Vũ Quỳnh Hương: Tôi viết ở đỉnh của niềm vui, và đáy nỗi buồn

Thứ tư, ngày 05/03/2014 13:55 PM (GMT+7)
Và học cách ứng xử trong thất bại, vượt qua những chấp niệm để hiểu rằng mọi Buông Bỏ chỉ là Kết thúc để Bắt Đầu, để dũng cảm chấp nhận, để quên đi những hố sâu mà tiếp tục Sống và Yêu - là điều mà mỗi con người hiện đại cần phải học...
Bình luận 0

Tôi viết ở đỉnh của niềm vui, và đáy nỗi buồn

Tại sao tên tập thơ lại là “Im lặng mà buông tay”. Đó có phải cách chị thường lựa chọn trong tình yêu và cuộc sống?

Tôi là một người đàn bà hoàn toàn vô thần, thế nhưng những trải nghiệm trong cuộc sống đã cho tôi thấy, quả thực mọi sự hội ngộ hay chia ly - đều cần đến một chữ "Duyên", chữ “duyên” tạo ra bởi sự chân thành và ý chí kiên định trong tình cảm, chứ không phải bởi những xô đẩy số phận sắp đặt nên. Cảm xúc và sự chân thành mất đi, thì chữ "Duyên" cũng không còn, mọi yêu thương và cơ hội sẽ tan biến đi vô nghĩa.

Vũ Quỳnh Hương từng là thành viên trẻ nhất của bút nhóm học sinh đình đám “Hương đầu mùa”.

Không chỉ được biết đến với tài năng viết văn, cô còn là nhan sắc được tôn vinh với ngôi vị Á khôi trong cuộc thi Vẻ đẹp học đường học sinh - sinh viên toàn quốc 2000.

Trước “Im lặng và buông tay”, Quỳnh Hương từng được nhiều độc giả yêu thích với hai cuốn truyện tranh “Con bò treo cửa”, “Trang trại kiến”, tập thơ “Nếu yêu thì phải nói” và tập truyện “Trái tim của Sói”…

Hiện, Vũ Quỳnh Hương đang công tác tại Báo Nông Thôn Ngày Nay - Dân Việt.

Khi mọi mối quan hệ tình cảm kết thúc, dù cho quyết định chia tay đến từ đâu – nhưng không có người thắng kẻ thua mà cả hai đều thất bại. Mỗi một người, mỗi sớm mai thức dậy, đều phải sống với cuộc chiến của riêng mình, nơi mà giá trị sống là muôn hình vạn trạng bởi những quan niệm riêng của từng người.

Duy chỉ có một điều sẽ không đổi thay trong mọi thời cuộc: Giá trị của mỗi người quyết định nhiều nhất ở cách mà người ta đối đầu với khó khăn, với thất bại, chứ không phải ở trên đỉnh của thành công. Và học cách ứng xử trong thất bại, vượt qua những chấp niệm để hiểu rằng mọi Buông Bỏ chỉ là Kết thúc để Bắt Đầu, để dũng cảm chấp nhận, để quên đi những hố sâu mà tiếp tục Sống và Yêu - là điều mà mỗi con người hiện đại cần phải học, trong suốt những tháng ngày may mắn của kiếp người.

Và đó là lý do tôi chọn cái tên ấy cho tập thơ yêu mùa mới.

Chị quan niệm: “Nếu yêu thì phải nói”, nhưng tại sao đến khi chia tay lại chọn giải pháp “Im lặng mà buông tay”?

Chữ "Nói" trong câu “Yêu thì phải Nói” không phải là những nhạt nhẽo được thể hiện bằng lời. Mà đó là toàn bộ những gì mà một con người khi Yêu phải thể hiện ra, bất kể đó là dạng thức “Yêu” nào (tình phụ tử, mẫu tử, anh chị em, bè bạn, thậm chí là tình cảm với con vật nuôi hay cây cối gieo trồng), khi có tình cảm với một đối tượng bất kỳ, cần phải có sự chăm sóc, sự hy sinh, bằng công sức, bằng tâm trí, kinh tế, sức lực... của mình vì niềm vui, sức khỏe, sự no đủ, hạnh phúc... của người đó. Chứ “Yêu” không mất gì, không vất vả gì, không đau đớn gì, tuyệt đối không hy sinh gì ... thì không có giá trị. Không chỉ là không có giá trị với người được yêu, mà còn không có giá trị với chính bản thân mình nữa.

img
Bìa của tập thơ "Im lặng mà buông tay"

Nếu hiểu “yêu thì phải nói” theo đúng khái niệm đó, sẽ thấy được sự đồng điệu với “Im lặng mà buông tay” – bởi con người tôi hoàn toàn khác những người đàn bà khác ở chỗ, chưa bao giờ nghĩ đến tình huống “nếu như được làm lại” một hành động, một quyết định hay một sự kiện nào đó trong đời.

Đơn giản là vì trong mọi việc đặc biệt là tình cảm – tôi không bao giờ bỏ qua bất cứ cơ hội nào dù là nhỏ nhất, sẵn sàng trả giá và đấu tranh đến cùng.. Cho nên, dù bánh xe thời gian có quay ngược lại bao chăng nữa – “Tôi” của tương lai cũng không bao giờ có thể làm tốt hơn “Tôi” của chính cái thời điểm ra quyết định. Khi đã tận sức, tận lòng, tận yêu – mà vẫn không thể có được hạnh phúc – thì mọi sự “buông tay” lúc đó thật sự cần được chấp nhận một cách thanh thản và không hối hận.

Tập thơ này được chị viết trong bao lâu? Và tại sao chị chọn xuất bản vào thời điểm này?

Tôi chỉ viết khi ở đỉnh của niềm vui, và đáy của nỗi buồn.

Nếu như tiểu thuyết là một công trình lao động khổ nhọc của nhà văn, thì thi ca giống như một cánh bướm thoắt bay thoắt đậu, thi hứng ập đến không báo trước và ra đi bất kể khi nào. Chính vì vậy, tôi không đếm ngày dài bao lâu khi trải lòng trong thơ, có những bài thơ được viết ra trong năm phút, nhưng cũng có những đoạn cần đến cả một đời cũng chưa xong.

Niềm vui không dễ chia sẻ, nhưng nỗi buồn luôn đồng cảm như một cơn sóng thần đi thẳng vào lòng người. Những người bạn phong trần nhất của tôi cũng phải thốt lên rằng tháng ba xứ Bắc luôn như đồng lõa, như xô đẩy người với người đến gần nhau hơn, trong tiết mưa bụi, hoa sưa và Hà Nội buồn như một người con gái đan áo. Còn lúc nào để chia sẻ với nhau những đồng cảm thi ca và suy nghĩ về cuộc đời nữa, nếu không phải là lúc này.

img

Tuy nhiên, có thể thấy thi ca bây giờ không còn được công chúng đón nhận như xưa. Hiếm có người đặt một tập thơ gối đầu giường, hay là đi ra nhà sách để mua một tác phẩm mới. Chị có nghĩ đời sống thi ca đang xuống cấp?

Khoa học công nghệ bùng nổ khiến người ta có thể có cả thế giới trong chỉ một chiếc điện thoại di động, số lượng thông tin khiến con người có quá nhiều lựa chọn và không còn tập trung như trước, đó là xu thế tất yếu.

Tuy nhiên, sách không bán được nhiều không có nghĩa là người ta không còn quan tâm. Điều đó được chứng minh bằng sự phát triển mạnh mẽ của các diễn đàn, hoặc số lượng đông đảo người tham gia trong ngày thơ Việt Nam hàng năm. Việc “phát hành mạng” khiến những tâm hồn thi ca có thể nhanh chóng nhận được phản hồi của hàng trăm bạn đọc chỉ trong một buổi, đó là điều trước đây không bao giờ có thể có.

Việc còn lại là bảo vệ chất xám như thế nào, để những giá trị tâm hồn được duy trì và lưu trữ.

Nỗi đau đến tận cùng sẽ mở cửa cho hạnh phúc

Đọc tập thơ của chị, có thể thấy trong đó là một khát khao yêu thương cháy bỏng: “Để em yêu anh đi, để em tin anh đi... để em cháy miên man như em hằng khát khao như thế! để em nói thật những điều đã từng làm em rơi lệ... bởi sóng xô nào chẳng có bên lở bên bồi...”. Một người phụ nữ yêu thương nhiều như thế, chắc hẳn cũng đau đớn hay hụt hẫng nhiều?

Cuộc đời là một chuỗi hình Sin.

Dám chắc rằng nếu đong đếm Định Lượng, số lần tôi tan nát vì đàn ông đủ cho những người đàn bà trong cùng hoàn cảnh đã phải thu mình trong vỏ ốc, xây thành lũy đề phòng và đêm đêm viết câu chuyện cảnh giác, hòng đạt đến cảnh giới để không ai có thể làm tổn thương mình, bởi những đau đớn đó là những cảm giác nhiều khi tưởng không thể chịu đựng nổi.

Nhưng tôi lại cho rằng – ngay cả nỗi đau – cũng là một sự ân hưởng. Bởi thứ mà tạo hóa ban tặng và giúp cho con người nhận biết mình khác với những sinh vật khác – chính là cảm xúc, dù là cảm xúc yêu thương hạnh phúc hay hụt hẫng thất vọng.

Chính thế, nên mặc kệ mọi hẫng hụt, tôi vẫn thấy đàn ông đáng yêu, và tin rằng đâu đó trong đời vẫn có một người đàn ông đáng tin cậy đang chờ ở đâu đó. Khi nỗi đau đến tận cùng sẽ là cửa mở cho hạnh phúc.

img

Trước kia, chị viết tiểu thuyết “Trái tim của Sói”, còn giờ đây trong thơ, chị cũng có “Khúc hoang ca của Sói”. Dường như hình tượng Sói cao ngạo nhưng cô độc quá ám ảnh chị?

Tôi vẫn cho rằng, đức tính đáng khâm phục nhất sự kiên định và chịu đựng. Trong thiên nhiên, những con thú bị thương thường tìm có xu hướng trốn vào các góc khuất để tự kiếm thuốc chữa lành vết thương một mình, điều này cũng xuất hiện trong tập tính của loài sống bầy đàn như sói. Tư duy đó cũng ám ảnh tôi trong rất nhiều quyết định của đời sống hàng ngày. Vui vẻ thì tìm đến đám đông, cô đơn hoặc thất bại không oán thán, không bi lụy hay thể hiện ra ngoài.

Tuy nhiên, dù có cô độc đến mấy Sói vẫn là động vật sống bầy đàn, cũng như tôi – nhiều lần vùi mình vào trong nỗi cô đơn hay che giấu thất bại tìm cách tự giải quyết đều không ra khỏi được tấm lưới của tình yêu thương. Với tôi, tấm lưới ấy thật sự ấm áp nhưng rất nặng nề, đó là tình yêu tuyệt đối của gia đình. Mẹ tôi đã từng nói rằng: “Nếu con thất bại, con chửa hoang, con phá sản, thất nghiệp, con gây tai nạn hay chuyện tày trời gì đi chăng nữa – mẹ muốn rằng bố mẹ phải là người đầu tiên được biết. Không được che giấu hay tìm cách tự giải quyết. Vì chúng ta là một gia đình”.

Đi suốt nửa cuộc đời, dù sẵn sàng trả giá bao nhiêu đi chăng nữa, tôi vẫn chưa bao giờ tìm thấy tình yêu ở một người đàn ông nào có thể sánh được với tình yêu tôi đã cảm nhận được từ bố mẹ. Tình yêu đầu tiên, thành trì cuối cùng…

Vậy còn tới 3 bài cùng cái tên “Mời rượu”, đó có phải vũ khí của chị những lúc chông chênh?

Cần thừa nhận là cảm giác bồng bềnh rất thú vị, tôi có thể hiểu được tại sao những người đàn ông luôn coi đó là vũ khí giải khuây của mình. Có điều, cái say đời thường và cả trong thơ của đàn ông thường nhuốm màu bế tắc, cay nghiệt, thậm chí bi lụy.

Buổi ra mắt tập thơ "Im lặng mà buông tay" - Lời tình tháng 3 - của Vũ Quỳnh Hương sẽ được tổ chức vào 14h ngày thứ năm 6.3.2014 tại 16A Lý Nam Đế, Hà Nội. Tham gia chương trình còn có sự hiện diện của Nguyệt Trà Bút và nhóm Thư pháp Hà Nội. Toàn bộ lợi nhuận của việc bán sách và chữ thư pháp sẽ được sử dụng cho mục đích từ thiện - góp phần xây trường cho trẻ nhỏ núi rừng cách mạng Than Uyên, Lai Châu. Trong buổi ra mắt này, tác giả sẽ giao lưu và ký sách cho bạn đọc.

10 quyển thơ “Im lặng mà buông tay” của tác giả Vũ Quỳnh Hương sẽ được gửi tặng cho 10 độc giả gửi mail đăng kí sớm nhất tới địa chỉ mail baodanviet@gmail.com. Trong mail nhớ ghi rõ tên, điện thoại và địa chỉ của bạn.

Nhưng cơn say đàn bà thì không giống đàn ông. Mặc dù trong nhà tôi lúc nào cũng có khoảng 700 lít rượu, đủ để say cả nghìn lần. Tôi chơi rượu, thưởng rượu chứ không uống rượu, hễ ở đâu có bí quyết ngâm rượu ngon, tôi đều cố học bằng được, thậm chí “sáng tác” nhiều loại “không có trong sách”.

Sống một mình, tôi có cuộc đời vô cùng đa dạng và phong phú với những tình cảnh, những khoảng khắc mà những người phụ nữ có đôi thường không bao giờ trải nghiệm, trong đó có cả những giây phút cùng chia sẻ với đàn ông như những người đàn ông với nhau. Thơ và rượu – là một cây cầu khá tốt để có thể trải lòng.

Bên ngoài, chị là một phụ nữ thành đạt, hiện đại, tự tin, nhưng trong thơ, dường như chị lại có phần yếu đuối, và nhiều hoài niệm. Dường như có 2 con người khác nhau trong chị, phần mạnh mẽ của chị có phải là để che giấu con người bên trong?

Tôi là người đa nhân cách. Sẽ không có gì là tiểu thuyết nếu nói không chỉ tôi mà bất cứ ai trong chúng ta đều là những người đa nhân cách. Con người trong cuộc sống hàng ngày phải đóng rất nhiều vai và mỗi vai diễn đều có những mặc định lẫn yêu cầu riêng biệt, có thể hoàn toàn trái ngược và không liên quan đến nhau, “họ” xuất hiện một cách tự nhiên khi gặp tình huống phù hợp. Điều quan trọng là sự dàn xếp giữa lý trí và xúc cảm như thế nào để bản thể thống nhất luôn có sự hài hòa.

Tôi hạnh phúc với cả con người tự tin lẫn con người yếu đuổi của mình. Vì sự tự tin mang lại cho tôi tiền, và sự yếu đuối giúp tôi cảm nhận sự vui vẻ khi tiêu tiền.

img

Phụ nữ đẹp đã đa đoan, phụ nữ đẹp viết văn chắc hẳn sẽ càng đa đoan hơn. Chị có bao giờ muốn thay đổi một điều gì đó trong tính cách của bản thân để cuộc sống của mình – có phần nào đó bình yên hơn chẳng hạn?

Bình yên là điều bất cứ người phụ nữ nào cũng ao ước. Nhưng không phải là sự bình yên giả tạo. Tính tò mò đeo bám và luôn đi đến tận cùng vấn đề dường như mang lại cho tôi nhiều rắc rối lẫn đổ vỡ hơn là yên bình. Bởi lẽ nếu biết ít hơn một chút, chịu khó “nhắm mắt” lại một chút; hẳn cuộc đời tôi đã không có muôn nghìn bước ngoặt vào những lúc bất ngờ nhất. Thế nhưng nếu phải đánh đổi giữa bình yên và sự hiểu đến tận cùng bản ngã của người mình yêu, tôi sẵn sàng trả giá.

Bởi tôi vẫn tin rằng, thơ ca – cũng như tình yêu – chỉ có thể tồn tại với những gì chân thật nhất, không một giả tạo nào có thể là nguồn sống cho tình cảm. Nhược bằng không được, nếu phải đa đoan, thì đa đoan, đã sao?!!!!

Cảm ơn chị!

Một số hình ảnh của tác giả trong tập thơ "Im lặng mà buông tay":

img

img

img

img

img


Yến Thanh (Yến Thanh)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem