Vọng âm mái nhà xưa

Nhà văn Nguyễn Trương Quý Thứ sáu, ngày 27/01/2023 13:20 PM (GMT+7)
Tình tự quê hương là một đặc điểm nổi bật trong tân nhạc Việt Nam, và không hình ảnh nào tiêu biểu hơn cho mối tình cảm ấy bằng mái nhà.
Bình luận 0

Mái nhà là đại diện cho hình thái cư trú, và khi nói đến hai từ ấy, người Việt có ngay những liên tưởng đến gia đình, dòng tộc, làng mạc và cộng đồng. Sợi dây kết nối còn được củng cố khi quê hương là nơi hướng về trong những cuộc ly tán thời chiến tranh và những cuộc tha phương cầu thực.

Trở về mái nhà xưa

Ngay từ những bài hát đầu tiên của tân nhạc, mái nhà đã hiện diện đậm nét, nhưng với tư cách của những lầu gác cổ xưa. Hình ảnh đậm chất Đường thi xuất hiện trong ca khúc Cung đàn xưa (1942) của Văn Cao nhắc về một nơi chốn của người đẹp mà một chàng nghệ sĩ nghèo không vươn tới được: "Tiếng đàn gieo oan giấc mộng chàng Trương... Khi hôn hoàng xuống dần, trăng lên vàng mái lầu…". Mái lầu của giấc mộng chàng Trương Chi còn được Văn Cao nhắc đến qua hình ảnh "Tây hiên Mỵ Nương khi nghe tiếng ngân hò khoan" trong ca khúc Trương Chi (1943).

xuan/Vọng ân mái nhà xưa - Ảnh 1.

Từ mái ấm nhà vui khi bộ đội về làng… Ảnh: NGUYỆT ANH

Trong kháng chiến chống Pháp, những bài hát lãng mạn vẫn thừa hưởng những dấu vết của thi ca trung đại, những mái lầu được tưởng tượng giữa những vùng quê kháng chiến, từ "Trong anh dư âm còn vang tiếng đồng, lầu chiều còn luyến ánh hồng, lầu xây trong không, sóng gió rót chia ly" (Tạ từ - Tô Vũ, 1947) đến "Anh như lầu vắng, em như ánh trăng gieo muôn ý thơ" (Dư âm - Nguyễn Văn Tý, 1950). Nhưng từ đây, những mái tranh nghèo, những mái ngói rêu phong đã trở thành một nhận diện chính cho quê hương xứ sở.

Bài hát Làng tôi của Chung Quân trở nên nổi tiếng khi được các nữ nghệ sĩ Kim Chung hát trong bộ phim đình đám Kiếp hoa (1953) định hình một cái nhìn lý tưởng hóa: "Làng tôi bao mái tranh san sát kề nhau, bóng tre ru bên mấy hàng cau, đồng quê mơ màng". Nhạc sĩ Phạm Duy cũng trở thành người nổi lên từ những sáng tác dân ca cho kháng chiến, trong đó hình ảnh mái nhà được ông vẽ đậm nét đầy mộng ảo dù đơn sơ, trên những con đường rừng núi Việt Bắc: "Mái nhà sàn thở khói âm u, cô nàng về để suối tương tư. Chiều ơi, ới chiều!" (Nương chiều - 1947).

xuan/Vọng ân mái nhà xưa - Ảnh 2.

Những mái tranh rõ ràng không phải là nơi giàu sang, thứ đã đọng lại cảm thức về cuộc sống nghèo khó của "gió bấc lạnh lùng thổi vào mái rạ" (Các anh đi - Văn Phụng phổ thơ Hoàng Trung Thông, khoảng 1950), nhưng lại thắm đượm tình dân quân cũng từ những mái nghèo đó: "Các anh về mái ấm nhà vui, có tiếng hát câu cười rộn ràng trong xóm nhỏ" (Bộ đội về làng - Lê Yên phổ cùng bài thơ, 1948). Mái nhà quê hương là đại diện cho một tình cảm của người ở lại, có khi đầy ắp vẻ đẹp lãng mạn: "Chàng ra đi giữ miếng vườn này, giữ mái tranh này, em về xa vắng thầm lo cho cánh chim bay" (Tiếng hát quay tơ - Tử Phác, 1948).

Thậm chí mái nhà quê hương còn được vận dụng trong những bài hát nước ngoài đặt lời Việt như ca khúc Torna a Surriento (Ernesto De Curtis, 1894), mà tên gọi phổ biến thời trước là Trở về mái nhà xưa, với lời Việt của nhiều nhạc sĩ như Phạm Duy, Mạnh Phát, Lê Hữu Mục…

Từ bao mái nhà đèn hoa sáng ngời…

Hòa bình lập lại ở miền Bắc, công cuộc tái kiến thiết đem lại một sự thay đổi lớn về hình ảnh nhà cửa, trong đó mái nhà đã chuyển hướng sang nhà cao tầng. Gắn với những khu tập thể cao tầng đầu thập niên 1960, ca khúc Những ánh sao đêm của Phan Huỳnh Điểu thuộc vào hàng nổi tiếng nhất, khi vẽ ra cảnh tượng đầy phóng khoáng và lãng mạn của một Hà Nội mới: "Tôi đứng trên tầng gác thật cao nhìn ra chân trời xa xa, từ bao mái nhà đèn hoa sáng ngời, bầu trời thêm vào muôn ngàn sao sáng".

Ở miền Nam, nối dài cảm thức tiền chiến, những mái nhà xưa đậm vẻ hoài niệm: "Em ái yêu trong chiều đông giá, mang áo xanh theo chồng sang sông, quên mái tranh quên con đò xưa" (Về mái nhà xưa - Nguyễn Văn Đông, 1963). Chúng được gắn với sự thuần phác của người quê: "Mái lá hiền là mái lá hiền, quê tôi nối liền sông với nước triền miên" (Tình thương mái lá - Trúc Phương, 1956).

Chiến tranh diễn ra ác liệt, mái nhà hứng chịu sự phá hoại dễ thấy nhất, cũng nghĩa là con người trong đó dễ bị tổn thương. Bài hát thiếu nhi Hạt gạo làng ta (Trần Viết Bính, phổ thơ Trần Đăng Khoa, 1971) diễn tả khung cảnh làng quê miền Bắc dưới bom đạn Mỹ: "Hạt gạo làng ta, những năm bom Mỹ, trút trên mái nhà/Những năm cây súng, theo người đi xa/Những năm băng đạn, vàng như lúa đồng, bát cơm mùa gặt, thơm hào giao thông".

Đất nước thống nhất, mối bận tâm về quê hương xứ sở vẫn không thôi hiện diện trong ca khúc. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn khi tìm cách viết những bài hát trong bối cảnh mới, đã lọc lấy hình ảnh mái ngói quê hương: "Chiều trên quê hương tôi, nắng phơi trên màu ngói non tươi. Gió mang đi một mùa sẽ tới, sẽ mưa lâu hoặc cơn nắng dài" (Chiều trên quê hương tôi, 1980). Mái ngói còn được ông dùng trở lại khi viết về một nơi chốn đặc biệt là Hà Nội, đem lại một cảm giác khá cổ điển, đến giờ đã thành "thương hiệu hoài niệm" của thành phố này: "Hà Nội mùa thu, cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ. Phố xưa nhà cổ, mái ngói thâm nâu" (Nhớ mùa thu Hà Nội, 1984).

Mái ngói giờ đây ít dần trong phố cổ Hà Nội, nhưng trong ca khúc của "bộ tứ Hà Nội" - Phú Quang, Trần Tiến, Dương Thụ, Nguyễn Cường và nhiều nhạc sĩ khác, đã là một ký hiệu thẩm mỹ đô thị: "Ta còn em hàng phố cũ rêu phong, và từng mái ngói xô nghiêng, nao nao kỷ niệm" (Em ơi Hà Nội phố - Phú Quang, thơ Phan Vũ, 1987), "Phố buồn nâu, mái ngói buồn nâu, cà phê đắng rơi từng giọt nâu buồn" (Phố nghèo - Trần Tiến, 1995), "Những mái nhà ngẩn ngơ nỗi nhớ, trên từng viên ngói vỡ" (Mong về Hà Nội - Dương Thụ), "Phía Tây Hồ, tiếng chuông chùa khuất xa thật xa, những mái nhà ngói xô bài ca" (Mãi vẫn là tuổi thơ tôi Hà Nội - Nguyễn Cường, 1994).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem