Mỗi năm thu cả trăm triệu
Sinh ra trong gia đình đông anh em, ông Huỳnh Tấn Cam (thôn Trung Kiềng, xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc) khốn khó mọi bề. Năm 1978, ông Cam ra ở riêng được cha mẹ cho 0,2ha đất canh tác nhưng mỗi năm trồng 2 vụ lúa. Nhà ở thì tạm bợ, cứ đến mùa mưa bão là vợ chồng ông phải bồng con sang nhà người thân ở nhờ. Đầu năm 2007, được Hội ND tín chấp, Ngân hàng CSXH huyện cho ông vay 20 triệu đồng vốn ưu đãi hộ nghèo. Có tiền, ông xây 4 ô chuồng và mua 5 con heo giống, 20 con heo thịt, 10 con bò về nuôi.
|
Ông Lại Đình Đại (trái) thành công với mô hình chăn nuôi heo, gà, cá nhờ vốn vay ưu đãi. |
Nhờ mát tay và trau dồi kiến thức chăn nuôi qua sách, báo, sau 1 năm, gia đình ông đã trả nợ hết ngân hàng và tiếp tục được cho vay 30 triệu đồng để mở rộng trang trại chăn nuôi cũng như kinh doanh nước mắm, mắm tôm. Cơ sở sản xuất của ông đã tạo việc làm thường xuyên cho một số lao động địa phương với thu nhập ổn định 2 triệu đồng/người/tháng.
"Vốn ưu đãi đã giúp tôi mở mang sản xuất, xây dựng nhà kiên cố, nuôi các con ăn học, ra trường có việc làm ổn định" - ông Cam tâm sự.
Nói về con đường thoát nghèo của gia đình, anh Trương Văn Thuận ở xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc xúc động: "Nếu không có vốn ưu đãi, chẳng biết khi nào gia đình tôi mới thoát nghèo". Trước đây, 5 người trong gia đình anh chỉ trông vào 0,1ha trồng lúa. Năm 2008, được Ngân hàng CSXH huyện cho vay 15 triệu đồng, anh đầu tư nuôi 20 con heo thịt, 5 heo nái, 50 con gà, kết hợp làm dịch vụ xay xát. Ngay năm đầu tiên, lợi nhuận của gia đình anh đạt tới 50 triệu đồng. Anh đã trả nợ hết ngân hàng và hiện là một trong những hộ khá giả ở Phú Lộc.
Ông Nguyễn Văn Phùng (thôn Đông An, xã Lộc Điền) vay 30 triệu đồng của Ngân hàng CSXH để đầu tư nuôi 80 con heo và 100 con gà. Hiện, tổng thu nhập bình quân của gia đình ông là 200 triệu đồng/năm, trừ chi phí còn lãi 100 triệu đồng. Hộ ông Lại Đình Đại (thôn Vinh Sơn, xã Lộc Sơn) đầu tư vốn vay ưu đãi nuôi cá, heo, gà và trồng rừng, bình quân mỗi năm thu hơn 200 triệu đồng, trừ chi phí lãi 100 triệu đồng.
Thúc đẩy nghề mới
Không chỉ ông Cam, ông Phùng, ông Đại, anh Thuận, nhiều hộ ND ở huyện Phú Lộc không chỉ thoát nghèo bền vững mà đã có tích lũy từ vốn ưu đãi. Ông Hồ Văn Sanh - Phó Chủ tịch Hội ND huyện cho hay, riêng năm 2011, toàn huyện có hơn 250 hộ thoát nghèo bền vững. Ngoài hiệu quả kinh tế, đồng vốn vay vốn ưu đãi còn có ý nghĩa xã hội là giúp đời sống vật chất của người dân được cải thiện; trình độ học vấn của con em ngày càng được nâng lên; đời sống văn hoá được chú trọng; tạo thêm việc làm cho lao động nhàn rỗi; an ninh, chính trị được giữ vững...
Với 15 triệu đồng, Ngân hàng CSXH cho vay để đầu tư vào chăn nuôi và làm dịch vụ xay xát, ngay năm đầu tiên gia đình anh Trương Văn Thuận đã thu lợi nhuận 50 triệu đồng.
Ông Nguyễn Phúc Khải -Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Phú Lộc cho biết: Tính đến cuối năm 2011, tổng dự nợ vốn ưu đãi cho ND trên địa bàn huyện vay đạt trên 82,17 tỷ triệu đồng, với 5.800 hộ vay. Riêng năm 2011, Ngân hàng đã giải ngân 7,58 tỷ đồng cho 5.460 hộ vay qua 169 tổ vay vốn. Vốn ưu đãi đã tạo việc làm cho nhiều ND qua việc khôi phục phát triển nghề truyền thống, mở mang nghề mới, thúc đẩy phát triển chăn nuôi. Năm 2012, Ngân hàng tiếp tục phối hợp với Hội ND đưa vốn ưu đãi đến đúng đối tượng kịp thời; đồng thời quản lý, giám sát việc sử dụng vốn đúng mục đích...
Thanh Nga
Vui lòng nhập nội dung bình luận.