Như Dân Việt đã thông tin, Công ty CP Trung Đô tại Nghệ An đã san ủi hơn 30ha rừng thông tại xã Nghi Văn, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An để thực hiện dự án có tổng vốn đầu tư hơn 1 nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của Dân Việt, doanh nghiệp này mới được tỉnh Nghệ An chấp thuận đầu tư, các thủ tục thực hiện đầu tư khác chưa được tiến hành.
Ông Nguyễn Thanh Hải - Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc (tỉnh Nghệ An) xác nhận: “Dự án này của Công ty Cổ phần Trung Đô mới được chấp thuận chủ trương đầu tư tại xóm 1, xã Nghi Văn. Công ty Cổ phần Trung Đô chưa có bất kỳ hồ sơ, giấy tờ nào trình huyện. Anh em địa phương thấy đây là dự án lớn, muốn tạo điều kiện cho doanh nghiệp chứ nếu đợi thủ tục đầy đủ thì lâu lắm”.
Dù chưa hoàn thành thủ tục đầu tư nhưng Công ty CP Trung Đô đã tiến hành san lấp mặt bằng.
Trao đổi với Dân Việt, luật sư Nguyễn Hồng Thái (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, một dự án chỉ triển khai xây dựng khi đã thực hiện đầy đủ các thủ tục quy định tại Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Xây dựng.
“Khi doanh nghiệp được chấp thuận chủ trương đầu tư hay cấp giấy chứng nhận đầu tư mới chỉ là giấy phép để có thể được đầu tư thôi. Đất và tài sản trên đất vẫn thuộc quyền sở hữu của người dân, của đơn vị, của Nhà nước. Chủ đầu tư phải giải phóng mặt bằng xong, xin giấy phép xây dựng. Khi chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng, có đất sạch theo quy định pháp luật sẽ không thể thực hiện được việc gì trên khu vực dự kiến đầu tư” – luật sư Thái cho biết.
Như trong Nghị định 59/2015/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng đã có quy định, các dự án đầu tư xây dựng phải tuân thủ các bước lập và thẩm định dự án đầu tư xây dựng.
Cụ thể, sau khi được chấp thuận chủ trương, chủ đầu tư phải được thẩm định dự án và thẩm định thiết kế cơ sở. Sở Xây dựng và đơn vị quản lý công trình xây dựng chuyên ngành sẽ chủ trì thẩm định đối với các nội dung tại điều 58 Luật Xây dựng 2014. Nếu được thông qua, dự án sẽ được phê duyệt và có quyết định đầu tư xây dựng.
Nội dung quyết định đầu tư xây dựng gồm: Tên dự án, Tên chủ đầu tư; Mục tiêu, quy mô và tiến độ dự án; Công trình chính, công trình phụ; Vị trí xây dựng, diện tích đất dự án; Thiết kế cơ sở và công nghệ (nếu có); Phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng, bảo vệ môi trường và phòng chống cháy nổ; Tổng mức đầu tư và dự kiến vốn phân bổ theo tiến độ; Hình thức quản lý dự án.
Luật sư Nguyễn Hồng Thái khẳng định: “Chủ đầu tư và các cơ quan liên quan phải thực hiện theo trình tự quy định pháp luật, không có bước làm tắt nào cả. Không cơ quan nào có đủ thẩm quyền chức năng cho phép san ủi mặt bằng khi chưa có quyết định đầu tư xây dựng.
Ngay như phương án giải phóng mặt bằng, chủ đầu tư phải được phê duyệt sau đó mới giải phóng mặt bằng. Đến khi chủ đầu tư có đất sạch mới được xây dựng, nếu làm là vi phạm pháp luật”.
Theo lãnh đạo huyện Nghi Lộc, việc này là do địa phương "tạo điều kiện"
Đồng quan điểm, luật sư Vũ Thái Hà (Đoàn luật sư TP Hà Nội) nhận định: “Trong trường hợp này, đất đã được giao cho nhà đầu tư đâu mà đã tiến hành san lấp mặt bằng để chuẩn bị xây dựng. Cơ quan chức năng hoàn toàn có thể xem xét xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai”.
Thậm chí, theo luật sư Vũ Thái Hà, trong nhiều trường hợp nhà đầu tư dù đã có quyết định đầu tư xây dựng dự án, có quyết định giao đất, phương án bồi thường giải phóng mặt bằng được phê duyệt nhưng vẫn chưa thể xây dựng được.
“Trong nhiều trường hợp, nhà đầu tư phải phối hợp với cơ quan chức năng để thực hiện cưỡng chế giải phóng mặt bằng mới có được mặt bằng sạch. Chỉ khi có mặt bằng sạch theo đúng ranh giới dự án được phê duyệt, nhà đầu tư mới được xây dựng” – luật sư Hà cho biết.
Trong trường hợp cụ thể này, ngoài xem xét vi phạm hành chính về quản lý, sử dụng đất, cơ quan chức năng cũng cần làm rõ phần tài sản trên đất (cây thông – PV) là tài sản của người dân hay của cơ quan Nhà nước. Xác định mức độ thiệt hại để có biện pháp xử lý theo quy định pháp luật.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.