Vĩnh Hoàn giảm 50% công suất, loạt cơ sở chế biến thủy sản khu vực phía Nam phải đóng cửa

21/08/2021 08:09 GMT+7
CTCP Vĩnh Hoàn đang phải giảm 50% công suất nhà máy do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và rất nhiều khó khăn liên quan đến việc đặt tàu vận chuyển.

Trả lời tờ Undercurrent News, bà Tâm Nguyễn, CEO Công Ty CP Vĩnh Hoàn cho biết tình hình sản xuất, kinh doanh đang rất khó khăn. Vĩnh Hoàn đang phải giảm 50% công suất nhà máy do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và rất nhiều khó khăn liên quan đến việc đặt tàu vận chuyển.

"Chúng tôi cho rằng cần mất ít nhất một tháng hoặc thậm chí nhiều hơn để nhà máy có thể phục hồi sản xuất, với điều kiện toàn bộ công nhân được tiêm vắc xin.

Ngoài ra, do dịch COVID-19 nên tuần trước, nhiều hộ đã không tái thả cá giống. Nếu nhà máy được nâng dần công suất từ tháng 9 sẽ giúp giảm bớt sự hỗn loạn về nguồn cung.  Chúng tôi lo ngại rằng nguồn cung sẽ khan hiếm trong 8 tháng tới", bà Tâm Nguyễn cho biết.

Thông tin từ Bộ NN&PTNT, các doanh nghiệp chế biến thủy sản tại 13 tỉnh ĐBSCL đang gặp nhiều khó khăn. Số doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu khu vực Nam Bộ tạm dừng sản xuất là 123 cơ sở. Trong đó có 9 cơ sở phát hiện trường hợp dương tính với COVID-19 và 104 cơ sở còn lại không đáp ứng được yêu cầu 3 tại chỗ.

Vĩnh Hoàn phải giảm 50% công suất, loạt cơ sở chế biến thủy sản khu vực phía Nam phải đóng cửa  - Ảnh 1.

CTCP Vĩnh Hoàn đang phải giảm 50% công suất nhà máy do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và rất nhiều khó khăn liên quan đến việc đặt tàu vận chuyển.

Tuy nhiên số còn lại hiện nay cũng đang phải hoạt động với công suất chỉ 40% do thiếu hụt nhân công.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), một loạt các biện pháp kiểm soát nhằm phòng chống dịch bệnh COVID-19 được các tỉnh thực hiện trong thời gian qua đã tạo ra nhiều bất cập, khiến cho việc vận chuyển lưu thông, vận chuyển hàng hóa bị chậm trễ ảnh hưởng tới các hoạt động của các nhà máy chế biến.

Hiện nhiều đơn hàng của các doanh nghiệp phải trì hoãn hoặc bị huỷ trong khi các chi phí đảm bảo "3 tại chỗ" như chi phí xét nghiệm hàng tuần, chi phí trang bị các điều kiện cho công nhân, chi phí trả thêm lương công nhân, chi phí điện sản xuất và duy trì kho đông lạnh trữ hàng, chi phí cước tàu biển tất cả đều tăng vọt, khiến doanh nghiệp không đủ sức chịu đựng với thời gian dài…

VASEP và các doanh nghiệp cho rằng việc thực hiện "3 tại chỗ" chỉ là biện pháp tình thế tạm thời trong thời gian ngắn hạn và chỉ có thể kéo dài từ 2-3 tuần đối với các doanh nghiệp vừa, các DN lớn hơn cũng duy trì tối đa 4-5 tuần.

Trong khi đó, kết quả xuất khẩu thủy sản Việt Nam 6 tháng đầu năm 2021 đạt được thành tích hết sức khả quan khi tranh thủ được nhu cầu tiêu thụ của các nước tăng cao. Tổng xuất khẩu 4,12 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ 2020.

Từ những khó khăn thực tế kể trên của các DN thủy sản, cùng với cơ hội sản xuất-xuất khẩu thủy sản mà Việt Nam đang có và kinh nghiệm của tỉnh Bắc Giang vừa qua, VASEP có một số nhận định và đề xuất, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ để phục hồi sản xuất, chuỗi cung ứng cũng như sinh kế cho hàng triệu công nhân và nông, ngư dân khai thác, sản xuất nguyên liệu thủy sản.

Trước mắt, tiêm vắc-xin và thực hiện mục tiêu kép với trọng tâm mới là ưu tiên hàng đầu. Do thực tế lượng vắc-xin còn hạn chế và không có ngay một lúc, VASEP tha thiết đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét thứ tự ưu tiên các thành phần được tiêm văc-xin ngừa Covid-19.

Theo đó, sau những người làm tại các cơ sở y tế & những cán bộ liên quan phải tiếp xúc với người dân, người cao tuổi, người có bệnh nền thì thứ tự tiếp theo là những người lao động (trong sản xuất, lưu thông các mặt hàng thiết yếu; trong các nhà máy, các khu công nghiệp – thực hiện sản xuất cho xuất khẩu nói chung và sản xuất, XK thủy sản nói riêng), trong đó đặc biệt ưu tiên tiêm vắc xin cho lực lượng lao động tại các nhà máy đang áp dụng phương thức “3 tại chỗ” tại các địa phương. 

Về thời gian tới và trong dài hạn, ngành thuỷ sản Việt Nam sẽ phải sống chung với đại dịch lâu dài. Nhiều chuyên gia dịch tễ và kinh tế học đã có các phân tích và đánh giá, nhận định "sống chung với đại dịch". Kinh tế thế giới sẽ phải thay đổi, các quan hệ như tập trung và phân tán, đô thị và nông thôn, công nghiệp và nông nghiệp, nội địa và toàn cầu hóa...sẽ chuyển theo hướng khác hoặc có điều chỉnh so với những gì đã thấy trước đây.

VASEP mới đây đã đề xuất giảm 30% tiền điện cho các doanh nghiệp chế biến thủy sản trong 6 tháng cuối năm 2021 và nhiều loại phí khác đến giữa năm 2022 để hỗ trợ phục hồi sản xuất, xuất khẩu thủy sản.




Mai Lan
Cùng chuyên mục