Vingroup và Techcombank muốn bỏ tiền đầu tư cao tốc Bắc – Nam phía Tây đi qua tỉnh nào?

10/05/2022 08:08 GMT+7
Tập đoàn Vingroup và Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) có văn bản gửi Bộ GTVT đề xuất thực hiện Dự án đầu tư tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Tây, đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) – Chơn Thành (Bình Phước) theo hình thức PPP.

Cụ thể, 2 đơn vị này sẽ bỏ chi phí lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án để trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Trong trường hợp Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án không được phê duyệt, Vingroup – Techcombank cam kết chịu mọi chi phí liên quan đến công tác chuẩn bị đầu tư công trình.

Thực tế, đây là lần đầu tiên Vingroup và Techcombank cùng xin đầu tư vào một dự án đường cao tốc. Hiện nay, liên danh này được đánh giá đánh giá là có tiềm lực tài chính, kinh nghiệm và quản trị đầu tư trong lĩnh vực hạ tầng mạnh nhất Việt Nam hiện nay, mở ra cơ hội rất lớn để sớm triển khai đoạn tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Tây dài nhất, nối Tây Nguyên với cửa ngõ vùng Đông Nam Bộ.

Vingroup và Techcombank muốn bỏ tiền đầu tư cao tốc Bắc – Nam phía Tây đi qua tỉnh nào? - Ảnh 1.

Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đang được triển khai thi công. Ảnh: TA

Điều đáng nói, ngoài Vingroup – Techcombank, hiện Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước  - SCIC cũng đang bắt tay nghiên cứu đầu tư đoạn tuyến cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) – Chơn Thành (Bình Phước) theo hình thức PPP.

Theo quy hoạch đã được phê duyệt, tuyến cao tốc đoạn Đắk Nông - Bình Phước có tổng chiều dài 212 km; trong đó, đoạn qua tỉnh Đắk Nông khoảng 110 km, qua Bình Phước 102 km.

Dự án có quy mô đầu tư từ 4-6 làn xe, tốc độ thiết kế 80-100km/h. Tuy nhiên, do điều kiện địa hình qua địa bàn tỉnh Đắk Nông bị chia cắt, lưu lượng phương tiện chưa cao và khả năng cân đối vốn còn khó khăn, hai bên thống nhất đề xuất đoạn qua tỉnh Đắk Nông dự kiến đầu tư với quy mô 4 làn xe, trong đó nền đường rộng 24,75m, mặt đường rộng 15m, dải phân cách 2,25, lề 7,5m.

Cũng theo Bộ GTVT cho biết, tiến độ dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 đã cơ bản đáp ứng tiến độ yêu cầu tại Nghị quyết 18 của Chính phủ.

Theo đó, đã có 12/12 tỉnh đã có văn bản thỏa thuận hướng tuyến và công trình; 9/10 dự án đã có ý kiến Bộ Quốc phòng. Riêng dự án thành phần Hậu Giang - Cà Mau chưa có ý kiến của Bộ Quốc phòng về hướng tuyến đi qua các khu vực đất quốc phòng do quá trình bàn giao cọc GPMB mới phát hiện 2,79 ha đất quốc phòng quản lý đang nuôi trồng thủy sản. Dự kiến hoàn thành trước ngày 15/5/2022.

Đối với công tác khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi, toàn bộ 12 dự án thành phần đã hoàn thành công tác khảo sát hiện trường địa hình, địa chất, thủy văn.

Theo Bộ GTVT, đến nay, Cục QLXD&CLCTGT cũng đã hoàn thành thẩm định và Bộ chấp thuận đợt 1 được 136,3km hồ sơ thiết kế cắm cọc GPMB; Thẩm định, trình Bộ GTVT chấp thuận thêm hơn 483km, đạt 619,6km/729km (85%).

Các đoạn còn lại khoảng hơn 109km sẽ trình Bộ chấp thuận trước ngày 30/6/2022. Đến ngày 30/4/2022, các Ban QLDA đã bàn giao cho địa phương được 424,8km/729km (58%) hồ sơ cọc và dự kiến bàn giao toàn bộ vào ngày 15/5/2022.


Thế Anh
Cùng chuyên mục