Trước sự cố cá chết bất thường ở 4 tỉnh miền Trung, Bộ NNPTNT đã tham gia tìm hiểu nguyên nhân cũng như xử lý hiện tượng này thế nào, thưa Thứ trưởng?
- Đây là sự cố chưa từng xảy ra đối với ngành thủy sản, đặc biệt đối với 104 xã, 21 huyện của 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên – Huế có đường bờ biển dài trên 300km. Bộ NNPTNT rất chia sẻ với bà con ngư dân 4 tỉnh miền Trung trước hiện tượng cá biển chết bất thường. Trước sự cố đó, Bộ NNPTNT đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo xử lý hiện tượng cá chết, xác định sản phẩm cá chết khác với sản phẩm cá đánh bắt ngoài khơi.
Ngư dân Nguyễn Văn Thoảnh ở thôn Tiến Thắng xã Kỳ Ninh, thị xã Kỳ Anh vui mừng khi nguyên nhân sự cố được làm rõ, yên tâm ra khơi ổn định cuộc sống. Ảnh: H.A
Bộ NNPTNT đề xuất cố gắng làm sao mỗi hộ gia đình có được 1 người được đi xuất khẩu lao động, giúp cho các gia đình ổn định cuộc sống tốt hơn”.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT
Vũ Văn Tám
|
Khi xảy ra hiện tượng cá chết, Bộ NNPTNT đã nhanh chóng khoanh vùng ảnh hưởng và xác định vùng an toàn, cấp giấy chứng nhận an toàn sản phẩm để ngư dân, người tiêu dùng yêu tâm tiêu thụ sản phẩm an toàn. Khi xảy ra hiện tượng trên, Bộ NNPTNT đã tổ chức nhiều đoàn công tác liên ngành đi khảo sát thực địa, phối hợp các địa phương tổng hợp thông tin, lấy mẫu và tiến hành phân tích mẫu để đánh giá hiện tượng và tìm ra nguyên nhân.
Bộ đã chủ động sớm tham mưu cho Chính phủ chính sách hỗ trợ cho ngư dân các tỉnh bị thiệt hại theo Quyết định 772 hỗ trợ về gạo và tiền khẩn cấp. Sau 1 tháng Quyết định 772 hết hiệu lực, Bộ đã tiếp tục tham mưu Thủ tướng Chính phủ chính sách bổ sung hỗ trợ ngư dân về gạo là 6 tháng đồng thời mở rộng thêm đối tượng được hỗ trợ là diêm dân, bên cạnh đó là chính sách thu mua tạm trữ hải sản được kéo dài 2 tháng từ 5.5 đến 5.7.
Bên cạnh các chính sách hỗ trợ khẩn cấp, ngư dân các tỉnh miền Trung rất cần những chính sách hỗ trợ lâu dài để sớm ổn định cuộc sống, Bộ NNPTNT đặt ra phương án giải quyết cuộc sống lâu dài cho ngư dân nơi đây ra sao?
- Giúp ngư dân ổn định cuộc sống lâu dài - là mục đích chúng tôi hướng tới. Hiện nay Bộ NNPTNT đang tiếp tục tham mưu Chính phủ để ban hành chính sách chuyển đổi nghề, phát triển bền vững để ngư dân 4 tỉnh miền Trung có đời sống ổn định lâu dài. Hiện nay chúng tôi đã hoàn tất các văn bản và xin ý kiến các ban ngành địa phương. Trong tuần tới, Bộ NNPTNT sẽ trình Chính phủ để sớm ban hành chính sách này. Hy vọng chính sách này sẽ đáp ứng được mong đợi của bà con ngư dân các tỉnh bị thiệt hại.
Xin ông cho biết những nội dung quan trọng trong chính sách chuyển đổi nghề, phát triển bền vững mà Bộ NNPTNT sẽ trình Chính phủ?
- Hiện nay Bộ NNPTNT đang hoàn thiện dự thảo chính sách và chờ đợi Thủ tướng quyết định. Tuy nhiên, Bộ NNPTNT đã đề xuất của một số hướng như sau: Để tạo điều kiện giúp ngư dân các tỉnh bị ảnh hưởng sự cố vừa qua được đánh bắt ở vùng lộng và vùng ven bờ, ngư dân 4 tỉnh miền Trung sẽ được hưởng chính sách như Nghị định 67 và 89 (vay vốn đóng tàu khai thác xa bờ) để đóng tàu công suất dưới 90 CV.
Thứ hai, Bộ NNPTNT đề xuất phối hợp Bộ LĐTBXH để có chính sách đào tạo chuyển đổi nghề cho bà con ngư dân nếu không đi khai thác sẽ lên bờ làm các nghề phù hợp với điều kiện của bà con để tăng thu nhập.
Thứ ba, tới đây Bộ NNPTNT sẽ đề xuất dự án khôi phục tái tạo lại các rạn san hô cũng như hệ sinh thái biển, dự án này sẽ cần một lượng lao động rất lớn, chúng tôi sẽ đề xuất đưa con em các hộ ngư dân 4 tỉnh này để tham gia các dự án khôi phục môi trường.
Xin cảm ơn ông!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.