Vụ khoá cổng 278 hộ dân vì có F2: Thêm nhiều xã tại huyện Hoằng Hoá áp dụng cách làm này
Vụ khoá cổng 278 hộ dân vì có F2: Nhiều xã khác của huyện Hoằng Hoá cũng áp dụng
Nhóm PV BMT
Thứ sáu, ngày 03/09/2021 09:14 AM (GMT+7)
Sau khi Dân Việt thông tin việc xã Hoằng Thái (huyện Hoằng Hoá, tỉnh Thanh Hoá) xin ý kiến chấp thuận của huyện mua khoá, khoá trái cổng nhà 278 hộ dân với 388 nhân khẩu bên trong vì có F2, chúng tôi còn nhận được thông tin, nhiều thôn tại các xã khác cũng thuộc huyện Hoằng Hoá làm theo kiểu này.
Video xã và người dân nói về việc khóa cổng nhà có trường hợp F2. (Thực hiện: Nhóm PV BMT)
Nhiều xã khác tại huyện Hoằng Hóa cũng khóa cổng nhà dân có F2
Liên quan tới vụ việc xã Hoằng Thái (huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa) xin ý kiến chấp thuận của huyện, mua ổ khóa, khóa cổng nhà dân có trường hợp F2 cách ly tại nhà, trong ngày 2/9, phóng viên Dân Việt tìm hiểu thực tế tại một số thôn thuộc các xã khác của huyện Hoằng Hóa cũng áp dụng cách làm này.
Cụ thể tại các xã Hoằng Lộc, Hoằng Thắng, Hoằng Châu, Hoằng Lưu, Hoằng Phong… thuộc huyện Hoằng Hoá, xã cũng cho khóa trái cổng nhà dân có F2 để phòng người dân ra khỏi nhà.
Nói với phóng viên Dân Việt, ông Nguyễn Văn Thọ - Chủ tịch UBND xã Hoằng Lộc (huyện Hoằng Hoá, tỉnh Thanh Hoá) xác nhận, xã Hoằng Lộc có 72 trường hợp thuộc diện F2 phải cách ly y tế tại nhà.
"Nhằm tiện cho việc quản lý, cách ly, xã đã vận động người dân cho xã khóa cổng. Người dân cũng đồng ý cho khóa nên xã khóa cổng nhà 39 hộ dân" - ông Nguyễn Văn Thọ nói.
Còn ông Hoàng Văn Hiến - Chủ tịch UBND xã Hoằng Thắng (huyện Hoằng Hoá, tỉnh Thanh Hóa) cho biết, xã Hoằng Thắng có 64 trường hợp F2 và từ vùng dịch về địa bàn thuộc diện phải cách ly tại nhà. Xã cũng đã cho khóa cổng 35 hộ gia đình có F2 trên địa bàn và cầm chìa khóa.
Huyện Hoằng Hóa ủng hộ cách làm
Trao đổi với phóng viên báo Dân Việt, ông Lê Xuân Thu - Bí thư Huyện uỷ, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 huyện Hoằng Hoá (tỉnh Thanh Hóa) xác nhận, huyện đồng tình với phương án của các xã.
"Tình hình diễn biến dịch Covid-19 phức tạp. Khi chúng tôi đi kiểm tra thực tế tại một số xã, một số trường hợp F2 phải cách ly y tế tại nhà dù ký cam kết nhưng vẫn ra đường. Anh em dưới các xã kêu khó quản lý nên đề xuất với huyện cho mua ổ khóa về khóa cổng hộ có trường hợp F2. Lúc đầu, một số hộ có ý kiến không đồng tình nhưng sau khi xã vận động, thuyết phục thì đa phần người dân đều đồng ý cho khóa cổng. Chìa khóa do xã, trưởng thôn, tổ giám sát cộng đồng giữ" - ông Lê Xuân Thu, Bí thư Huyện ủy Hoằng Hóa nói.
Ông Thu cũng nói thêm: "Chúng tôi biết là việc cho khóa cổng nhà dân có trường hợp F2 chưa ở đâu làm. Huyện chúng tôi mạnh dạn làm để mong kiểm soát tốt dịch Covid-19, không để bùng phát như địa phương khác, rất mong người dân đồng tình ủng hộ huyện".
Phóng viên Dân Việt cũng đã liên hệ với ông Đỗ Minh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa hỏi ông Tuấn quan điểm chỉ đạo của tỉnh về việc nhiều xã tại huyện Hoằng Hóa cho khóa cổng nhà dân có F2, ông Tuấn cho biết ông đã nắm được thông tin trên báo đăng và có chỉ đạo cụ thể với huyện Hoằng Hóa.
"Thông tin cụ thể, các anh có thể trao đổi với lãnh đạo huyện Hoằng Hóa" - Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa nói.
Phóng viên đã liên lạc với ông Lê Sỹ Nghiêm - Chủ tịch UBND huyện Hoằng Hóa, ông Nghiêm cho biết, huyện chưa nhận được chỉ đạo cụ thể của tỉnh. Một số xã của huyện vẫn đang cho triển khai việc khóa cửa từ bên ngoài nhà dân có F2.
Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này.
Tự ý ra văn bản trái luật có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu hình sự
Trao đổi với Dân Việt, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết, Quốc hội, chính phủ, ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống Covid-19 không có văn bản nào quy định là phải nhốt, giam lỏng F2 trong nhà bằng hình thức chính quyền khoá cửa cầm chìa khoá.
Trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay không có văn bản nào quy định về việc khóa cửa nhốt người dân là F2 ở trong nhà.
Việc chính quyền xã tự khóa cổng nhà dân đối với những người được xác định là F2 là một phương pháp phòng chống dịch bệnh cực đoan và có thể gây ra các hệ lụy xấu đối với người dân.
Cần kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch tỉnh, Ban chỉ đạo phòng chống covid-19 của tỉnh xem có nội dung nào quy định như vậy hay không?
Cần phải xem lại nhận thức về pháp luật đối với một số cán bộ ở chính quyền cấp cơ sở nơi đây để đảm bảo thống nhất trong việc thực hiện các giải pháp phòng chống dịch bệnh, mang lại hiệu quả tốt hơn.
Trong trường hợp, cán bộ tự ý thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh không được cơ quan chức năng cho phép gây ảnh hưởng đến quyền tự do đi lại, tự do cư trú, ảnh hưởng đến sinh hoạt của công dân thì tùy vào tính chất mức độ hành vi vi phạm, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà cán bộ vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật, bị xử phạt hành chính hoặc có thể truy cứu trách nhiệm hình sự.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.