Vỡ trận chùa Tam Chúc: Đừng đi chùa bằng tâm lý đám đông

An Kiến Đạo - Đinh Hồng Cường Thứ tư, ngày 17/03/2021 11:20 AM (GMT+7)
Sự tàn phá thiên nhiên, lợi dụng các giá trị văn hóa cổ truyền, mượn danh tâm linh có thể đem lại lợi ích cho một vài nhóm người, nhưng là một dấu hiệu cho sự suy yếu về tinh thần, văn hóa.
Bình luận 0

Được mệnh danh là to nhất Đông Nam Á, chùa Tam Chúc có những hiện vật khổng lồ và độc đáo. Quần thể khu du lịch chùa Tam Chúc hứa hẹn là một điểm đến du lịch hấp dẫn mang màu sắc tâm linh đầy tiềm năng, đem lại một nguồn thu ngân sách thực sự lớn cho tỉnh Hà Nam.

Nhưng đó chưa hẳn là tín hiệu đáng mừng.

Khi được mở cửa trở lại, chùa Tam Chúc đã đón tiếp khoảng 5 vạn người mỗi ngày vào 2 ngày nghỉ 13 – 14/3. Giao thông ách tắc, sự hỗn độn hiển hiện và nguy cơ tái bùng phát dịch trở lại khi khẩu hiệu 5K bị lơ là.  

Với bản tính tò mò, hiếu kỳ nên nơi nào có gì mới lạ, sơn kỳ thủy tú, kỳ hoa dị thảo, lại khác thường nữa là người Việt mình đổ dồn đến chiêm ngưỡng. Nên không có cớ gì người Việt mình lại bỏ qua sự hoành tráng của ngôi chùa Tam Chúc. 

Nhưng bạt núi san rừng, hủy hoại thiên nhiên mà xây chùa to Phật lớn để kinh doanh du lịch dưới cái mác "tâm linh", "chiêm bái", "đảnh lễ", "tâm linh về nguồn"…ư? Người đời đang nhạo báng Phật mất rồi. Kể cả những nước Phật giáo như Lào, Campuchia, Thái Lan, Sri Lanka, Miến Điện…thì những cuộc hành hương về với cội nguồn tâm linh luôn trong sự tĩnh lặng, thứ lớp và an lành chứ không khi nào xô đẩy chen lấn đến mức công an và chính quyền địa phương phải vào cuộc để phân luồng giao thông, giải quyết những vấn đề an ninh trật tự.

Địa phương nào mà biết khai thác thế mạnh tiềm năng của mình để phát triển du lịch, dịch vụ, tăng nguồn thu ngân sách cho tỉnh luôn được khích lệ. Thêm nữa, lại giải quyết công ăn việc làm, kéo theo các ngành nghề phụ trợ cùng tăng trưởng thì đời sống người dân sẽ ngày một khấm khá đi lên. Nhưng tiếc thay, lợi dụng sự tự do tín ngưỡng, lợi dụng tâm lý đám đông và sự ngu tín của dân, những kẻ cơ hội và nhóm lợi ích đã rước Phật vào cuộc chơi săn tìm danh lợi của họ.

Tuy nhiên, chúng ta cũng nên biết, Phật không bao giờ ngự trong chùa to Phật lớn để ban phước lành cho tín đồ của mình.

Vỡ trận chùa Tam Chúc: Đừng đi chùa bằng tâm lý đám đông - Ảnh 2.

Hình ảnh chùa Tam Chúc đông như kiến ngày cuối tuần qua.

Trong một chuyến đi khảo sát dãy núi Bạch Mã ở Huế cách nay chừng 5 năm, tôi và nhà văn Hoàng Quốc Hải có ghé thăm chùa Huyền Không Sơn Thượng, cách cố đô Huế chừng 13km về hướng Tây, thuộc  huyện Hương Trà, Chúng tôi xin phép sư thầy Minh Đức Triều Tâm Ảnh được tá túc tại chùa vài ngày nên thường xuyên có những buổi trà đàm vào đầu giờ sáng. Ngôi chính điện ở đây không dựng theo lối thông thường với tường, vách, cột, bệ thờ bề thế… như các chùa vẫn gặp. Chính điện ở đây là ngôi nhà rường đậm chất Huế, giản dị, mái thấp và đơn sơ vách gió lùa. Duy nhất một bức tượng Phật Thích ca Mâu Ni được đặt chính giữa gian ta có cảm giác gần gũi, như hòa thân bất hoại vào vũ trụ, toả tinh thần hỷ xả tới mọi ngõ ngách tâm linh sâu thẳm trong mỗi con người, để ngay sau khi dâng hương làm lễ, ta đã có cảm giác thân thuộc với từng góc nhà, từng gốc trúc trong sân chùa.

Sư Thầy trong tư thế xếp bằng sau khi thưởng xong ly trà nóng trầm mặc đáp: Xưa nơi đây là những quả đồi trọc, mấy thầy trò chúng tôi đã làm cho nó hồi sinh đấy. Ông nhìn xem, nào là ao hồ, nào là những giàn hoa phong lan, hoa mai, khóm trúc, cây cối nhiều vô kể. Ông nên biết, cuộc đời của Đức Phật luôn gắn liền với rừng cây. Lúc Ngài sinh là dưới bóng cây Sa La và lúc Ngài nhập diệt cũng dưới rừng cây Sa La nên khi dựng chùa, chúng tôi không lấy chùa làm trọng mà lấy cảnh sắc thiên nhiên làm điểm nhấn. Chùa nép mình vào rừng núi sẽ hợp với sơn tăng chúng tôi. 

Nhà văn tiếp lời: Tôi còn nhớ trong bộ "luật Hình thư" của nhà Lý năm 1042 có điều luật quy định rằng: Mùa xuân cấm không được chặt cây, phá rừng. Đến mùa cá động hớn, cấm không được đánh bắt. Cốt tủy là khuyến tấn người dân tôn trọng thế giới tự nhiên. Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, có lẽ không có vương triều nào văn minh, nhân đạo và thịnh vượng cho bằng triều Lý Thầy ạ bởi đây là thời đại của tam giáo đồng nguyên, được biểu hiện qua "trật tự Khổng, tâm linh Phật, vô vi Lão". Trong bộ sách "Tám triều vua Lý" tôi có viết rõ về điều đó.

Tôi như một cậu học trò chỉ biết vừa lắng nghe vừa quan sát cử chỉ khoan thai thoát tục của hai bậc tao nhân mặc khách.

Còn nhớ dịp tôi hành hương sang xứ Phật, đất nước Ấn Độ và Nepal cuối năm 2017. Tôi tự biết mình là một kẻ hành hương sa cơ đi tìm chân lý, đúng hơn là đi tìm vị Phật thường hằng đang ngự trị ở trong tôi, nên đến đâu tôi cũng tọa thiền.  Theo kinh sách chúng ta có thể thấy, sau 49 ngày tọa thiền, ngài đã giác ngộ viên mãn. Nghĩa là, đến với đạo Phật, thiền là cứu cánh, là con đường mà bất kỳ một hành giả nào cũng phải đi qua bằng công phu thiền định để Tuệ giác được khai mở.

Thật may mắn trong dịp đến Bồ đề đạo tràng (Bodh Gaya), nơi Đức Phật giác ngộ các chân lý (chánh pháp), trong khi đang loay hoay tìm chỗ thiền tọa bởi dòng người đến thăm tòa đại giác đông như nêm, ai ai cũng có vẻ vội vã, một vị Ni sư người Ấn Độ đến từ Kolkata, cách Bồ đề Đạo tràng ước chừng 500km, tiến lại phía tôi và nói: Con đến từ quốc gia nào? Việt Nam ạ. Tôi chắp tay đáp lễ.

Bằng nụ cười thật hiền hậu, Ni sư nhìn thẳng vào mắt tôi rồi chậm rãi nói: Con lại phía đằng này rồi cùng ta quan sát. Ấn Độ là nơi Đức Phật đản sinh nên trên đất nước này và Nepal có nhiều nơi danh lam thắng cảnh gắn liền với cuộc đời của Ngài. Bởi thế, rất nhiều khách du lịch ở khắp nơi trên thế giới đến đây để chiêm bái, hành lễ và đi tham quan du lịch. Nhưng có một điều thật kỳ lạ, cứ hết đoàn khách này đến, đoàn khách kia đi, và họ đến đi trong vô thức, có chăng chỉ lưu lại được mấy bức hình hoặc thước phim làm kỉ niệm. Thật là đáng tiếc! Họ phải chi trả tiền vé máy bay, ăn ở, đi lại, mua vé tham quan tới vài ngàn đô mỗi người mà đến đây chỉ để chụp ảnh, ghi danh thì uổng quá, chẳng thu lại được lợi lạc gì cho cuộc đời tu tập. Họ không hề biết kết nối tâm linh với Đức Phật và có lẽ họ chưa từng hiểu gì về con người và sự nghiệp hoằng dương chánh pháp của Ngài. Ta thấy con đang tìm nơi để tọa thiền nên, nhờ sự hữu duyên này, ta đặt cho con pháp danh là An Kiến Đạo. An là An Nam, tên của đất nước con đấy. Kiến Đạo là một trong 8 con đường mà Đức Phật đã chỉ ra cho tất cả những ai nguyện đi theo con đường mà Ngài đã giác ngộ.

Tôi chỉ còn biết chắp tay búp sen quỳ mọp xuống, 5 vóc sát đất lạy 3 lạy vị Ni sư đã ban tặng tôi pháp danh trong khi chẳng hiểu vì sao nước mắt cứ tự nhiên trào ra và tôi cũng chắp tay hướng về tháp đại giác phủ phục, cúi đầu đảnh lễ Đức Như Lai. Lòng tôi hoan lạc lạ thường. Cả hai thầy trò chúng tôi cùng xếp bằng tọa thiền, buông rơi mọi phiền não, bụi trần bủa vây.

Những lời của bậc chân tu, trí giả được tôi ghi tâm khắc cốt. Sự tàn phá thiên nhiên, tàn phá các giá trị văn hóa cổ truyền, lợi dụng tâm linh để thu lợi cho một vài nhóm người chỉ khiến người ta mê muội hơn, không còn tỉnh táo, là một dấu hiệu cho sự suy yếu, không bền vững trong đời sống văn hóa, tinh thần của dân tộc.

Xin người đời đừng đi chùa vì tâm lý đám đông!


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem