Quan hệ Trung Quốc - Thái Lan đang bị thử thách khi nhà vua Thái qua đời.
Khi nhà vua Thái Lan Bhumibol Adulyadej 88 tuổi lâm trọng bệnh ở Bangkok và sau đó qua đời vào ngày 13.10, nhiều chuyên gia quốc tế đặt câu hỏi về tương lai quan hệ giữa Thái Lan và Trung Quốc.
Trung Quốc là người láng giềng lớn nhất và là quốc gia trao đổi thương mại hai chiều nhiều nhất của Thái Lan. Trung Quốc cũng muốn lôi kéo sự ủng hộ của Thái Lan ở khu vực Đông Nam Á, khi mà vấn đề tranh chấp ở Biển Đông đang nổi lên.
Trong bối cảnh quan hệ hai bên vẫn có vẻ tốt đẹp, việc người dân Thái Lan phải tập trung chú ý vào sự kiện nhà vua vừa qua đời khiến nhiều người Trung Quốc lo ngại sự ủng hộ của Thái Lan sẽ bị "xao nhãng". Vua Adulyadej được xem là vị "thánh sống" của người dân Thái Lan với thời gian trị vì 70 năm, dài nhất thế giới. Lễ tang của ông sẽ kéo dài trong vòng 1 năm.
Không giống Philippines, Thái Lan không tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. Cũng không giống Indonesia nơi thường xuyên có sự xung đột của nhóm người Hoa thiểu số, cộng đồng người Trung Quốc ở Thái Lan đã hòa nhập rất tốt vào xã hội sở tại và là cầu nối quan trọng giữa hai quốc gia.
Một hoạt động trong ngày Tết Nguyên đán của người Trung Quốc ở Thái Lan
Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1975, kinh tế hai bên nở rộ vì không có tranh chấp lãnh thổ hay xung đột chính trị. Những dữ kiện sau đây cũng đủ chứng minh phần nào cho mối quan hệ như môi với răng này: khu phố người Hoa Chinatown ở Bangkok luôn lớn nhất và sầm uất nhất thế giới, đại sứ quán Trung Quốc ở Thái Lan cũng lớn nhất khu vực Đông Nam Á và số lượng đầu tư vốn trực tiếp từ Trung Quốc vào Thái Lan nhiều như nấm sau mưa trên đủ mọi lĩnh vực.
Trung Quốc coi Thái Lan là “đối tác hợp tác chiến lược toàn diện” và đặt quan hệ song phương ở mức gần như cao nhất. Những thành viên trong Hoàng tộc Thái Lan như công chúa Sirindhorn, con gái của vua Adulyadej thường xuyên ghé thăm Trung Quốc. Nhiều lãnh đạo cấp cao Trung Quốc cũng tới thăm Thái Lan, bắt đầu từ Đặng Tiểu Bình năm 1978.
Chính phủ Thái Lan cũng rất hợp tác với những yêu cầu dẫn độ công dân Trung Quốc chứ không đưa ra các quan ngại về nhân quyền hay thủ tục dai dẳng. Tháng 7.2015, Thái Lan trục xuất hơn 100 người Uygur về Tân Cương, một động thái bị cộng đồng quốc tế lên án.
Gần đây nhất, Joshua Wong, một thủ lĩnh sinh viên của phong trào “Chiếc ô màu vàng” ở Hong Kong đã bị chính quyền Bangkok cấm nhập cảnh theo yêu cầu của Bắc Kinh.
Quan hệ kinh tế
Công chúa Thái Lan thường xuyên ghé thăm Trung Quốc.
Sau khi vượt qua Nhật Bản năm 2014, Trung Quốc là nước đầu tư lớn nhất vào Thái Lan với số tiền 10 tỉ USD mỗi năm mua thực phẩm, nguyên liệu thô, sản phẩm điện tử, máy móc.
Thái Lan cũng trở thành đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc trong số 10 quốc gia thuộc ASEAN. Quan hệ thương mại hai chiều năm 2015 vượt mốc 75 tỉ USD với thặng dư 1 tỉ USD thuộc về Trung Quốc.
Nếu xét về đầu tư, sự khác biệt còn lớn hơn rất nhiều. Năm 2014, Trung Quốc đầu tư trực tiếp 370 triệu USD vào Thái Lan, gấp 6 lần con số người Thái đầu tư vào Trung Quốc. Cũng trong năm 2014, các công ty Trung Quốc kí hợp đồng trị giá 1,78 tỉ USD với các doanh nghiệp Thái Lan trong các lĩnh vực xây dựng, hợp tác lao động và tư vấn thiết kế.
Ngoài xây dựng cơ sở hạ tầng trong đó có dự án đường sắt cao tốc đang gây tranh cãi vì chi phí lớn, công ty Trung Quốc đang nhắm tới ngành công nghiệp năng lượng tái tạo ở Thái Lan. Các nhà sản xuất Trung Quốc đã chiếm tới 14% tổng các dự án năng lượng sạch ở Thái Lan.
Thái Lan cũng là điểm đến yêu thích của khách Trung Quốc. Năm 2015, hơn 7,9 triệu lượt khách Trung Quốc đã tới Thái Lan, vượt xa con số của tổng số khách du lịch từ EU.
Quan hệ quốc phòng
Tập trận quân sự cũng là hoạt động thường niên giữa hai nước.
Quan hệ quân sự giữa Thái Lan và Trung Quốc bắt đầu từ thập niên 80 khi Thái Lan trở thành quốc gia ASEAN đầu tiên mua khí tài của Trung Quốc với “giá cả hữu nghị”.
Vài năm trở lại đây, Thái Lan đang muốn xây dựng quan hệ quân sự bền chặt hơn với Trung Quốc khi quan hệ truyền thống với Mỹ có dấu hiệu nguội lạnh. Mỹ bày tỏ sự thiếu thiện chí với Thái Lan khi cuộc đảo chính diễn ra năm 2014 ở thời điểm quân đội Thái Lan nắm quyền sau hàng tháng trời người biểu tình tràn ra các phố.
Không quân Trung Quốc và Thái Lan diễn tập quân sự chung vào tháng 11.2015 và trong tháng 5 vừa qua, tàu ngầm hai bên đã diễn tập ở căn cứ hải quân lớn nhất của Thái Lan mang tên Sattahip. Khoảng 1.000 binh sĩ hai nước đã cùng tham gia buổi tập trận.
Cũng trong tháng 5, Quân đội Hoàng gia Thái Lan kí thỏa thuận mua xe tăng chủ lực VT-4 của Trung Quốc từ Tập đoàn Công nghiệp Miền bắc (Norinco). Tháng 7, Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan tuyên bố nước này sẽ mua tàu ngầm trị giá 1 tỉ USD từ Trung Quốc trong năm 2017.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.