Vụ lùi xe trên cao tốc: Đặt tiền bảo lĩnh, lái xe container có được tại ngoại?

Xuân Lực Thứ năm, ngày 27/12/2018 15:55 PM (GMT+7)
Nhiều bạn đọc thắc mắc, trong trường hợp nào các bị can đang bị tạm giam như tài xế container Lê Ngọc Hoàng sẽ được tại ngoại.
Bình luận 0

Vừa qua, trả lời luật sư Giang Hồng Thanh (Văn phòng Luật sư Giang Thanh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) về kiến nghị cho thân chủ của ông là tài xế Lê Ngọc Hoàng (người điều khiển xe container đâm xe Innova đi lùi trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên) được tại ngoại, CSĐT Công an thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên cho biết, đã ra Lệnh tạm giam 120 ngày (4 tháng) đối với Lê Ngọc Hoàng.

Theo CSĐT Công an thị xã Phổ Yên, việc tạm giam bị can Hoàng là đúng quy định. Do tính chất vụ án phức tạp, việc tạm giam bị can Lê Ngọc Hoàng là cần thiết. Do vậy, Cơ quan CSĐT Công an thị xã Phổ Yên chưa thay đổi biện pháp ngăn chặn với bị can Hoàng.

img

Tài xế Lê Ngọc Hoàng tại tòa

Liên quan tới vụ án trên, nhiều bạn đọc thắc mắc, trong trường hợp nào các bị can đang bị tạm giam như tài xế Lê Ngọc Hoàng sẽ được thay đổi biện pháp ngăn chặn, cho tại ngoại.

2 giải pháp để bị cáo được xem xét cho tại ngoại

Trao đổi với PV, luật sư Hà Huy Phong (Giám đốc Công ty luật Inteco) cho biết, tại ngoại là cách hiểu thông thường là đối tượng đang bị điều tra trong một vụ án hình sự nhưng không bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng biện pháp tạm giam. Tuy nhiên, điều kiện tại ngoại đối với bị can, bị cáo không được pháp luật quy định cụ thể.

“Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành chỉ quy định không áp dụng biện pháp tạm giam với các trường hợp như bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, là người già yếu, người bị bệnh nặng mà có nơi cư trú và lý lịch rõ ràng”, luật sư Phong cho biết.

Chung quan điểm với luật sư Phong, luật sư Lê Văn Kiên, Trưởng Văn phòng luật sư Ánh sáng Công lý cho biết, trong quá trình xét xử, bị can để được tại ngoại, bị can bị cáo phải được bảo lĩnh.

Theo các luật sư, Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 nêu rõ bảo lĩnh là biện pháp ngăn chặn thay thế tạm giam. Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi và nhân thân của bị can, bị cáo, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định cho họ được bảo lĩnh.

Cơ quan, tổ chức có thể nhận bảo lĩnh cho bị can, bị cáo là người của cơ quan, tổ chức mình. Cơ quan, tổ chức nhận bảo lĩnh phải có giấy cam đoan và có xác nhận của người đứng đầu cơ quan, tổ chức.

Với cá nhân đứng ra bảo lĩnh phải đủ 18 tuổi trở lên, có nhân thân tốt, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, thu nhập ổn định và có điều kiện quản lý người được bảo lĩnh thì có thể nhận bảo lĩnh cho bị can, bị cáo là người thân thích của họ và trong trường hợp này thì ít nhất phải có 2 người.

Cá nhân nhận bảo lĩnh phải làm giấy cam đoan có xác nhận của chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập.

Ngoài ra, Bộ Luật Tố tụng hình sự cũng có quy định “đặt tiền để bảo đảm”, tức là bị can, bị cáo hoặc người thân của họ có thể đặt tiền cho cơ quan Nhà nước để bị can, bị cáo được tại ngoại.

“Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, nhân thân, tình trạng tài sản của bị can, bị cáo, cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án sẽ quyết định cho bị can, bị cáo hoặc người thân thích của họ đặt tiền để bảo đảm”, luật sư Kiên nói.

img

Hiện trường vụ tai nạn

Điều kiện để được bảo lĩnh, đặt tiền để bảo lĩnh

Luật sư Phong và luật sư Kiên cho biết, theo quy định, để được xem xét “bảo lĩnh”, “đặt tiền để bảo lĩnh”, bị cáo, bị can phải cam đoan thực hiện các nghĩa vụ sau:

Có mặt theo giấy triệu tập, trừ trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan;

Không bỏ trốn hoặc tiếp tục phạm tội; Không mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật;

Không tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án;

Không đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm và người thân thích của những người này.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân nhận “bảo lĩnh”, “đặt tiền để bảo lĩnh” cũng phải cam đoan không để bị can, bị cáo vi phạm các nghĩa vụ trên.

“Trường hợp bị can, bị cáo vi phạm nghĩa vụ cam đoan quy định tại khoản này thì bị tạm giam, khoản tiền đặt bảo lĩnh sẽ bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước”, luật sư Kiên nói.

Về việc kiến nghị thay đổi biện pháp ngăn chặn, cho tài xế Lê Ngọc Hoàng tại ngoại, luật sư Kiên và luật sư Phong cho rằng, quyết định tiếp tục tạm giam tài xế Hoàng hay không tùy thuộc vào đánh giá của cơ quan điều tra. Nếu họ cho rằng gia đoạn này, việc tạm giam bị can là cần thiết cho quá trình điều tra, giải quyết vụ án thì ra lệnh tạm giam.

Tuy nhiêh, nếu tài xế Hoàng có nhân thân tốt, có nơi cứ trú ổn định, có người thân như vợ, mẹ đẻ đứng ra bảo lĩnh hoặc đặt tiền để bảo lĩnh cho tại ngoại và cam kết thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ theo quy định, tích cực phối hợp giúp cơ quan điều tra giải quyết vụ án thì cơ quan có thẩm quyền có thể xem xét giải quyết cho tài xế này tại ngoại.

Vụ lùi xe trên cao tốc: Cơ quan điều tra nêu lý do tiếp tục tạm giam tài xế container

Cơ quan điều tra đã trả lời luật sư Giang Hồng Thanh về kiến nghị cho tài xế lái xe container Lê Ngọc Hoàng được tại...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem