trang trại sữa hữu cơ của Vinamilk ở Đà Lạt là đạt chuẩn hữu cơ đầu tiên của Việt Nam, đạt chuẩn thế giới và đã là hữu cơ thì là tự nhiên nhất nên không ghi rõ ràng thành phần như những loại sản phẩm khác”, bà Liên nói.
Cổ tức VNM luôn đảm bảo trên 50%
Bà Mai Kiều Liên, Tổng Giám đốc Vinamilk cho biết, năm 2016 VNM quyết định chi cổ tức cho cổ đông lên tới 6.000 đồng/CP (khoảng 83% lợi nhuận sau thuế). Trong đó, HĐQT đã tạm ứng đợt 1 ở mức 4.000 đồng/CP từ ngày 31.8.2016; mức cổ tức còn lại 2.000 đồng/CP sẽ được gửi đến cổ đông vào ngày 22.5 tới.
Cũng theo bà Liên, kết quả kinh doanh quý 1.2017 của VNM cũng rất khả quan với doanh thu tăng trưởng 16,1 % và lợi nhuận sau thuế hơn 34%. VNM cam kết sẽ luôn đảm bảo cổ tức cho cổ đông ở mức trên 50%.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.