Vụ Camry "điên": Cứu người là tốt nhưng nên thận trọng

Diệu Linh Thứ tư, ngày 02/03/2016 21:18 PM (GMT+7)
Nhận định về những ồn ào “cứu hay không cứu” từ vụ tai nạn xe khiến 3 người tử vong ở phố Ái Mộ (Hà Nội), chiều ngày 2.3, bác sĩ Nguyễn Xuân Hùng – Trưởng khoa Khám bệnh (Bệnh viện Việt Đức) cho biết, nên giúp đỡ người bị nạn, tuy nhiên việc đầu tiên là điện thoại đến cơ sở y tế gần nhất để được cứu chữa.
Bình luận 0

Bác sĩ Hùng cũng cho rằng, người dân e ngại trước khi ra tay cứu giúp ai đó cũng có lý do của họ. Cũng có người thực sự phải thực hiện việc quan trọng của cá nhân họ, có người sợ phiền hà, nhưng cũng có người không có chuyên môn cấp cứu, nếu ra tay cứu giúp mà lại khiến người bệnh bị tổn thương nặng  thì khác nào “làm phúc phải tội”.

img

Cấp cứu tai nạn ở BV Việt Đức. Ảnh: Diệu Linh 

Đưa đến bệnh viện gần nhất

Theo bác sĩ Hùng, việc đầu tiên khi thấy một ca tai nạn là phải gọi điện cho cơ quan y tế, 115 để họ điều người đến cấp cứu, đồng thời phối hợp với cơ quan chức năng tìm cách trợ giúp. Sau đó, nếu mình không có kiến thức sơ cứu thì kêu gọi sự hỗ trợ của mọi người xung quanh để xem có ai có chuyên môn hay không.

Nếu không có ai biết sơ cứu thì người hỗ trợ nên xem bệnh nhân có bị hôn mê hay không, nếu tỉnh thì hỏi họ bị đau ở đâu để có cách trợ giúp hợp lý. Bác sĩ Hùng cho biết, các bệnh nhân bị hôn mê thường bị chấn thương sọ não, còn đau ở cổ là  chấn thương đốt sống cổ, rất nguy hiểm đến tính mạng. Nếu trợ giúp không đúng có thể có tổn thương nặng hơn. Nếu họ bị chảy máu thì có thể băng ép vết thương để tránh chảy máu nhiều hơn. Còn nếu phát hiện tay, chân bị gãy thì nên cố định chỗ gãy. Tránh cho việc di chuyển làm xương gãy làm tổn thương động mạch, dây thần kinh hoặc chọc thủng da thịt, khiến vết thương có thể bị nhiễm trùng. Ngoài ra, nạn nhân có thể bị sốc, gây nôn, tắc đường thở. Vì thế, người trợ giúp có thể xem bệnh nhân có bị nôn, bị ngạt hay không thì đặt họ nằm nghiêng, tránh dị vật trào vào đường thở, gây ngạt.  

Bác sĩ Hùng nhấn mạnh, điều quan trọng nhất là đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất. “Rất nhiều ca tai nạn giao thông chỉ gãy chân tay đơn giản, nhưng nhiều người có tâm lý thích lên bệnh viện tuyến trên để cấp cứu cho “chắc ăn”. Ở Việt Đức đã từng gặp các ca tai nạn giao thông tận Lào Cai, Sơn La chuyển thẳng về, khiến bệnh nhân trên đường di chuyển bị mất máu nhiều, tổn thương nặng thậm chí bỏ mạng. Nếu được sơ cứu ngay ở bệnh viện huyện, tỉnh thì đã qua khỏi. Do đó cần đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để bác sĩ, y tá có chuyên môn sơ cứu, cấp cứu an toàn, chính xác, đồng thời các cơ sở này cũng có phương tiện vận chuyển nạn nhân đến các cơ sở y tế tuyến trên an toàn hơn” – bác sĩ Hùng chia sẻ.

Theo bác sĩ Hùng, 50% các ca cấp cứu tai nạn thương tích nói chung và tai nạn giao thông nói riêng đến Việt Đức bị sơ cứu sai khiến vết thương nặng hơn.

Cần tránh đường cho xe ưu tiên

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp – Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư) cho biết, thay vì việc tranh cãi về việc người dân không có chuyên môn nên hay không nên trợ giúp đưa nạn nhân bị tai nạn đi cấp cứu thì chúng ta nên có các hình thức xử lý văn minh và đúng đắn hơn. Vì ngay khi có tai nạn, hầu hết công an sẽ sớm có mặt ở hiện trường và là người chỉ huy hiện trường. Công an đã được dạy kỹ năng sơ cứu nên họ có thể sơ cứu ban đầu, đánh giá tình trạng nạn nhân để quyết định có nên tự đưa bệnh nhân đi cấp cứu hay là phải chờ nhân viên y tế đến (nhất là đối với các trường hợp bị chấn thương sọ não, chấn thương cột sống).

Ngoài ra, ngành y cũng nên học tập mô hình trực 113: Khi có cuộc gọi cấp cứu, Trung tâm điều phối tùy tình hình tắc đường và báo cáo ban đầu của cảnh sát về tình trạng nạn nhân sẽ điều thẳng xe cấp cứu đến hay huy động y tế phường gần nhất ra tham gia xử lý ban đầu trong lúc chờ xe cấp cứu. Thiết lập hệ thống liên lạc để Trung tâm có thể tư vấn việc xử lý cấp cứu tại hiện trường của y tế cơ sở.

“Ở nước ta, gọi cấp cứu 115 sẽ phải chờ rất lâu là vì người dân không nhường đường cho xe ưu tiên. Vì thế, thay vì oán trách những người vô cảm không dừng lại cấp cứu nạn nhân bị nạn, thì chúng ta cần tự kêu gọi cộng đồng làm một việc vô cùng có ý nghĩa và nhân văn: tránh đường cho xe ưu tiên. Người dân cần phải ý thức được rằng một phút, một giây đến chậm của các xe ưu tiên là cả một mạng sống thậm chí nhiều mạng sống” – bác sĩ Cấp cho biết.

Về việc nhiều người lo ngại khi giúp đỡ người đi đường bị tai nạn vào bệnh viện có thể sẽ bị bệnh viện giữ lại, yêu cầu chịu trách nhiệm hoặc nộp tiền viện phí, bác sĩ Nguyễn Xuân Hùng cho biết, đó là quan niệm sai lầm. “Nguyên tắc là khi có bệnh nhân cần cấp cứu vào viện, bệnh viện sẽ cấp cứu mà không có yêu cầu gì về tiền bạc, sẽ không đòi tiền nạn nhân hay người trợ giúp mới cứu người. “Bệnh viện vẫn phải lưu giữ thông tin của người trợ giúp (tên, địa chỉ, điện thoại) để giải quyết các vấn đề liên quan sau đó, khi người nhà họ truy hỏi hoặc khi công an tới điều tra… “ – bác sĩ Hùng nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem