Dịch đau mắt đỏ đang lây lan nhanh, làm thế nào để phòng ngừa?

Thứ tư, ngày 23/08/2023 19:56 PM (GMT+7)
Bệnh viêm kết mạc cấp (đau mắt đỏ) thường khởi phát đột ngột, lúc đầu ở 1 mắt sau lan sang mắt bên kia. Bệnh dễ mắc, dễ lây lan trong cộng đồng và gây thành dịch.
Bình luận 0
Dịch đau mắt đỏ đang lây lan nhanh, làm thế nào để phòng ngừa? - Ảnh 1.

Bệnh viêm kết mạc cấp (đau mắt đỏ) thường khởi phát đột ngột, lúc đầu ở 1 mắt sau lan sang mắt bên kia. Bệnh dễ mắc, dễ lây lan trong cộng đồng và gây thành dịch.

Theo thông tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương, trong một tháng trở lại đây, Khoa Mắt của bệnh viện đã tiếp nhận gần 50 ca viêm kết mạc cấp. Trong số các trường hợp nhập viện, có 10 - 20% trẻ gặp biến chứng nặng như: Có giả mạc cần bóc, bị trợt giác mạc (trầy xước giác mạc).

Theo báo Đầu tư, bệnh viêm kết mạc cấp (hay còn gọi là đau mắt đỏ) là tình trạng viêm phần lòng trắng trong suốt của mắt (kết mạc nhãn cầu và mi mắt), bệnh thường xuất hiện vào mùa Xuân - Hè.

Bệnh thường khởi phát từ 3-7 ngày sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh, triệu chứng bao gồm xung huyết kết mạc (đỏ mắt), kích thích chảy nước mắt, mắt có nhiều ghèn rỉ (có thể rỉ trắng, tiết tố dính nếu bệnh do virus, hoặc có thể rỉ xanh – vàng nếu do bội nhiễm vi khuẩn). Ở trẻ nhỏ có thể đi kèm triệu chứng viêm mũi, họng, viêm đường hô hấp, sốt…

Đặc biệt, ở trẻ em, bệnh có thể xuất hiện giả mạc (là một lớp màng trắng, mỏng phủ lên trên kết mạc gây chảy máu, làm bệnh lâu khỏi hoặc có thể gây tổn thương giác mạc), viêm giác mạc chấm nông. Một số ít trường hợp có thể bội nhiễm gây biến chứng viêm loét giác mạc, làm ảnh hưởng tới thị lực lâu dài của trẻ.

Thông tin trên VTV, dịch viêm kết mạc thường do virus gây ra, 80% là Adenovirus, ngoài ra có thể gặp do các nguyên nhân khác như virus Herpes, Thủy đậu, Poxvirus… Trẻ lây bệnh qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ mắt, mũi, miệng (tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, dụi tay vào mắt, sử dụng chung đồ cá nhân với người bệnh…)

Theo các bác sĩ, bệnh thường khởi phát đột ngột, lúc đầu ở một mắt sau lan sang mắt bên kia. Bệnh rất dễ mắc, dễ lây lan trong cộng đồng và gây thành dịch.

Cho đến nay chưa có vắc-xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và những người bị đau mắt đỏ rồi vẫn có thể bị nhiễm lại chỉ sau vài tháng khỏi bệnh. Tuy là một bệnh cấp tính, triệu chứng rầm rộ, dễ lây nhưng thường lành tính, ít để lại di chứng.

Tuy nhiên, bệnh thường gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, học tập và lao động, và có không ít trường hợp bệnh kéo dài, gây biến chứng, ảnh hưởng đến thị lực sau này, cho nên mọi người cần có ý thức phòng bệnh tốt và cần được xử trí kịp thời khi mắc bệnh.

Để phòng tránh sự lây lan của bệnh, mọi người cần:

-Hạn chế dụi tay vào mắt, mũi, miệng. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và dung dịch sát khuẩn tay.

-Nếu mắt chảy nhiều nước mắt, có nhiều ghèn rỉ mắt thì sử dụng khăn giấy hoặc bông gạc y tế (sử dụng một lần) để vệ sinh, sau đó bỏ vào thùng rác có nắp đậy để tránh tạo thành nguồn lây cho gia đình và người xung quanh, sát khuẩn tay sau khi vệ sinh mắt.

-Không sử dụng kính áp tròng khi đang bị viêm kết mạc.

-Sử dụng riêng các vật dụng cá nhân như: đồ ăn – uống, chậu – khăn rửa mặt, chăn, gối ngủ.

-Đeo khẩu trang khi có các triệu chứng ho, hắt hơi…

-Vệ sinh bàn ghế, không gian sinh hoạt, vui chơi của trẻ bằng các dung dịch sát khuẩn bề mặt.

-Hạn chế tiếp xúc ở nơi đông người.

-Người bệnh, người nghi bị bệnh đau mắt đỏ cần được nghỉ học, nghỉ làm việc để tránh lây nhiễm cho người chung quanh và lây lan ra cộng đồng; đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế để tránh biến chứng nặng.


Minh Hoa (nguoiduatin.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem