“Vua mía đường” Đặng Văn Thành nói về chiến lược của TTC trước "bão" ATIGA?

03/07/2019 09:21 GMT+7
“Vua mía đường” Đặng Văn Thành đã có những giải thích về chiến lược phát triển của Tập đoàn Thành Thành Công (TTC) trong thời gian qua, xoay quanh việc thoái vốn mảng giáo dục, tái cơ cấu một số nhà máy nhỏ, kể cả những chuẩn bị để ứng phó với “cuộc chơi” ATIGA đang đến gần…

Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thành Thành Công (Ảnh: Quốc Hải)

Theo ông Đặng Văn Thành, chu kỳ của ngành mía đường từ 2016 - 2017, 2017 - 2018 và 2018 - 2019 đang có chiều hướng xuống, niên độ 2019 - 2020 thì có chiều hướng thiếu, thế giới có thể thiếu khoảng gần 4 triệu tấn đường.

“Theo tôi, đây là chu kỳ của ngành mía đường. Đối với Tổng công ty mía đường của TTC, chúng tôi chuẩn bị khá kỹ về vấn đề hội nhập cũng như ứng phó với những thách thức ngành mía đường, ngoài việc chuyển một số nhà máy đường nhỏ sang Organic, tạo thêm thị trường xuất khẩu, cũng như cơ cấu lại vùng nguyên liệu cho thật chuẩn”, ông Thành khẳng định.

Trong hướng đi của TTC là nâng thị phần lên 50%, vậy công ty có giải pháp gì để thực hiện hóa mục tiêu này?

- Thứ nhất, chúng tôi đang tập trung cho các sản phẩm tương đồi đặc thù của Việt Nam và nhu cầu của thế giới như là đường phèn, đường nâu… và một số sản phẩm đặc trưng của TTC để tham gia xuất khẩu, nâng thị phần lên 50% của TTC hiện hữu bây giờ. Đặc biệt là với sản phẩm đường Organic, hiện nay, chúng tôi có Công ty ED&F Man Sugar (Anh) bao tiêu hết, rất thuận lợi.

Hiện tại, nhiều nước trong khu vực có ngành mía đường phát triển đang hướng đến sản xuất Ethanol từ nguyên liệu mía, TTC có chiến lược gì ở mảng này?

- Ethanol thì thực sự TTC mới lên kế hoạch sau năm 2020 mới xây dựng lại, nguyên nhân là ở Việt Nam hiện nay mảng này cũng chưa thuận lợi lắm. Nhiều quốc gia khác thì cân đối giữa đường và Ethanol, nếu đường xuống thấp quá thì họ chuyển qua sản xuất Ethanol và ngược lại, chẳng hạn như Brazil thì họ chuyển liên tục giữa hai mảng, mình thì chưa. Hơn nữa, có thể niên độ sau khả năng sẽ thiếu đường, do biến đổi khí hậu, chưa kể 3 năm khó khăn của ngành mía đường vừa qua, nông dân đã chuyển đổi giống cây trồng nên càng khó khăn hơn về vùng nguyên liệu cho sản xuất đường.

Ở mảng sản xuất điện từ bã mía, TTC hiện có quy mô thế nào? DN liệu có đầu tư mạnh cho mảng này không, thưa ông?

- TTC hiện nay sản xuất khoảng 160 Megawatt (MW) điện từ nguyên liệu bã mía của các nhà máy đang sở hữu, nhưng hiện nay TTC chưa tính đến việc nâng công suất điện, vì nếu tăng thì phải tăng công suất nhà máy vì nó còn liên quan đến bã mía nữa.

Thời gian qua, thông tin trên thị trường đánh giá rằng, việc TTC đóng cửa một số nhà máy đường là vì khó xây dựng cánh đồng lớn cho mía, ông chia sẻ gì về vấn đề này?

- Chúng tôi không đóng cửa nhà máy, thực tế chỉ là cơ cấu lại theo hướng tạm dừng sản xuất để chuyển sang sản xuất đường Oganic, tất nhiên chỉ là ở những nhà máy nhỏ.

Về vấn đề xây dựng cánh đồng lớn, tất nhiên, đây cũng là một thách thức của ngành mía đường. Tuy nhiên với TTC thì cánh đồng lớn chúng tôi vẫn đang xây dựng chứ, hiện nay TTC đang làm rất tốt. Chúng tôi đang thành công ở Gia Lai khi thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Tiến (huyện Ia Pa), theo đó người trồng mía khi tham gia vào hợp tác xã sẽ được bao tiêu sản phẩm đầu ra ổn định, hưởng nhiều chính sách ưu đãi của Nhà nước. Ngoài ra, các hộ còn được đào tạo, cập nhật kỹ thuật canh tác mía tiến bộ và các dịch vụ cơ giới hóa từ lúc trồng cho đến thu hoạch, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... với chi phí ưu đãi nhất. Tất cả những việc này đều được TTC Gia Lai chú trọng và hướng vào lợi ích của người dân, góp phần giải quyết những khó khăn của người trồng mía.

Về nguyên nhân khiến cho việc xây dựng cánh đồng lớn gặp khó, theo tôi ở đây không những là câu chuyện chính sách, mà còn là vấn đề lao động phổ thông nữa. Cụ thể, vấn đề hạn điền là nguyên nhân khiến cho việc cơ giới, cũng như thiết kế đồng ruộng ở những cánh đồng lớn gặp khó khăn, bởi vì ngay cả chuyện lao động đi đốn mía hàng ngày cũng không còn do họ chuyển sang khu công nghiệp hết.

Còn việc xây dựng cánh đồng lớn ở Tây Ninh thì sao, thưa ông?

- Ở Tây Ninh thì chúng tôi rất thuận lợi, đã có những cánh đồng lớn rồi, 1.000ha, 500 ha, 100 ha… Riêng ở miền Tây thì cũng khá nhiều thách thức, tất nhiên là khó chứ không phải không làm được, nếu quyết tâm là làm được.

Mới đây nhất, Navis Capital Partners, quỹ đầu tư có trụ sở tại Malaysia thông báo hoàn tất việc mua Công ty Cổ phần Giáo dục Thành Thành Công (TTC Edu, TTCE) thuộc TTC, ông có thể cho biết tại sao TTC lại quyết định bán mảng kinh doanh này?

- Nói bán thì cũng không đúng, chúng tôi chuyển sang cho anh em họ chuyên nghiệp họ làm, mình chỉ đứng đằng sau, làm thành viên. Tất nhiên mình để họ chi phối, sau một thời gian thì có thể sẽ củng cố lại…

Xin cảm ơn ông!

 
 
 
(Dân Việt)
Cùng chuyên mục