Vinh danh người phụ nữ diệt rầy

Thứ hai, ngày 07/03/2011 11:01 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Sau hơn 30 năm miệt mài nghiên cứu khoa học, tiến sĩ Nguyễn Thị Lộc vừa được chọn trao Giải thưởng Kovalevskaia vào ngày 8.3.2011.
Bình luận 0

Những đề tài nghiên cứu về nông nghiệp của bà đã được ứng dụng rộng rãi vào đồng ruộng và làm lợi cho nông dân hàng nghìn tỷ đồng. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông tại xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai, Hà Nội, cuộc sống khó khăn đã thôi thúc bà trở thành nhà khoa học, giúp nông dân thoát nghèo.

Về với ruộng đồng

Năm 1980, tốt nghiệp Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội, được nhà trường giữ lại làm cán bộ giảng dạy nhưng kỹ sư trẻ Nguyễn Thị Lộc lại tình nguyện vào công tác tại Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp vùng ĐBSCL - tiền thân của Viện Lúa ĐBSCL hiện nay. Bà tâm sự: "Đây là một quyết định không phải dễ! Về đây với muôn vàn khó khăn, nhiều người đã trở về thành phố nhưng tôi và một số cán bộ vẫn cố bám trụ với quyết tâm nghiên cứu, giúp nông dân biến vùng đất phèn, chua này trở nên trù phú".

Lăn lộn cùng đồng ruộng, những đêm trắng nghiên cứu… đã giúp kỹ sư Lộc trở thành một nhà nghiên cứu khoa học giỏi, được đưa đi đào tạo ở Anh và Ấn Độ. Những kiến thức được đào tạo ở nước ngoài cộng với thực tiễn sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL giúp bà tập trung nghiên cứu và đã cùng các đồng nghiệp ở Viện Lúa ĐBSCL góp công to lớn vào sự phát triển nông nghiệp ở vùng ĐBSCL trong hơn 30 năm qua.

Giúp nông dân tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng

Khi sử dụng chế phẩm này, nông dân chỉ phun 1-2 lần là có thể quản lý rầy nâu đến hết vụ. Nếu nông dân cả vùng ĐBSCL này áp dụng thì sẽ giảm chi phí cho nông dân khoảng 8.000 tỷ đồng/năm.

Trong hơn 30 năm nghiên cứu khoa học, tiến sĩ Lộc đã chủ trì và tham gia thực hiện 34 đề tài, dự án và hầu hết được ứng dụng rộng rãi trong nông nghiệp, không chỉ riêng ở vùng ĐBSCL mà cả các vùng, miền khác.

Lúc mới vào đây công tác, thấy nông dân địa phương toàn sử dụng nước sông, rạch trong sinh hoạt, bà rất sợ, bởi chắc chắn lượng thuốc trừ sâu trên đồng lúa sẽ đổ xuống đây. Thực tế ấy đã thôi thúc bà nghiên cứu một đề tài giúp nông dân giảm đi lượng thuốc hóa học, làm cho nguồn nước bớt đi ô nhiễm. Tiến sĩ Lộc cho biết: "Trăn trở vậy, nhưng để thành công không phải dễ dàng. Mãi đến khi đi học tiến sĩ ở Ấn Độ, tôi mới có điều kiện nghiên cứu sâu hơn”.

Lần đó, khi đi ngang cánh đồng để đến thư viện, tình cờ bà phát hiện một đám ruộng cháy rầy, trong đó có một số con rầy bị chết. Bà liền lấy mẫu những con chết ấy để nghiên cứu nấm ký sinh trên rầy và đã làm luận án tiến sĩ với đề tài này. Khi về nước, tiến sĩ Lộc đã hoàn thiện quy trình sản xuất 2 chế phẩm sinh học từ nấm xanh (Ometar) và nấm trắng (Biovip). Tiếp đó, bà cũng thành công với đề tài "Quy trình sản xuất nhanh chế phẩm trừ sâu sinh học Ometar ở quy mô nông hộ" và chuyển giao quy trình này cho cán bộ kỹ thuật và bà con nông dân ở ĐBSCL.

Với quy trình này, nông dân có thể tự sản xuất chế phẩm sinh học diệt rầy rất hiệu quả mà không gây ô nhiễm môi trường. Nguyên liệu sản xuất cũng đơn giản, rẻ tiền, chỉ là nilon, tấm gạo, meo nấm - những thứ rất dễ mua ở nông thôn. Tiến sĩ Lộc tính toán: "Khi sử dụng chế phẩm này, nông dân chỉ phun 1-2 lần là có thể quản lý rầy nâu đến hết vụ.

Trong khi phun thuốc trừ sâu phải 5-6 lần, lại gây ô nhiễm môi trường. Với chi phí phun chế phẩm chỉ 50.000 đồng/ha/vụ, nông dân có thể tiết kiệm chi phí sản xuất từ 1,5 - 2 triệu đồng/ha. Nếu nông dân cả vùng ĐBSCL này áp dụng thì sẽ giảm chi phí cho nông dân khoảng 8.000 tỷ đồng/năm".

Năm tới, tiến sĩ Lộc đến tuổi về hưu nhưng bà quyết định sẽ xin ở lại thêm 5 năm nữa để hoàn thiện những công trình nghiên cứu của mình giúp nông dân trồng lúa. "Tôi như đã nặng tình với nông dân từ khi mới bước chân về vùng đất này" - bà nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem