Một chiếc máy bay của hãng hàng không AirAsia
Tờ Jakarta Post đưa tin, văn bản được Cơ quan Khí tượng Indonesia (BMKG) chính thức trình lên Bộ trưởng Giao thông Vận tải nước này, ông Ignatius Jonan hôm 31.12.2014 cho hay, phi công máy bay QZ8501 đã không nhận được bản dự báo thời tiết trước khi cất cánh.
Cụ thể, hãng AirAsia đã nhận được bản dự báo thời tiết của BMKG vào lúc 7 giờ sáng ngày 28.12. Tuy nhiên, chuyến bay QZ8501 khởi hành từ sân bay quốc tế Juanda tại thành phố Surabaya vào lúc 5h35 cùng ngày.
Theo cựu thanh tra Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Indonesia (KNKT) Ruth Hanna Simatupang, theo quy định, các phi công phải nhận được báo cáo thời tiết từ BMKG ít nhất 10 phút trước khi cất cánh.
"Theo quy trình tiêu chuẩn, mỗi khi phi công vạch ra kế hoạch bay, họ phải xem xét báo cáo thời tiết của BMKG. Vậy tại sao phi cơ AirAsia có thể bay mà không đọc báo cáo thời tiết từ cơ quan này?", bà Ruth Hanna Simatupang đặt nghi vấn.
Ngoài ra, bà Simatupang cũng nhận định rằng, khả năng chuyến bay QZ8501 đã cất cánh vào sáng sớm (5h30) nên phi công không nhận được thông tin thời tiết.
Bản đồ thời tiết tại thời điểm QZ8501 mất liên lạc cho thấy có một cơn giông mạnh dọc theo đường bay của máy bay này.
Về phần mình, quyết liệt bác bỏ các cáo buộc trên, Giám đốc Điều hành của AirAsia Indonesia Sunu Widyatmoko nhấn mạnh: "AirAsia Indonesia luôn xem xét và rất cẩn thận khi đánh giá báo cáo thời tiết từ BMKG trước mỗi chuyến bay".
Ông Sunu khẳng định, trạm hoạt động của BMKG tại sân bay quốc tế Soekarno-Hatta gửi báo cáo qua thư điện tử đến các trung tâm của AirAsia Indonesia 4 lần một ngày. Chúng được in ra và chuyển cho các phi công.
Trong khi đó, các phương tiện truyền thông hôm 4.1 dẫn một báo cáo của Cơ quan khí tượng Indonesia nhận định, thời tiết xấu là "yếu tố khởi phát" gây ra vụ tai nạn của chuyến bay QZ8501.
Cơ quan khí tượng Indonesia cho rằng, QZ8501 có thể đã bay vào giữa một đám mây vũ tích.
"Hiện tượng thời tiết có nhiều khả năng nhất là nhiệt độ thấp dẫn đến quá trình đóng băng trên máy bay gây hư hại đến động cơ. Đây chỉ là một trong những khả năng có thể xảy ra dựa trên những dữ liệu khí tượng hiện tại", cơ quan này cho biết.
Việc hãng hàng không AirAsia Indonesia bị tố vi phạm quy trình, không cung cấp dự báo thời tiết cho phi công được đưa ra chỉ một hai ngày sau khi Jakarta cáo buộc AirAsia vi phạm lịch trình bay khi để QZ8501 cất cánh từ Surabaya-Singapore vào hôm Chủ nhật (28.12.2014).
Theo quy định, đúng ngày xảy ra thảm kịch, lịch trình bay không hề có tên QZ8501. Chính quyền Indonesia khẳng định, hãng hàng không giá rẻ chỉ được cấp phép bay vào các thứ Hai, thứ ba, thứ Năm, thứ Bảy.
AirAsia đang phải đối mặt với nguy cơ bị thu hồi giấy phép hoạt động tại Indonesia khi Jakarta tuyên bố sẽ mở cuộc điều tra tất cả lịch bay của hãng hàng không giá rẻ này từ ngày 5.1.
Trong khi đó, hôm nay, ngày thứ 9 sau khi QZ8501 gặp nạn, lãnh đạo Cơ quan Tìm kiếm - Cứu nạn Quốc gia Indonesia cho biết, mọi nỗ lực tìm kiếm sẽ tập trung vào việc định vị đuôi máy bay - nơi chứa hộp đen do khả năng thân máy bay đã bị vỡ.
Dự kiến hôm nay khi trời ngớt mưa, điều kiện thời tiết khả quan hơn, thủy phi cơ BE-200 của Nga sẽ trở lại khu vực tìm kiếm. Các thợ lặn Nga sẽ lặn sâu xuống đáy biển, nơi 5 mảnh vỡ lớn của máy bay Airbus 320-200 được tìm thấy (mảnh vỡ thứ 5 có kích thước 9,8m x 1,1m x 0,4m).
Hiện năm tàu thủy có năng lực định vị hộp đen đã có mặt tại 5 khu vực tìm kiếm.
Hôm qua, Tàu đổ bộ RSS Persistence, tàu phá mìn RSS Kallang, tàu cứu hộ và hỗ trợ dưới nước MV Swift Rescue và tàu hộ tống RSS Valour của Hải quân Singapore được triển khai ở khu vực tìm kiếm, trục vớt được một thi thể người, một bè cứu sinh (kích thước 6m x 3m), một áo phao người lớn và 3 đồ vật cá nhân. Máy bay trực thăng Super Puma của Singapore đã đưa thi thể và các đồ vật tới sân bay Pangkalan Bun của Indonesia.
Còn tàu khu trục Mỹ USS Sampson ngày 4.1 cũng vớt được 3 thi thể, nâng tổng số nạn nhân đã được trục vớt lên 34 thi thể.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.