Vụ Cưỡng chế trang trại ở Phú Xuyên, Hà Nội: Chính quyền xã bất nhất

Trần Thụ Thứ tư, ngày 06/08/2014 14:25 PM (GMT+7)
Bỏ ra hơn 1 tỷ đồng và rất nhiều mồ hôi công sức, sau hơn 10 năm ông Lâm Văn Phu (xóm 1, thôn Nam Quất, xã Nam Triều, huyện Phú Xuyên) xây dựng được trang trại quy mô. Chỉ vì chính quyền xã bất nhất nên sau 1 ngày cơ ngơi đó bỗng tan hoang… 
Bình luận 0

Đốn củi 3 năm….

Ngày 15.1.2003, ông Phu trúng thầu 16.000m2 ở khu đồng Thanh Quan (thôn Nam Quất) để xây dựng trang trại; hợp đồng có thời hạn đến năm 2013. Sau khi hợp đồng được ký, ông Phu đã bỏ ra hơn 1 tỷ đồng làm đường bê tông, xây chuồng lợn, gà, vịt… để hình thành trang trại.

Trong 10 năm sản xuất kinh doanh, ông Phu đã được nhận nhiều giấy khen của TP.Hà Nội và hội nông dân các cấp. Các điều khoản của hợp đồng đều được ông Phu thực hiện nghiêm túc. Đến năm 2013, dù đã hết thời hạn hợp đồng nhưng vốn liếng bỏ ra vẫn chưa kịp thu hồi, nguyện vọng của ông muốn kéo dài hoạt động trang trại thêm một thời gian để “gỡ” lại, nhưng chính quyền xã không có thiện chí giúp đỡ.

Nhiều lần xã gọi ông Phu lên để thanh lý hợp đồng, nhưng vì nhiều lý do, việc thanh lý chưa hoàn tất. Ngày 3.7.2014, UBND huyện Phú Xuyên ra quyết định cưỡng chế và ngày 11.7, các lực lượng chức năng của huyện Phú Xuyên và xã Nam Triều đã tiến hành san phẳng toàn bộ trang trại của ông Phu. Thành quả lao động hơn 10 năm của ông phút chốc thành đống đổ nát!

Xã bất nhất

Làm việc với phóng viên NTNN, ông Phan Cao Lạc – Chủ tịch UBND xã Nam Triều cho biết: Diện tích ông Phu đấu thầu thuộc đất quỹ 2 do UBND xã quản lý, xã xin chủ trương cho đấu thầu diện tích trên thành đất ở và đã được huyện đồng ý (UBND TP.Hà Nội chưa phê duyệt đề án này). Trong phần trao đổi với phóng viên, ông Lạc luôn nhấn mạnh: Nếu ông Phu muốn kéo dài hợp đồng để thu hồi vốn, UBND xã sẽ xem xét và giải quyết theo thẩm quyền. Tuy nhiên đến giờ này ông Phu vẫn không làm đơn...

Thực tế ngày 28.5, ông Phu đã làm đơn gửi UBND xã Nam Triều xin kéo dài thời hạn hợp đồng, nhưng đề xuất này bị UBND xã bỏ qua vì cho rằng khu đất trên sử dụng vào mục đích xây dựng nông thôn mới.

Cần nói rõ thêm là ngay trong biên bản làm việc ngày 16.6, UBND xã vẫn “để lối thoát” cho ông Phu bằng câu: “Nếu chủ hợp đồng có nhu cầu tiếp tục sử dụng thì phải làm đơn đề nghị để UBND xã xem xét, giải quyết theo thẩm quyền. Có thể kéo dài thời gian hợp đồng...”. Tuy nhiên sau đó UBND huyện lại ra quyết định cưỡng chế trang trại của ông Phu. Một trong những căn cứ để UBND huyện Phú Xuyên ra quyết định cưỡng chế với trang trại của ông Phu là “Báo cáo số 35 (ngày 26.5.2014) của UBND xã Nam Triều đề nghị UBND huyện ra quyết định cưỡng chế thi hành quyết định của chủ tịch UBND xã Nam Triều về việc áp dụng các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai”.

Theo ông Phan Cao Lạc, sở dĩ xã ra quyết định xử phạt hành chính là do ông Phu đã xây dựng trại lợn, chuồng gà mà không xin phép, UBND xã ra quyết định xử phạt nhưng ông Phu không chấp hành.

Điều đáng bàn ở đây là trong Quyết định số 2637 (ngày 26.12.2003) của UBND huyện Phú Xuyên đã cho phép các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm… và ông Phu chỉ xây chuồng trại (không xây nhà kiên cố). “Chăn nuôi mà không xây dựng chuồng trại thì không hiểu nuôi kiểu gì?” - ông Phu bức xúc nói.

Trả lời NTNN, ông Phạm Văn Việt – Phó văn phòng UBND huyện Phú Xuyên nói: Mọi việc liên quan đến báo chí của huyện do ông Lưu Luyến – Chánh văn phòng, người phát ngôn của UBND huyện đảm trách. Trao đổi với phóng viên (qua điện thoại), ông Luyến nói rằng sự việc ông chưa nắm được và hẹn sẽ tiếp phóng viên sau…

 Sau khi tiến hành cưỡng chế, toàn bộ tài sản như chuồng trại, kho chứa thức ăn gia súc… đã bị san phẳng. Một số vật dụng như máy nổ, cám vịt, lúa của gia đình ông Phu đã bị đưa về kho của UBND xã Nam Triều.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem