Đó chính là bài toán chi tiêu đầy nhức nhối của vợ chồng Nguyễn Hữu My & Trần Văn Thịnh ở Cầu Giấy, Hà Nội. Hiện vợ chồng trẻ đều có việc làm ổn định này đang sống cùng con trai nhỏ 7 tuổi.
Trước đây, do Thịnh làm việc tại cơ quan nhà nước nên thu nhập của anh được khoảng 8 triệu/tháng. Còn My là nhân viên phiên dịch hành chính cho một công ty du học Nhật Bản nên lương tháng 10 triệu. Do đó, tổng thu nhập của vợ chồng My - Thịnh thời điểm ấy mỗi tháng giao động khoảng từ 17-18 triệu.
Với số tiền lương tháng tổng cộng của 2 vợ chồng gộp lại, người vợ trẻ này chỉ chi tiêu vừa đủ cho gia đình nhà mình. Hàng tháng, ngoài chi trả tiền thuê nhà, vợ chồng My còn phải chi trả nặng 1 khoản cho con học mầm non quốc tế. Ngoài ra, các khoản chi tiêu trong nhà khi có con nhỏ cũng tốn kém hơn hẳn. Bên cạnh đó, thấy số tiền chi tiêu hàng tháng còn quá hạn hẹp nên từ trước đến nay, chị My chưa bao giờ có ý định tiết kiệm từ thu nhập hàng tháng của 2 vợ chồng trước đó.
Theo chị My nhẩm tính, 3 năm trước, nhà chị hàng tháng đã phải chi trả các khoản: tiền nhà cố định 3 triệu/tháng; tiền bảo hiểm cho con: 2 triệu/tháng; tiền gửi con ở một trường mầm non quốc tế: 4 triệu/tháng (chị đăng ký vào đợt đầu tiên của trường mới khai trương nên còn được giảm giá 20%); tiền sữa cho con khoảng 1,7 triệu/tháng; tiền ăn 2 vợ chồng và con 4 triệu/tháng; tiền chi tiêu cỗ bàn hay điện nước phát sinh: 2 triệu/tháng…
Trước đây, thu nhập 18 triệu, chị My vẫn đủ chi tiêu cho gia đình nhỏ của mình (Ảnh minh họa)
Chia sẻ về việc chi tiêu hàng tháng với mức thu nhập 17-18 triệu của mình, chị My nói: “Khi nhắc đến chuyện chi tiêu, bạn bè, người thân cứ chăm chăm nhìn vào mức thu nhập của hai vợ chồng mình rồi kêu trời rằng mình không biết thu vén nên không để ra được khoản tiết kiệm nào. Song thực sự, là vợ, là mẹ, nhiều lần mình cũng đã tính chuyện cắt giảm các kiểu nhưng không thể cắt giảm được khoản nào hết. Vì thế, suốt mấy năm qua, vợ chồng vẫn chỉ đủ tiêu”.
3 năm trở lại đây, vợ chồng My đã được bố mẹ chồng mua cho nhà Hà Nội. Thế nên hàng tháng, khoản thuê nhà đã tiết kiệm được. Lại thêm, chồng My có nhận một việc làm thêm bên ngoài nên thu nhập đều đặn của anh tăng thêm khoảng 10 triệu mỗi tháng từ công việc làm thêm này.
Trong khi đó, lương của My từ 10 triệu cũng đã tăng lên 12 triệu/tháng. Vì thế, tổng thu nhập của 2 vợ chồng My - Thịnh đã khá hơn một chút. Thế nhưng người vợ này tâm sự rất thật rằng, mọi chi tiêu của gia đình vẫn chẳng thoải mái hơn.
My kêu ca: “Giờ đã có nhà riêng, tiền nhà đã không phải mất. Thu nhập 2 vợ chồng tháng nào tháng nấy đều được 30 triệu. Song chẳng hiểu sao chi tiêu trong nhà vẫn vậy. Vợ chồng mình không hề mua sắm gì nhiều mà vẫn chẳng để dư ra được đồng nào. Hay là mình không biết chi tiêu nhỉ?”.
Sau đây là cụ thể các khoản chi tiêu hàng tháng của nhà My - Thịnh với thu nhập 30 triệu/tháng:
- Tiền học phí: 7 triệu/tháng
Hiện con trai chị My năm nay 7 tuổi. Vì muốn cho con có một môi trường tốt để phát triển thể chất và trí lực cũng như các kỹ năng sống nên chị My vẫn quyết định cho con theo học trường tiểu học quốc tế tại Hà Nội. Ở trường tiểu học này, tiền học phí và nội trú cho con mỗi tháng chị My phải chi trả khoảng 7 triệu.
- Tiền ăn: 6 triệu
Trung bình 1 ngày, vợ chồng chị mất khoảng 200 ngàn tiền ăn. Đối với số tiền này, chị My cũng cảm thấy hơi rộng rãi song với chị, ăn uống phải thoải mái. Hơn nữa, vợ chồng chị đều rất thích ăn hoa quả, sữa chua nên khoản tiền này hàng tháng ở nhà chị cũng mất 1 khoản nhiều đáng kể.
- Tiền điện: 700 ngàn/tháng
Tuy vợ chồng chị đi làm cả ngày, song mỗi khi về nhà, chồng chị vẫn làm việc tại phòng riêng đến khuya. Cả hai vợ chồng mùa nào cũng bật điều hòa mùa đó nên tiền điện nhà chị mùa nào, tháng nào cũng đóng đinh ở mức 700 ngàn/tháng.
- Tiền nước và dịch vụ công cộng: 120 ngàn/tháng
- Tiền Internet: 320 ngàn/tháng
Xung quanh nhà chị My vẫn có những nhà hàng xóm khác đang dùng chung gói cưới internet. Song không muốn phiền phức, anh chị quyết định không chung đụng
- Tiền chi hiếu, hỉ/tháng: 2 triệu/tháng
Hầu như không tháng nào nhà chị My lại không có vài đám ma chay, hiếu, hỉ. Có tháng ít đám cưới thì lại vướng đầy tháng, sinh nhật. Thậm chí có những tháng, khoản tiền này bị âm 1 triệu nữa vì quá nhiều cỗ bàn phát sinh. Bởi vì tiền ma chay, hiếu hỉ thì phong bì thấp nhất chị cũng thường để trung bình từ 300-500 ngàn đồng.
- Tiền mua thuốc men: 1 triệu
Do chồng chị bị tiểu đường nhẹ nên hàng tháng, chị vẫn dành khoản tiền 1 triệu mua thuốc men cho chồng uống. Những tháng con ốm hay vợ chồng chị ốm, số tiền này chắc chắn sẽ còn tăng thêm vì lúc ấy lại tốn kém 1 khoản đi khám bác sĩ và mua thuốc về uống.
- Tiền cafe, ăn sáng của 2 vợ chồng tháng: 1 triệu
Sáng nào, vợ chồng chị trước khi đi làm cũng phải ngồi cà phê với nhau. Riêng khoản tiền cà phê mỗi sáng của 2 vợ chồng tổng cộng 1 tháng cũng mất 1 khoản.
- Tiền biếu bố mẹ chồng: 2 triệu/tháng
- Tiền biếu bố mẹ đẻ: 1 triệu/tháng
- Xăng xe: 1 triệu/2 vợ chồng
- Bảo hiểm cho con: 2 triệu/tháng
Số tiền tiêu vặt 5 triệu/tháng, thỉnh thoảng chị mua quần áo cho chồng con hoặc đưa cả nhà đi picnic đâu đó cuối tuần (Ảnh minh họa)
- Tiền tiêu vặt, mua sắm linh tinh của cả nhà: 5 triệu
Mỗi tháng, vợ chồng chị chỉ có khoảng 5 triệu mua sắm chi tiêu cho bản thân. Vì thế, tháng thì chị tính mua quần áo cho vợ chồng và con trai, tháng thì chị mua mỹ phẩm hay đồ dùng trong nhà hoặc cả nhà đi picnic ở đâu đó cuối tuần.
Tổng cộng: 29.140.000 ngàn đồng
Theo chị My chia sẻ: "Chỉ tính sơ sơ qua, mình cũng đã phải chi gần hết số tiền 30 triệu hàng tháng vợ chồng kiếm được rồi. Hiện tại, để giảm chi phí sinh hoạt, nghĩ mãi mình đã quyết từ tháng sau sẽ cố gắng cắt giảm tiền cà phê và tiền tiêu vặt mua sắm của vợ chồng. Song không biết chồng mình có chịu như thế không?".
(Theo Tri thức trẻ)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.