“Vua thằn lằn” khét tiếng thế giới sa lưới

Chủ nhật, ngày 05/09/2010 06:32 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Anson Wong, người có biệt danh “Vua thằn lằn” - một tay buôn lậu động vật hoang dã khét tiếng vừa bị cảnh sát bắt giữ sau khi phát hiện gần 100 con bò sát sống trong hành lý của ông ta.
Bình luận 0

Tên buôn lậu khét tiếng thế giới

Sân bay quốc tế Malaysia hôm 26-8 vừa qua đã náo loạn khi nhân viên hải quan kiểm tra hành lý của một người đàn ông 50 tuổi, và phát hiện có đến 95 con trăn Mỹ nhiệt đới, 2 con rắn Rhinoceros viper và 1 con rùa Matamata đang bò lổm ngổm trong vali.

img
Một lô hàng của Anson Wong bị bắt giữ

Chủ nhân của số động vật quý hiếm này là tay buôn lậu khét tiếng Anson Wong, đang tìm cách đưa hàng từ Malaysia sang Indonesia. Nếu bị kết án, Wong có thể phải chịu 7 năm tù và phạt 32.000 USD cho mỗi con bò sát buôn lậu.

Tuy nhiên, điều này không làm cho Wong thấy sợ bởi nhà tù đối với hắn vốn không lạ lẫm gì. Tính đến nay, Anson Wong đã có ngót nghét hơn 30 năm hành nghề buôn lậu động vật hoang dã. Đối với Tổ chức Bảo vệ động vật hoang dã thế giới, cái tên Anson Wong gợi cho họ sự chết chóc và hủy diệt. Trang web của tổ chức này cũng đã lưu giữ một hồ sơ dài về Anson Wong và những lần hắn bị bắt giữ rồi lại được trả tự do một cách khó hiểu.

Quỹ Cứu trợ động vật quốc tế (IFAW) đã tiến hành nhiều cuộc điều tra về tình trạng buôn bán động vật hoang dã trên hàng trăm trang web. Một cuộc điều tra kéo dài ba tháng trong năm 2008 cho thấy hơn 7.000 loài đã bị đấu giá trên mạng. Ngà voi châu Phi được đấu giá nhiều nhất. Các loài chim quý hiếm, da sống của gấu Bắc Cực và báo tuyết, rượu ngâm xương hổ... cũng nằm trong danh sách những mặt hàng được giao dịch nhiều.

Năm 1998, lần đầu tiên Anson Wong bị bắt vì buôn lậu động vật, lúc đó hắn mặc chiếc quần bò mài màu xanh, áo khoác xanh nhạt bên ngoài chiếc áo phông có trang trí hình đầu một con cự đà màu trắng, bước ra khỏi chiếc máy bay số 12 của hãng Hàng không Nhật Bản tại sân bay quốc tế Mexico. Vào thời điểm đó, cái tên Anson Wong đã “nổi như cồn” trong thế giới ngầm của bọn buôn lậu động vật hoang dã.

Chờ đón hắn tại sân bay quốc tế Mexico ngày 14-8-1998 là George Morrison - Đội trưởng biệt đội săn lùng Anson Wong từ mùa thu năm 1993, thuộc Văn phòng Bảo tồn Cá và Động vật hoang dã của Mỹ. Chỉ vài giây sau khi tra tay vào còng, Anson bị các cảnh sát liên bang của Mexico đưa thẳng đến nhà tù lớn nhất của quốc gia này là Reclusorio Norte.

Việc bắt được Anson Wong là kết quả của một quá trình điều tra bí mật trong chiến dịch “tắc kè hoa” dài nửa thế kỷ của các cơ quan chức năng Australia, Canada, Mexico, New Zealand và Mỹ. Năm 1995, đặc vụ Morrison cùng cấp trên của mình thành lập doanh nghiệp bán buôn có tên Pac Rim. Không lâu sau, Anson chèo kéo Morrison mua các loài bò sát quý hiếm nhất và có giá trị nhất hành tinh như rồng Komodo, thằn lằn Tuatara, rùa lưỡi cày Madagascar…

Phải mất 5 năm và nửa triệu USD, đặc vụ Morrison mới xâm nhập được vào căn cứ địa của Anson. Sau đó, từ thỏa thuận buôn lậu mật gấu, Anson Wong mới bị bắt ở Mexico. Ngày 7-6-2001, Anson Wong bị kết án 71 tháng tù giam, trừ 34 tháng giam giữ trước đó, phạt hành chính 60.000 USD.

Tội ác tăng theo lợi nhuận

Không lâu sau khi Anson bị bắt, vợ hắn - Cheah Bing Shee - thành lập một công ty mới có tên Công ty động vật hoang dã CBS. Công ty này tiếp tục xuất khẩu động vật hoang dã sang Mỹ trong thời gian Anson ở tù, trong khi công ty chính của hắn là Sungai Rusa vẫn tiếp tục vận chuyển hàng bất kể lệnh cấm.

Sau khi ra trại từ lần bị bắt đầu tiên, Anson chuyển sang hướng mới dưới vỏ bọc là một người yêu quý động vật. Hắn bắt đầu gây giống, nuôi nhốt động vật để làm bình phong bí mật cho một trong những tập đoàn buôn lậu động vật hoang dã lớn nhất thế giới. Hoạt động giao dịch buôn bán chủ yếu thông qua hệ thống internet.

Anson Wong đã dùng các thủ đoạn tinh vi để chuyển phát nhanh các loài động vật hoang dã. Hắn đã từng gửi rồng Komodo từ Malaysia qua đường hàng không, giấu trong vali của một tên buôn lậu sừng sỏ người Mỹ có tên James Burroughs. Hắn gửi rùa Madagascar bằng cách gập chân và dùng băng dính dán chặt vào mai rùa, bọc trong bít tất đen, để ở đáy kiện hàng bò sát hợp pháp.

Bằng những mưu mẹo này, Anson buôn bán được số lượng rất lớn, nhiều nhất là rùa sao Ấn Độ. Mỗi con vật được rao bán với giá thấp nhất là 3.000 USD. Lợi nhuận cao, Anson đã không từ mọi thủ đoạn để làm giàu.

img
Tên Anson bị bắt tại sân bay Malaysia

Ngay sau khi Anson bị bắt hôm 26-8-2010, các nhà bảo vệ động vật hoang dã trên thế giới vẫn không hết lo ngại, bởi chân rết của mạng lưới buôn lậu do vợ chồng Anson thành lập vẫn đang hoạt động ở rất nhiều nước.

Theo ước tính của Tổ chức cảnh sát toàn cầu Interpol, lợi nhuận do việc buôn lậu động vật hoang dã trên toàn cầu mang lại mỗi năm từ 10 - 20 tỷ USD, trong đó Anson Wong đóng một vai trò quan trọng trong thế giới ngầm này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem