Vụ Formosa xả thải: Ứng trước 3.000 tỷ đồng bồi thường

Ngọc Lê - Hữu Anh-Phan Phương Thứ bảy, ngày 01/10/2016 06:40 AM (GMT+7)
Chiều 30.9, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám cho biết, trong cuộc họp với các bộ ngành và các tỉnh sáng 3.9, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình đã đồng ý chủ trương ứng trước 3.000 tỷ đồng cho 4 tỉnh miền Trung để các tỉnh này triển khai giải ngân cho những đối tượng được hưởng chính sách bồi thường. Việc ứng trước này là để đáp nguyện vọng, mong đợi của người dân, đặc biệt các đối tượng bị thiệt hại do Formosa.
Bình luận 0

Trước đó, ngày 29.9 Thủ tướng Chính phủ ra quyết định về định mức bồi thường thiệt hại cho người dân ở 4 tỉnh miền Trung vì sự cố môi trường biển do Formosa gây ra. Thứ trưởng Vũ Văn Tám đánh giá, đây là một quyết định rất quan trọng, trên cơ sở định mức chung áp dụng cho 4 tỉnh, căn cứ vào đó các tỉnh sẽ áp giá và tính tổng mức thiệt hại cũng như tổng hợp, đề xuất tổng mức bồi thường cũng như hỗ trợ cho các đối tượng bị thiệt hại ở địa phương. Việc này dự kiến hoàn thành sớm nhất cũng phải từ ngày 5-10.10.

img

Ngư dân Nguyễn Văn Lĩnh (xã Thạch Bằng, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) cho rằng mức bồi thường không phải thấp, nhưng thời gian tính bồi thường ngắn nên ngư dân vẫn sẽ gặp khó khăn. 
Ảnh:  H.A

Khi hoàn thành việc thống kê thiệt hại, các địa phương sẽ gửi thêm cho Bộ NNPTNT và Bộ Tài chính, sau đó Bộ NNPTNT sẽ tổng hợp lại và chuyển sang Bộ Tài chính để bộ này tổ chức thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ. Sau khi Thủ tướng phê duyệt thì sẽ phân bổ tiền bồi thường, hỗ trợ cho các địa phương để thực thi triển khai. “Nếu đúng theo quy trình cũng như tiến độ thì sớm nhất ngày 15.10 Thủ tướng Chính phủ mới có căn cứ để phê duyệt và chuyển tiền hết xuống các địa phương” - ông Tám khẳng định.

Ngư dân mừng, nhưng chưa an tâm

Trong khi đó, theo ghi nhận của các phóng viên NTNN - Dân Việt. dù nhất trí với mức bồi thường theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, nhưng tâm nguyện của  ngư dân 4 tỉnh miền Trung vẫn mong biển sớm sạch trở lại và tìm ra sinh kế lâu dài để ổn định cuộc sống.

Sáng 30.9, ngư dân Nguyễn Văn Lĩnh ở xóm 4 xã Thạch Bằng, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh, chủ tàu cá công suất 24CV số hiệu HT1853-TS cho biết: “Sáng nay tôi nghe đài cũng đã nắm được thông tin về mức bồi thường rồi, áp dụng vào trường hợp của gia đình tôi có tàu lắp máy công suất từ 20CV đến dưới 50CV thiệt hại do nằm bờ thì định mức bồi thường là 15,2 triệu đồng/tàu/tháng, còn lao động trên tàu thì định mức bồi thường là 7,65 triệu đồng/người/tháng. Với mức này gần bằng những tháng đánh bắt trung bình của hộ gia đình tôi trước đây”.

Ngư dân Lĩnh cho biết thêm: “Mức bồi thường này không phải là thấp,  nhưng thời gian tính bồi thường quá ngắn từ tháng 4 đến tháng 9.2016. Trong khi đó, ngày mai là tháng 10 rồi nhưng thị trường hải sản vẫn đóng băng thì làm sao đi biển được, khó khăn vẫn cứ bủa vây chúng tôi”.

img

Ngư dân Nguyễn Thanh Long ở xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình nói thẳng: “Nếu tính cụ thể từng tháng, mức đền bù như vậy là được, thậm chí là cao. Tuy nhiên về lâu dài, khi hết thời gian đền bù (4 tháng) chúng tôi vẫn sẻ gặp khó khăn. Trên thực tế, thời gian qua, tôi vẫn cho tàu ra khơi. Tuy nhiên, số lượng hải sản khai thác không còn được như trước, giá lại thấp nên thu nhập rất bấp bênh. Điều mong ngóng nhất của chúng tôi là mong sao biển sạch trở lại, con cá thực sự an toàn để khi chúng tôi đánh bắt về có người mua, bán được giá như trước đây”.

Trao đổi với phóng viên, ông Mai Văn Ngọc- Phó Chủ tịch Hội ND Quảng Bình cho hay: “Với định mức như vậy chắc chắn ngư dân sẻ nhất trí thôi. Tuy nhiên, từ tháng 10 trở đi các đối tượng bị ảnh hưởng sẽ như thế nào, ngư dân sẽ xoay xở ra sao khi thực tế hiện nay hầu hết ngư dân ở các xã bãi ngang chuyên đánh bắt gần bờ đều phải “úp thuyền” vì vẫn chưa được phép đánh bắt (hải sản trong vùng 20 hải lý)”.

Lo ngại nảy sinh vướng mắc

Trong 7 nhóm đối tượng thiệt hại được xác định bồi thường thì vẫn còn 3 nhóm chưa xác định được cụ thể mức giá bồi thường đó là dịch vụ hậu cần nghề cá; dịch vụ du lịch, thương mại ven biển và thu mua, tạm trữ thủy sản. Ông Phạm Văn Hạnh - hộ kinh doanh du lịch ở xã Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình cho biết: “Tôi chưa biết mức bồi thường cụ thể đối với các hộ kinh doanh du lịch là bao nhiêu, nhưng đối với bản thân tôi thiệt hại do sự cố môi trường biển vừa qua là quá lớn. Bản thân gia đình tôi vừa bỏ ra hơn 2 tỷ đồng để đầu tư nhà hàng, vừa mới làm xong thì xảy ra sự cố cá chết, không một khách đến nên đành phải đóng cửa. Tiền vay ngân hàng vẫn phải trả lãi hàng tháng. Nếu không có bồi thường, hỗ trợ sớm chỉ một thời gian ngắn nữa thôi tôi sẽ phá sản”.

Ông Lê Đức Nhân- Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Tĩnh cho rằng: “Trong quá trình thống kê, xác định đối tượng, mức thiệt hại để áp giá đền bù còn gặp một số vướng mắc, nếu không được giải quyết thì sẽ gặp khó khăn phức tạp trong quá trình triển khai bồi thường”. Ông Nhân cho biết những vướng mắc cụ thể: Như chưa có sự chia tách giữa chủ tàu cá và người làm thuê (1 người làm chủ nhiều tàu cá hay có người chỉ đầu tư chứ không trực tiếp đi khai thác, vì vậy không thể bồi thường thiệt hại lao động cho chủ tàu nên phải tách chủ và thợ). Hay như nhóm tàu, thuyền không lắp máy và lao động trên các tàu thuyền không lắp máy được bồi thường quá cao so với nhóm lao động giản đơn…

Sau sự cố môi trường sản lượng hải sản đã kiệt quệ chưa biết khi nào phục hồi. Trong khi đó, tàu đánh bắt xa bờ về giá hải sản  vẫn đang ở mức rất thấp vì  người tiêu dùng vẫn chưa dùng hải sản... Vì thế, nên chăng Chính phủ cần nghiên cứu, xem xét bồi thường cho ngư dân đến khi nào biển được phục hồi, để ngư dân ổn định sinh kế”.

Ông Mai Văn Ngọc - Phó Chủ tịch Hội ND Quảng Bình.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem