526.106 tỷ đồng vốn đầu tư công năm 2022: Hà Nội và TP.HCM dẫn đầu, Lai Châu “bét” bảng
Vốn đầu tư công dự kiến phân bổ năm 2022: Hà Nội và TP.HCM dẫn đầu
Huyền Anh
Thứ hai, ngày 25/10/2021 13:11 PM (GMT+7)
Theo Báo cáo của Chính phủ, nhu cầu vốn đầu tư công năm 2022 là 611.367 tỷ đồng, số vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước dự kiến cân đối được trong năm 2022 là 526.106 tỷ đồng (tăng 10,2% so với kế hoạch năm 2021).
Dự kiến phân bổ 526.106 tỷ đồng vốn đầu tư công năm 2022, tỷ lệ giải ngân trên 90%
Theo Báo cáo của Chính phủ, nhu cầu vốn đầu tư công năm 2022 là 611.367 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách trung ương (NSTW) là 304.504 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương (NSĐP) là 306.863 tỷ đồng.
Số vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) dự kiến cân đối được trong năm 2022 là 526.106 tỷ đồng (tăng 10,2% so với kế hoạch năm 2021).
Trong đó, vốn NSTW là 222.000 tỷ đồng (phân bổ cho các dự án trong nước là 187.200 tỷ đồng, phân bổ cho các dự án sử dụng vốn nước ngoài theo các hiệp định đã ký kết là 34.800 tỷ đồng), bằng với kế hoạch năm 2021; vốn NSĐP 304.106 tỷ đồng, tăng 19,1% so với kế hoạch năm 2021.
Trong số 526.106 tỷ đồng vốn đầu từ nguồn ngân sách tư dự kiến cân đối được trong năm 2022, 110.566 tỷ đồng phân bổ cho các Bộ, ngành, cơ quan trung ương và 407.539 phân bổ theo các địa phương.
Với các Bộ, ngành, cơ quan trung ương, Bộ Giao thông vận tải dẫn đầu với 50.327 tỷ đồng; Bộ Quốc phòng (12.100 tỷ đồng); Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (6.438 tỷ đồng); Bộ Công an (6.000 tỷ); Ngân hàng Phát triển Việt Nam (5.868 tỷ đồng); Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (3.825 tỷ đồng) và Ngân hàng Chính sách xã hội (3.802 tỷ đồng),…
Tại các địa phương, miền núi phía Bắc, tổng số ngân sách trung ương và địa phương được phân bổ dự kiến khoảng 48.419 tỷ đồng, Đồng bằng Sông Hồng (116.012 tỷ đồng); Bắc Trung bộ và Duyên hải miến Trung (77.276 tỷ đồng); Tây Nguyên (16.944 tỷ đồng); Đồng Nam Bộ (90.002 tỷ đồng); ĐBSCL (58.954 tỷ đồng).
Trong đó, TP.HCM và Hà Nội dẫn đầu với tổng vốn dự kiến phân bổ năm 2022 lần lượt là 54.268 tỷ đồng và 51.583 tỷ đồng. Tiếp theo là thành phố Hải Phòng (12.720 tỷ đồng); Quảng Ninh 11.222 tỷ đồng; Thanh Hóa 10.630 tỷ đồng.
Các địa phương khác có mức đầu tư vốn ngân sách được phân bổ theo kế hoạch cao khác như Nghệ An (9.389 tỷ đồng); Đồng Nai (8.373 tỷ đồng); Bình Dương 8.779(tỷ đồng); thành phố Cần Thơ (8.035 tỷ đồng),…
Các địa phương có mức phân bổ vốn thấp bao gồm: Lai Châu (1.963 tỷ đông); Điện Biên (2.079 tỷ đồng); Kon Tum (2.232 tỷ đồng); Đắk Nông (2.487 tỷ đồng); Ninh Thuận (2.465 tỷ đồng) và Bắc Kạn (2.610 tỷ đồng).
Tính đến nay, có 12 Bộ, cơ quan trung ương (gồm: Bộ Ngoại giao, Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin và Truyền thông, Tư pháp, Khoa học và Công nghệ, Công Thương, Lao động – Thương binh và Xã hội, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ngân hàng Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước, Đài truyền hình Việt Nam, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) và 11 địa phương (Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Trà Vinh, Vĩnh Long, Cà Mau, Nam Định, Thừa Thiên – Huế, Gia Lai, Kon Tum) đã có báo cáo dự kiến kế hoạch đầu tư công 2022 vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư.
Chính phủ đặt mục tiêu, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân trên 90% trong năm 2022.
Có các chế tài xử lý nghiêm các sai phạm
Nêu ý kiến tại báo cáo thẩm tra, Ủy ban Tài chính Ngân sách (Quốc hội) đánh giá, các Bộ ngành, địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch đầu tư công khá sát với khả năng cân đối của NSNN; tổng vốn đầu tư nguồn NSNN dự kiến tăng 10,2% so với năm 2021, đáp ứng được 86% nhu cầu vốn của các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Đây là mức bố trí tích cực trong bối cảnh dự báo thu NSNN sẽ khó khăn.
Tuy nhiên, từ thực trạng tình hình giải ngân vốn đầu tư những năm qua đều không đạt cao so với dự toán giao, một số Bộ, cơ quan xây dựng dự toán năm 2022 cao hơn nhiều so với ước thực hiện năm 2021.
Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, một số Bộ, cơ quan xây dựng dự toán chi đầu tư phát triển năm 2022 cao hơn nhiều so với ước thực hiện năm 2021 như: Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng 14%; Bộ Y tế tăng 500%; Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh tăng 41%; Đại học Quốc gia Hà Nội tăng 157,2%) hoặc so với kế hoạch vốn giao năm 2021 (Bộ Tài nguyên và Môi trường bằng 198%, Bộ Thông tin và Truyền thông 183%, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh 215%).
Đối với các dự án khởi công mới và dự án chuẩn bị đầu tư, một số Bộ, cơ quan trung ương chưa thuyết minh được tính cấp bách của dự án, chưa báo cáo được tình hình thực hiện các cơ chế, chính sách xã hội hóa.
Do đó, Ủy ban Tài chính Ngân sách, đề nghị Chính phủ có các giải pháp quyết liệt, rà soát kế hoạch vốn sát thực tế, đúng nguyên tắc theo quy định; đồng thời có các chế tài xử lý nghiêm các sai phạm trong công tác lập kế hoạch, phân bổ, giao vốn và giải ngân vốn đầu tư.
Có ý kiến đề nghị Chính phủ rà soát kỹ dự kiến tổng mức vốn NSTW trong điều kiện dự toán năm 2022 nhiều khoản thu NSTW giảm so với dự toán năm 2021 như: Nguồn thu cổ phần hóa khó khăn, vốn nước ngoài giảm (16.750 tỷ đồng)... Việc Chính phủ đề xuất (trên cơ sở chia đều vốn theo dự kiến kế hoạch đầu tư còn lại, không rà soát danh mục cụ thể, giữ mức đầu tư NSTW năm 2022 bằng mức năm 2021 cộng thêm đề nghị tiếp tục kéo dài vốn năm 2021 sang năm 2022) là chưa bảo đảm căn cứ chính xác để xác định nhu cầu và khả năng giải ngân.
Ủy ban Tài chính Ngân sách cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương cam kết, chịu trách nhiệm về khả năng giải ngân hết số vốn kế hoạch này, không ảnh hưởng đến việc huy động vốn của nền kinh tế, tăng gánh nặng nợ NSNN, thất thoát, lãng phí ngay từ khâu lập kế hoạch.
Về tổng thể, Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng việc bố trí vốn đầu tư công còn dàn trải, thiếu tập trung. Một số dự án đã hoàn thành, đưa vào sử dụng trước năm kế hoạch nhưng chưa được bố trí đủ vốn như dự án di dân tái định cư trường bắn Quốc gia khu vực 1 tỉnh Bắc Giang: bố trí vốn NSTW trung hạn 398,110 tỷ đồng; năm 2021 không bố trí vốn, 2022 bố trí 199,055 tỷ đồng thu hồi vốn ứng trước. Dự án bồi thường, GPMB và TĐC dự án khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương: kế hoạch trung hạn bố trí 4.210,707 tỷ đồng, năm 2021,2022 bố trí thu hồi vốn ứng trước: 2.762,650 tỷ đồng.
Trong khi đó, số dự án khởi công mới là khá lớn, trong khi nhiều dự án được bố trí vốn với tỷ lệ rất thấp so với tổng mức đầu tư 13 như một số dự án của Bộ GTVT như: Cải tạo nâng cấp đoạn Hà Nội - Vinh, tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM: bố trí vốn năm 2020 là 12,12/808 tỷ đồng (đạt 1,5%); dự án cải tạo nâng cấp đoạn Vinh - Nha Trang, tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM bố trí vốn 15,2 tỷ đồng/1.020 tỷ đồng (đạt 1%); dự án Hòa Liên - Túy Loan bố trí vốn năm 2022 là 60 tỷ đồng/1.785 tỷ đồng (đạt 3%); dự án cải tạo, nâng cấp các ga trên các tuyến đường sắt phía Bắc bố trí vốn năm 2022 là 4,995 tỷ đồng/333 tỷ đồng (đạt 2%); dự án của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: dự án Hồ Krông Pách Thượng GĐ2 5,2%; Dự án Hệ thống chuyển nước Tân Mỹ - hồ Bà Râu - hồ Sông Trâu 6,8%...
Điều này một mặt làm phân tán nguồn lực, chưa ưu tiên tập trung hoàn thành các dự án dở dang, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng; mặt khác, việc khởi công mới nhiều dự án với mức vốn bố trí thấp sẽ gây áp lực bố trí vốn các năm sau, khó tuân thủ quy định của Luật Đầu tư công về thời gian hoàn thành dự án.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.