Vụ lúa lép hạt: Chưa đủ cơ sở để buộc đền bù!

Thứ bảy, ngày 25/05/2013 07:01 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Sự việc lúa BC15 bị lép hạt phải nói là có cả nguyên nhân thời tiết và giống. Nhưng, trước mắt chưa có đủ cơ sở để buộc doanh nghiệp phải đền bù cho nông dân...
Bình luận 0

Là người trực tiếp công nhận giống quốc gia cho giống lúa BC15, trao đổi với NTNN, ông Nguyễn Trí Ngọc- nguyên Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NNPTNT cho biết: Sự việc lúa BC15 bị lép hạt phải nói là có cả nguyên nhân thời tiết và giống. Nhưng, trước mắt chưa có đủ cơ sở để buộc doanh nghiệp phải đền bù cho nông dân...

Từng làm Cục trưởng Cục Trồng trọt nhiều năm, ông đánh giá như thế nào về nguyên nhân dẫn tới hơn 16.000ha lúa BC15 bị lép hạt?

img
Nông dân có lúa bị lép hạt đang ngóng chờ được đền bù hoặc hỗ trợ (ảnh chụp tại Nghệ An chiều 24.5)

- Bây giờ, chúng ta cần phải phân tích hết sức khách quan, rõ ràng về sự việc này, bởi đây là sự việc ngoài mong muốn của tất cả mọi người, nhất là đối với người nông dân. Về giống BC15, phải thừa nhận đây là giống tốt với 3 ưu điểm nổi bật là: Năng suất cao, chất lượng gạo tốt và tính thích ứng rộng. Tuy nhiên, giống cũng có 3 nhược điểm, đó là tính chịu rét kém, dễ nhiễm bệnh đạo ôn và mẫn cảm với thời tiết.

Trong công văn vừa gửi các cơ quan báo chí, Tổng Công ty Giống cây trồng Thái Bình (TSC) cho biết: Để giúp nông dân kịp thời khôi phục sản xuất, chúng tôi đã quyết định hỗ trợ hai tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa 500 tấn giống BC15. Hiện TSC đang cử cán bộ về các địa phương khác để triển khai việc hỗ trợ.

Việt Tùng

Phân tích cụ thể, có thể thấy BC15 được chọn lọc từ giống IR 17494 là giống chịu rét kém nhất, có năm bị chết tới 90- 95% diện tích. Hơn nữa, trong vụ đông xuân năm nay, thời tiết lại có diễn biến bất lợi là tháng 1, 2, 3 thì ấm, nên đã rút ngắn thời gian sinh trưởng dẫn tới trỗ sớm hơn vào đúng đợt rét, làm cho lúa không có phấn để kết hạt được.

Mặc dù Cục Trồng trọt có nói là do thời tiết, song vẫn có nhiều ý kiến kể cả từ các nhà khoa học và chính các địa phương khẳng định do chất lượng của giống. Vậy tại sao chúng ta không xem xét đến nguyên nhân thứ 2, mà cứ khẳng định thẳng do thời tiết?

- Đúng như vậy, nói khách quan ra thì cũng có nguyên nhân do giống kém chịu rét, nên khi gặp lạnh đã không kết hạt được, đó là đặc tính của giống. Trong trường hợp này, chúng ta phải xem nguyên nhân nào là chủ yếu, nhiều hơn. Theo tôi, cả hai nguyên nhân đều sêm sêm như nhau.

Còn tại sao Vĩnh Phúc họ nói nguyên nhân do chất lượng giống, thì cái đó cần phải tiến hành hậu kiểm và muốn biết chất lượng giống ra sao, chúng ta có thể lấy số giống còn lại để gieo cấy, khảo nghiệm tiếp trong vụ hè thu và mùa tới. Ngay cả không có ý kiến của Vĩnh Phúc, theo tôi dứt khoát vẫn cần tiến hành hậu kiểm chất lượng giống lần này.

Hà Nội cũng có 1.000ha lúa lép

Ông Nguyễn Văn Toàn - Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất (Hà Nội) cho biết: Vụ đông xuân 2012-2013, địa phương gieo cấy khoảng 2.000ha lúa BC15 ở tất cả các xã, thị trấn trong huyện. Theo thống kê sơ bộ, tính đến thời điểm này, đã có ít nhất 50% diện tích (tương ứng 1.000ha) bị lép hạt ở các mức độ khác nhau. Như vậy, Hà Nội là địa phương mới nhất có thiệt hại do lúa BC15 lép hạt, và như vậy tổng số diện tích gieo cấy giống lúa này bị thiệt hại đã lên tới 17.000ha.

Trong trường hợp nếu do chất lượng giống, thì lúc đó về phía doanh nghiệp phải đền bù cho nông dân. Theo ông, trong trường hợp này, người nông dân có được đền bù?

- Như tôi đã nói ở trên, ở đây do có cả nguyên nhân thời tiết và đặc tính của giống, nên dù nói thế nào, phía công ty cũng phải có trách nhiệm với người nông dân. Còn trong thời điểm trước mắt này, vẫn chưa có đủ cơ sở để bắt công ty đền bù cho dân được, vì nguyên nhân được xác định chủ yếu là do thời tiết và đặc tính của giống. Trong trường hợp sau khi có kết quả hậu kiểm và khảo nghiệm, có nguyên nhân do chất lượng giống, thì dứt khoát doanh nghiệp phải đền bù. Bởi cũng không loại trừ trong hơn 3.000 tấn giống mà công ty cung cấp, cũng có những lô giống kém chất lượng.

Có ý kiến cho rằng, nếu hỗ trợ bằng giống thì rất có thể bà con nông dân sẽ tiếp tục chịu thiệt hại, mà cần hỗ trợ bằng tiền. Theo ông, nên hỗ trợ theo cách nào và nếu vận dụng hết các chính sách hiện hành, người nông dân sẽ được hỗ trợ bao nhiêu?

- Điều quan trọng nhất lúc này là cần nhanh chóng giải quyết, khắc phục hậu quả và giúp bà con nhanh chóng chuẩn bị sản xuất vụ hè thu, vụ mùa tới, bởi thời vụ đang đến gần, chúng ta không thể chờ. Còn về cách hỗ trợ, cũng có thể hỗ trợ bằng giống, nhưng cũng có thể hỗ trợ bằng tiền, bởi nếu bà con nông dân họ không thích cấy giống BC15 nữa thì không thể ép họ được.

Còn nếu vận dụng hết các chính sách theo Nghị định 42, rồi Quyết định 142, theo tôi cùng lắm người nông dân cũng chỉ được hỗ trợ 20-25% thiệt hại, nên trong thời điểm này đang rất cần sự chia sẻ cả từ phía Nhà nước, doanh nghiệp và chính những người nông dân.

Có ý kiến rằng sản xuất hạt giống là ngành siêu lợi nhuận, nên phía công ty sản xuất giống BC15 đã quá vội vàng khi thúc đẩy mở rộng diện tích gieo trồng, dẫn tới hậu quả này?

- Đúng là giống BC15 đã được mở rộng ra nhanh quá, dẫn tới việc khó kiểm soát được. Đã có nhiều năm chỉ đạo sản xuất, đây là lần đầu tiên tôi mới thấy diện tích lúa bị thiệt hại lớn như thế này và diện tích bị thiệt hại trên một bộ giống lên tới hơn 10%, chứ không phải chỉ có 0,5% như doanh nghiệp nói. Đây tuy là một tai nạn của người làm giống, nhưng cũng là một bài học hết sức đau xót.

Đáng lẽ, trong chỉ đạo sản xuất, chúng ta dứt khoát phải cơ cấu, bố trí 2-3 bộ giống/vụ, chứ không nên chỉ bố trí 1 giống duy nhất. Một điều nữa cần lưu ý, là về thời vụ, các địa phương cần chỉ đạo sản xuất đúng lịch, sao cho lúa trỗ từ ngày 5 đến 10.5 là an toàn nhất.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem