Vụ lúa đông xuân 2011-2012: Kỳ vọng đạt 7 triệu tấn thóc

Thứ năm, ngày 02/02/2012 15:41 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Dù phải đối mặt rét đậm, rét hại đầu vụ, nguy cơ hạn hán cuối vụ, dịch bệnh hoành hành… nhưng Bộ NNPTNT vẫn đặt mục tiêu các tỉnh miền Bắc phải giành một vụ đông xuân bội thu.
Bình luận 0

Theo Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), vụ đông xuân 2011 - 2012 toàn miền Bắc phấn đấu gieo cấy 1.145.000ha lúa; năng suất trung bình đạt 61,5 tạ/ha, tăng 0,4 tạ/ha so với năm trước; sản lượng ước đạt khoảng 7 triệu tấn, tăng khoảng 6.000 tấn so với năm trước.

img
Nông dân Hà Tĩnh xuống đồng gieo cấy vụ đông xuân.

Linh hoạt điều chỉnh cơ cấu thời vụ, giống

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu 7 triệu tấn thóc, hiện nay, Cục Trồng trọt vẫn khuyến cáo các địa phương linh hoạt điều chỉnh cơ cấu thời vụ, đặc biệt là cơ cấu giống lúa trong đó ưu tiên lúa lai chất lượng cao.

Ông Nguyễn Trí Ngọc - Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, các địa phương nên hạn chế tối đa trà xuân sớm, trung, trừ những điều kiện đặc thù.

Theo ông Ngọc, các địa phương cần tập trung mở rộng tối đa trà xuân muộn bằng những giống lúa thuần, lúa lai hai dòng, ba dòng ngắn ngày có năng suất cao, chất lượng tốt như: Khang dân 18, Khang dân đột biến, Nhị ưu 838, Th3-3…Thực tế ở nhiều địa phương, trong mấy năm gần đây, trà xuân muộn luôn được ưu tiên và tỏ rõ ưu thế về năng suất, hiệu quả kinh tế.

Riêng về cơ cấu giống, để vừa đảm bảo mục tiêu của ngành vừa phù hợp với điều kiện của địa phương, các giống lúa thuần và lúa lai được điều chỉnh khá hợp lý.

Ông Đỗ Hải Điền - Trưởng phòng Trồng trọt (Sở NNPTNT Nam Định) cho biết: Vụ đông xuân năm nay tỉnh đề ra kế hoạch gieo cấy 50% diện tích lúa lai, tập trung vào các giống Nhị ưu 838, Nhị ưu 69, TX 111, D ưu 527, D ưu 572…

Tuy nhiên, theo ông Điền, thực tế cũng chỉ gieo cấy được 40% diện tích lúa lai. "Năm nay, chúng tôi vẫn tiếp tục ưu tiên lúa thuần với khoảng 60% diện tích được gieo cấy trong tổng số 78.000ha toàn tỉnh, trong đó giống Bắc thơm chiếm 80%"- ông Điền cho biết thêm.

Tại Hưng Yên, về cơ cấu trà vụ, phấn đấu gieo cấy nhóm lúa thuần chiếm 75% diện tích, lúa lai 25% diện tích. Trong kế hoạch thực hiện dự án giống lúa, toàn tỉnh phấn đấu sản xuất 250ha giống lúa tại 23 xã của 9 huyện, khảo nghiệm cơ bản diện tích 3.000m2, khảo nghiệm rộng 20ha, trình diễn giống mới 30ha, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới 5ha, chọn lọc giống nếp Yên Mỹ 2ha. Được biết, Hưng Yên có kế hoạch gieo cấy 40.100ha, phấn đấu năng suất đạt 67 tạ/ha, đạt sản lượng hơn 268.000 tấn.

Khó tránh hạn cuối vụ

Ngày 1-2, tất cả các tỉnh miền Bắc tập trung lấy nước đổ ải ngày đầu tiên của đợt 2 (bắt đầu từ 5 giờ ngày 1-2 đến 18 giờ ngày 9-2). Theo ông Đặng Duy Hiển - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý công trình (Tổng cục Thủy lợi) tính đến chiều qua, toàn tuyến sông Hồng đảm bảo đủ điều kiện để các trạm bơm hoạt động lấy nước và trữ nước vào đồng. Nhiều địa phương tích cực lấy nước như Hải Dương, Hải Phòng, Ninh Bình…

Riêng Nam Định, theo báo cáo mới nhất của Sở NNPTNT, kết hợp với triều cường nên ngay từ đợt xả nước đầu tiên, 100% diện tích đất đã có nước. Tuy nhiên, một số địa phương như Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh… lượng nước lấy chưa được nhiều.

Theo ông Nguyễn Văn Vương - Phó phòng Cây lương thực (Cục Trồng trọt), vụ đông xuân 2011-2012, dự tính diện tích trà xuân muộn chiếm khoảng 93%. Các địa phương sẽ gieo cấy xong trong tháng 2 chậm nhất là sang đầu tháng 3.

Ông Hiển cho biết: Cả vụ đông xuân năm nay, hầu hết miền Bắc có nguồn nước thuận lợi. Một số tỉnh như Bắc Giang, Bắc Kạn do hồ chứa nhỏ, lượng nước trữ được ít nên khó có thể tránh khỏi hạn hán cuối vụ.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn T.Ư, vào các tháng cuối mùa cạn, tháng 3, 4.2012 tổng lượng nước sẽ thiếu hụt khoảng 20-25%. Tình trạng khó khăn trong giao thông đường thủy, cấp nước và phát điện sẽ căng thẳng trong các tháng cuối vụ. Lưu lượng dòng chảy toàn mùa hạ lưu sông Hồng và sông Thái Bình có khả năng nhỏ hơn trung bình nhiều năm khoảng 15-25%, ở thượng lưu nhỏ hơn 20-25%.

Ông Đặng Duy Hiển, cho rằng, để chủ động nguồn nước, ngành nông nghiệp cần phối hợp với ngành điện trong vận hành các hồ thủy điện Sơn La, Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang để có kế hoạch vận hành tổng hợp, hỗ trợ nước tưới cho vùng hạ du. Riêng ở khu vực Bắc Trung Bộ cần coi trọng an toàn công trình, đặc biệt là các hồ chứa nước.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem