Vừa phát triển, thị trường bất động sản Thanh Hoá, Nghệ An đã có dấu hiệu sốt ảo

11/01/2020 06:00 GMT+7
Giá đất ở Thanh Hoá, Nghệ An đang bị đẩy lên cao hơn so với tiềm năng thực có, bộc lộ dấu hiệu sốt ảo khiến nhà đầu tư e ngại. Phần lớn thị trường bất động sản tỉnh lẻ đều giảm tốc trong năm 2019 do thanh tra, kiểm tra; sốt ảo và các sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai.

Tại sự kiện công bố báo cáo thị trường 2019 của Hội Môi giới Bất động sản (BĐS) Việt Nam diễn ra sáng nay tại Hà Nội, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội, cho rằng với đa số là các dự án đấu giá đất, tốc độ tiêu thụ sản phẩm ở Thanh Hoá, Nghệ An luôn ở mức cao, "ra đến đâu bán hết đến đó". Thanh Hoá, Nghệ An là 2 thị trường sôi động nhất cả nước với số lượng dự án mới tăng mạnh trong năm 2019. 

Tuy nhiên, theo ông Đính, khách mua BĐS ở 2 thị trường này chủ yếu là nhà đầu tư nhỏ lẻ, nhà đầu cơ, ít khách mua ở thực. Từ đó, giá bất động sản sau khi mua đi, bán lại bị đẩy lên cao hơn so với tiềm năng thực có, bộc lộ dấu hiệu sốt ảo. Lượng giao dịch bắt đầu chững lại trong quý cuối năm 2019 do tâm lý e ngại của người dân.

Theo báo cáo của Hội Môi giới BĐS Việt Nam, nguồn cung và giao dịch ở các thị trường BĐS tỉnh lẻ có dấu hiệu chững lại trong năm 2019 do 3 nguyên nhân, gồm quá trình rà soát, thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ quy định Pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai; tâm lý e ngại của nhà đầu tư sau các sai phạm, sự cố đất đai; dấu hiệu sốt ảo cục bộ ở một số địa phương

Tại các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang... sau các đợt thanh tra, ra soát của chính quyền địa phương, các nhà đầu tư đã cẩn trọng hơn trong việc lựa chọn đầu tư, "rót tiền" vào các sản phẩm BĐS.

Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS: Vừa phát triển, thị trường Thanh Hoá, Nghệ An đã có dấu hiệu sốt ảo - Ảnh 1.

Đầu năm 2019, Vân Đồn (Quảng Ninh) xảy ra tình trạng sốt đất ảo. Ảnh: Tuấn Tú.

Giá đất được đẩy lên quá cao, tốc độ tăng giá nhanh hơn tốc độ phát triển kinh tế và hạ tầng đô thị đã tạo giá ảo tại các thị trường mới nổi như Nghệ An, Thanh Hoá, Quảng Nam, Quảng Ngãi... 

"Hệ quả là cơ quan Nhà nước điều chỉnh thuế đất, người dân đòi tăng tiền đền bù giải phóng mặt bằng, dẫn đến sụt giảm hoạt động đầu tư phát triển đô thị; giá ảo khiến các nhà đầu tư rời khỏi thị trường, làm suy giảm phát triển kinh tế địa phương và thị trường BĐS", ông Nguyễn Văn Đính nói. 

Trong khi đó, tại Bình Định, Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng, Khánh Hoà, Đà Nẵng… nhà đầu tư bộc lộ sự e ngại sau hàng loạt những sai phạm trong quá trình cấp phép đầu tư phát triển dự án, từ các dự án ma... Điều này khiến lượng cung và giao dịch sự sụt giảm mạnh mẽ, tỷ lệ hấp thụ thấp.

Một số thị trường được dự báo là có tiềm năng trong các năm tới là khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long, các tỉnh Tây Bắc. Chẳng hạn Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng đang dành được nhiều sự quan tâm từ các nhà đầu tư bởi còn nhiều dư địa về giá. Các tỉnh Hoà Bình, Yên Bái, Sơn La gần đây cũng thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu lớn với các dự án hàng chục, hàng trăm ha, làm nền tảng cho thị trường phát triển trong 2-3 năm tới.

(Dân Việt)
Cùng chuyên mục