VinFast và Vsmart đóng góp 10.000 tỷ đồng, Vingroup lập kỷ lục lợi nhuận

01/02/2020 15:38 GMT+7
VinFast và Vsmart đóng góp 10.000 tỷ đồng vào tổng doanh thu 2019 của Vingroup. Trong năm qua, Vingroup đã lập kỷ lục về lợi nhuận.

VinFast và Vsmart đóng góp 10.000 tỷ đồng

Công ty cổ phần Tập đoàn Vingroup đã công bố báo cáo tài chính quý 4/2019. Một trong những thông tin được quan tâm nhất chính là VinFast và Vsmart đã đóng góp gì cho Vingroup. Với việc thị phần ngày càng mở rộng, các sản phẩm VinFast Fadil, VinFast Lux và Vsmart đã mang về cho Vingroup gần 10.000 tỷ đồng.

Cụ thể, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2019, doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ của Vingroup đạt 38.176 tỷ đồng, tăng nhẹ so với 37.746 tỷ đồng quý 4/2018, lũy kế cả năm đạt 131.203 tỷ đồng, tăng mạnh so với 121.972 tỷ đồng năm 2018.

Trong đó, đáng chú ý, doanh thu từ VinFast và Vsmart đạt 5.910 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 567 tỷ đồng quý 4/2018, lũy kế cả năm đạt 9.900 tỷ đồng. Con số này có được là do thị phần của cả mảng ô tô và điện thoại của Vingroup đều tăng rất mạnh.

VinFast và Vsmart đóng góp 10.000 tỷ đồng, Vingroup lập kỷ lục lợi nhuận - Ảnh 1.

VinFast và Vsmart đóng góp 10.000 tỷ đồng, Vingroup lập kỷ lục lợi nhuận

Theo thông báo được công bố trong ngày 17/1/2020, VinFast cho biết đã có hơn 17 nghìn ô tô và 50.000 xe máy điện mang thương hiệu VinFast được khách hàng đặt mua. Trong năm 2019, VinSmart đã bán được 600.000 điện thoại thông minh, đồng thời ghi nhận thị phần đạt 7,5% trong tháng 12.

Doanh thu từ Vinmart tăng mạnh

Cuối năm 2019, một trong những thương vụ khủng nhất được ghi nhận trong ngành M&A là việc Vingroup hợp nhất Vinmart, Vinmart+ vào Masan Group. Vì vậy, trong năm 2020, mảng bán lẻ sẽ không thể đóng góp nhiều vào doanh thu cho Vingroup.

Tuy nhiên, trước khi "rút" khỏi Vingroup, Vincommerce đã đóng góp doanh thu rất lớn cho Vingroup. Trong quý 4/2019, mảng bán lẻ mang về cho Vingroup 7.757 tỷ đồng, tăng mạnh so với 6.442 tỷ đồng của quý 4/2018, lũy kế cả năm đạt 29.600 tỷ đồng, chiếm 23% tổng doanh thu của Tập đoàn này.

Cùng với việc hợp nhất Vinmart và Vinmart+ sang Masan, động thái giải thể hệ thống điện máy VinPro/Viễn thông A của Vingroup khiến mảng bán lẻ sẽ không còn mang lại nhiều doanh thu cho Vingroup trong năm 2020. Tuy nhiên, đây là điều nằm trong kế hoạch tái cơ cấu của Vingroup.

Hiện tại, Vingroup đang tập trung cho mảng ô tô và điện thoại nên chắc chắn trong năm 2020, VinFast và Vsmart sẽ lấp đầy khoảng trống doanh thu mà mảng bán lẻ để lại cho Vingroup.

Năm 2019, ngoại trừ mảng bất động sản, tất cả các lĩnh vực khác như giáo dục; bệnh viện; khách sạn, vui chơi, giải trí,… đều có tăng trưởng doanh thu tốt.

Lợi nhuận đạt kỷ lục

Doanh thu tăng mạnh nên lợi nhuận của Vingroup có nhiều bước tiến, đạt mức cao nhất trong lịch sử của Tập đoàn.

Cụ thể, dù lợi nhuận sau thuế quý 4/2019 của Vingroup chỉ tăng nhẹ từ 3.283 tỷ đồng lên 3.590 tỷ đồng nhưng tính chung cả năm, chỉ tiêu này tăng 3.729 tỷ đồng, tương ứng 98,7% so với năm 2019.

Đây là mức lợi nhuận cao chưa từng có trong lịch sử hoạt động của Tập đoàn. Trước đó, trong các năm 2015, 2016, 2017 và 2018, lợi nhuận của Vingroup lần lượt đạt 1.501 tỷ đồng, 3.513 tỷ đồng, 5.655 tỷ đồng và 6.191 tỷ đồng.

Doanh thu hoạt động tài chính đóng góp khá lớn cho thành tích này. Trong quý 4/2019, doanh thu hoạt động tài chính của Vingroup tăng từ 3.880 tỷ đồng lên 8.860 tỷ đồng, lũy kế cả năm 2019 đạt 37.697 tỷ đồng, tăng 8.774 tỷ đồng, tương ứng 30,3% so với năm 2018.

"Tránh bão" Corona

Trong 2 phiên đầu tiên của năm Canh Tý 2020, thị trường chứng khoán Việt Nam đã chứng kiến "cơn bão" giảm giá đổ bộ. Do bị ảnh hưởng bởi dịch viêm phổi lạ do virus Corona gây ra, VN-Index lao dốc, mất hàng tỷ USD. Rất nhiều cổ phiếu lớn đua nhau lao dốc. Trong đó đáng chú ý nhất là 3 đại gia Vietjet, Vietnam Airlines và Sabeco.

Thế nhưng, cổ phiếu VIC của Vingroup dù không "ngược dòng" như ngành dược, những cổ phiếu trực tiếp hưởng lợi từ dịch bệnh, VIC vẫn khá vững vàng.

Trong ngày 30/1/2020, thời điểm VN-Index mất 32 điểm, VIC vẫn đứng giá. Tới ngày 31/1, VIC chỉ giảm nhẹ 100 đồng/CP xuống 114.800 đồng/CP khi VN-Index tiếp tục mất gần 32 điểm.

Có thể thấy, nhờ lợi nhuận đạt kỷ lục, VIC đã "tránh bão" Corona thành công trong ngày phiên giao dịch đầu tiên của năm Canh Tý 2020. VIC hiện tại vẫn vững vàng ở vị trí cổ phiếu có vốn hóa thị trường lớn nhất sàn chứng khoán Việt Nam.

Tiểu My
Cùng chuyên mục