Vụ đứt dây điện làm 2 học sinh chết ở Long An: Điểm vô lý

DV (tổng hợp) Thứ hai, ngày 15/10/2018 07:56 AM (GMT+7)
Sét đánh trúng đường dây điện trung thế sẽ gây ra tình trạng đoản mạch, hệ thống rơ - le sẽ tự động ngắt điện khi có sự cố.
Bình luận 0

Như Dân Việt đã đưa tin, Chiều 13.10, do không phát hiện đường dây trung thế ở gần trường bị đứt rơi xuống ngấm nước mưa, 6 em học sinh của trường THCS An Lục Long (huyện Châu Thành, Long An) đã bị điện giật. Hậu quả, 2 em tử vong, 4 em khác bị thương đang điều trị tại bệnh viện tỉnh.

Trao đổi trên Đất Việt, TS Phạm Văn Đức - giảng viên trường Đại học Điện lực cho rằng, nguyên nhân sét đánh đứt đường dây điện trung thế gây ra cái chết cho 2 em học sinh và 4 em khác bị thương là vô lý.

"Thông thường, khi sét đánh trung đường dây sẽ tạo ra dòng điện đối chiều nhau, dẫn tới hiện tượng đoản mạch và chập. Lúc này rơ - le sẽ tự động bật để ngắt nguồn điện.

Đây là nguyên tắc chung của ngành điện mà bất cứ hệ thống trạm nào cũng phải có, đối với đường dây trung thế thì càng phải có và được kiểm tra, bảo dưỡng thường xuyên" - TS Đức cho hay.

Ông Đức đặt ra giả thiết, có thể sau khi bị sét đánh một điểm trên đường dây điện đoạn qua trường THCS An Lục Long chưa đứt hẳn nhưng do nhân viên ngành điện không đi kiểm tra hoặc kiểm tra không kỹ đã không phát hiện ra điểm sự cố này nên đóng điện khiến cho đoạn dây gặp sự cố, không chịu đủ tải dẫn đến đứt dây.

img

Hiện trường vụ đứt đường dây điện trung thế khiến 6 em học sinh trường THCS An Lục Long thương vong.

Tuy nhiên, điều ông Đức băn khoăn nhất là vì sao rơ - le không tự động bật ngắt điện khi đường dây trung thế xảy ra sự cố.

"Cơ chế hoạt động của rơ - le là tự động bật ngắt điện khi dòng điện qua dây lớn hơn dòng chịu tải của dây (thông thường là lớn hơn 10%).

Thông thường, khi dây điện bị đứt sẽ sinh ra hồ quang tại vị trí đứt, cùng tiếng xẹt lửa, tiếng nổ. Nếu dây điện còn lơ lửng trên không thì có thể chưa đủ tác động để rơ - le tự động bật, còn nếu dây điện đã tiếp đất, chập điện thì chắc chắn vượt quá độ chịu tải của đường dây" - TS Phạm Văn Đức khẳng định.

Ngoài ra, nếu rơ - le không tự ngắt thì tại trung tâm điều hành điện lực còn có bảng đo tín hiệu dòng điện trong khu vực mình quản lý.

Nếu mức ampe của dòng điện về 0 thì tức là đường dây điện đã xảy ra sự cố, nhân viên trực ca sẽ nhận ra điểm này và ngắt điện ngay khi có thể.

"Cần phải xem thời gian từ khi dây điện đứt đến khi dòng điện bị ngắt là bao lâu? Cái này quy định ngành điện có cả..." - ông Đức cho hay.

Trao đổi với Zing.vn, luật sư Trần Đình Dũng (Hội Luật gia Việt Nam) đánh giá, để dây điện đứt rơi xuống đường nhiễm điện, rõ ràng người quản lý điện tại địa phương quá thiếu trách nhiệm. Theo luật sư, cần khởi tố vụ án để làm rõ trách nhiệm những người liên quan.

"Cơ quan điều tra cần nhanh chóng khởi tố điều tra vụ án để xử lý theo Điều 199 về Tội vi phạm các quy định về cung ứng điện của BLHS 2015 (sửa đổi bổ sung 2017). Trong sự vụ này, rõ ràng phía điện lực đã chậm chạp, thiếu trách nhiệm mà trì hoãn việc khắc phục sự cố rơi đường dây để dẫn đến hậu quả thương tâm", luật sư Dũng nhận định.

Theo quy định tại Điều 199 BLHS 2015, người nào có trách nhiệm mà trì hoãn việc xử lý sự cố điện không có lý do chính đáng gây hậu quả chết người thì có thể bị phạt tiền từ 150 triệu đến 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 đến 5 năm. Trường hợp làm chết 2 người như vụ việc này thì có thể bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem