Vụ khởi tố Trưởng phòng Quản lý hành nghề y dược tư nhân thuộc Sở Y tế Hà Nội và các quy định liên quan

T. Nam - K. Trinh Thứ sáu, ngày 07/02/2025 14:53 PM (GMT+7)
Theo luật sư, cơ quan chức năng sẽ xác định các phòng khám và nhà thuốc đưa hối lộ trong trường hợp nào. Trường hợp các chủ thể này bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ số tiền đã dùng để đưa hối lộ.
Bình luận 0

Khởi tố Trưởng phòng Quản lý hành nghề y dược tư nhân và nhiều thuộc cấp

Như Báo điện tử Dân Việt đã đưa tin ngày 5/2, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Hà Nội đã ra lệnh khám xét khẩn cấp nơi làm việc, chỗ ở; ra quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với Nguyễn Văn Đức- Trưởng phòng Quản lý hành nghề y dược tư nhân, Sở Y tế Hà Nội, Trần Thị Bạch Tuyết - Phó Trưởng phòng Quản lý hành nghề y dược tư nhân, Sở Y tế Hà Nội, Nguyễn Thị Huy - chuyên viên Phòng Quản lý hành nghề y dược tư nhân, Sở Y tế Hà Nội;
Đỗ Đình Long - cán bộ biệt phái thuộc Phòng Quản lý hành nghề y dược tư nhân, Sở Y tế Hà Nội, Bùi Lan Anh (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), Nguyễn Thị Bích (huyện Gia Lâm, Hà Nội), Đỗ Doãn Tiến (quận Đống Đa, Hà Nội) về hành vi "Môi giới hối lộ" quy định tại Điều 365 Bộ luật Hình sự, "Nhận hối lộ" quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự.

Theo cơ quan điều tra, qua công tác nắm tình hình, dư luận của một số phòng khám và nhà thuốc, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP.Hà Nội đã phát hiện vụ án "Môi giới hối lộ", "Nhận hối lộ" trong cấp Giấy chứng nhận đạt thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc, Giấy đủ điều kiện kinh doanh dược, Giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh tại Phòng Quản lý hành nghề y dược tư nhân, Sở Y tế Hà Nội.

Cụ thể, các cơ sở hành nghề y dược tư nhân thiếu các điều kiện, tiêu chuẩn hành nghề muốn được cấp hoặc gia hạn Giấy chứng nhận đạt thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc, Giấy đủ điều kiện kinh doanh dược, Giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh đã thông qua đối tượng môi giới hối lộ là Bùi Lan Anh, Nguyễn Thị Bích và Đỗ Doãn Tiến để "hô biến" giấy phép với chi phí cấp mới, cấp lại là từ 15 đến 60 triệu đồng cho mỗi giấy chứng nhận hoặc giấy phép hoạt động.

Qua điều tra dòng tiền, đối tượng môi giới hưởng lợi từ 7 đến 52 triệu đồng, chi cho cán bộ Phòng Quản lý hành nghề y dược tư nhân, Sở Y tế Hà Nội từ 6 đến 30 triệu đồng cho mỗi giấy chứng nhận hoặc giấy phép hoạt động.

Vụ khởi tố Trưởng phòng thuộc Sở Y tế Hà Nội vì nhận hối lộ: Người đưa hối lộ bị xử lý ra sao? - Ảnh 1.

Công an TP.Hà Nội phát hiện vụ "Môi giới hối lộ", "Nhận hối lộ" ở Sở Y tế Hà Nội. Trong ảnh là đối tượng Nguyễn Văn Đức. Ảnh: Đức Tuấn/An ninh Thủ đô.

Trường hợp không chi tiền chung chi sẽ bị sách nhiễu, gây khó khăn trong quá trình cấp giấy phép hoặc giấy chứng nhận.

Các đối tượng môi giới hối lộ đã móc nối với Nguyễn Văn Đức, Trần Thị Bạch Tuyết, Nguyễn Thị Huy, Đỗ Đình Long để làm các thủ tục cấp giấy phép không đúng quy định cho nhà thuốc, phòng khám.

Tài liệu điều tra thể hiện, từ năm 2018 đến nay Bích, Lan Anh khai nhận 11 tỷ đồng của 760 cơ sở kinh doanh dược, phòng khám (Bích được hưởng 800 triệu đồng; Lan Anh được hưởng lợi hơn 1 tỷ đồng).

Số tiền còn lại đưa hối lộ cho các cán bộ thuộc Phòng Quản lý hành nghề y dược tư nhân, Sở Y tế Hà Nội).

Quy định của pháp luật về tội "Môi giới hối lộ" và "Nhận hối lộ"

Luật sư Nguyễn Bá Huy- Giám đốc Công ty Luật TNHH Tín Hải cho hay, việc cơ quan chức năng khởi tố các đối tượng trên về các tội "Môi giới hối lộ" và tội "Nhận hối lộ" là có căn cứ, đúng pháp luật.

Trường hợp có căn cứ, đối tượng thực hiện hành vi "Môi giới hối lộ" theo quy định tại Điều 365 Bộ luật Hình sự có thể sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm, cao nhất là phạt tù 15 năm. 

Còn người "Nhận hối lộ" theo quy định tại điều 354 Bộ luật Hình sự có thể sẽ bị phạt tù thấp nhất là 2 năm, cao nhất là phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Đồng thời các đối tượng còn có thể bị áp dụng một số hình phạt bổ sung như phạt tiền, cấm đảm nhiệm chức vụ từ 01 năm đến 05 năm.

Ngoài ra, phía cơ quan chức năng sẽ xác định các phòng khám và nhà thuốc đưa hối lộ trong trường hợp nào. Trường hợp các chủ thể này bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ số tiền đã dùng để đưa hối lộ.

Trường hợp phía cơ quan chức năng xác định các chủ thể trên thực hiện hành vi phạm tội do cố ý sẽ xử lý về tội "Đưa hối lộ" theo quy định tại Điều 364 Bộ luật Hình sự. Mức hình phạt thấp nhất là phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm, cao nhất là phạt tù từ 12 đến 20 năm.

Theo luật sư Huy, phía cơ quan chức năng sẽ tiếp tục mở rộng điều tra, xác minh vai trò của từng đối tượng khi thực hiện hành vi phạm tội, giá trị tài sản thiệt hại, giá trị lợi ích vật chất, phi vật chất mà các đối tượng nhận được, tính chất, mức độ nghiêm trọng của vụ việc để quyết định tội danh và tổng hợp hình phạt đối với từng đối tượng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem