"Vua tôm" Lê Văn Quang: Thị trường đang khát tôm nhưng Minh Phú chỉ dám nhận 50 – 70% công suất

02/09/2021 11:15 GMT+7
"Vua tôm" Lê Văn Quang cho biết, hiện Minh Phú không lo không bán được hàng, chỉ lo không chế biến được. Nhu cầu đang rất lớn, đặc biệt tại thị trường Mỹ nhưng doanh nghiệp chỉ dám nhận 50-70% công suất.

Thị trường Mỹ có nhu cầu rất lớn

Tại diễn đàn trực tuyến "Tôm Việt 2021 - Giải pháp tháo gỡ ngành tôm trong điều kiện dịch bệnh COVID-19", "vua tôm" Lê Văn Quang - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú cho biết, nếu nhà máy không sản xuất được sẽ không thu mua tôm. Việc vận chuyển tôm về nhà máy cũng rất khó khăn. Tiêu thụ khó, bà con sẽ không thả tôm nuôi cho vụ sau. Từ tháng 10-12 là thời điểm có nhu cầu tôm cao trên thị trường, khi hết giãn cách xã hội thì sẽ thiếu hụt nguyên liệu nghiêm trọng.

Với những khó khăn đó, các đại biểu nhận định, nguy cơ đổ gãy chuỗi sản xuất và cung ứng ngành tôm đang hiển hiện.

Thông tin thêm về thị trường xuất khẩu, theo ông Lê Văn Quang, khách hàng muốn ký hợp đồng rất nhiều nhưng doanh nghiệp không dám ký, chỉ dám ký khoảng 50-70% công suất nhà máy. Doanh nghiệp không lo không bán được hàng, chỉ lo không chế biến được. Nhu cầu thị trường đang tăng, đặc biệt thị trường Mỹ có nhu cầu tôm cỡ lớn rất mạnh.

"Vua tôm" Lê Văn Quang: Thị trường đang khát tôm nhưng Minh Phú chỉ dám nhận chỉ dám nhận 50 – 70% công suất - Ảnh 1.

Theo ông Lê Văn Quang, khách hàng muốn ký hợp đồng rất nhiều nhưng doanh nghiệp không dám ký, chỉ dám ký khoảng 50-70% công suất nhà máy.

Theo đó, ông Lê Văn Quang cũng khuyến cáo, bà con cần nuôi để thu hoạch chậm nhất trong tháng 11, kịp chế biến bán cho thị trường châu Âu cuối năm. Thời gian chế biến 3 kg tôm lớn bằng 1kg tôm nhỏ. Do đó, bà con nên giảm mật độ nuôi, nuôi tôm cỡ lớn.

Để tránh nguy cơ đổ gãy chuỗi sản xuất và cung ứng ngành tôm, ông Lê Văn Quang kiến nghị các tỉnh cần có giải pháp giãn cách nhưng lưu thông hàng hóa thuận tiện để nhà máy thu mua thông suốt. Khi nhà máy thu mua tốt thì bà con sẽ thả nuôi. Doanh nghiệp sẽ cùng các doanh nghiệp sản xuất tôm giống có chính sách giảm giá tôm giống để hỗ trợ bà con nuôi thành công.

Tuy nhiên, ông Quang cho biết hiện nay việc vận chuyển tôm về nhà máy cũng rất khó khăn, nếu nhà máy không sản xuất được sẽ không thu mua tôm.

Tiêu thụ khó, bà con sẽ không thả tôm nuôi cho vụ sau. Đặc biệt vào tháng 10 - 12 là thời điểm có nhu cầu tôm cao trên thị trường, khi hết giãn cách xã hội thì sẽ thiếu hụt nguyên liệu nghiêm trọng.

Ông Quang kiến nghị các tỉnh cần có giải pháp giãn cách nhưng lưu thông hàng hóa thuận tiện để nhà máy thu mua thông suốt.

Khi nhà máy thu mua tốt thì bà con sẽ thả nuôi. Doanh nghiệp sẽ cùng các doanh nghiệp sản xuất tôm giống có chính sách giảm giá tôm giống để hỗ trợ bà con nuôi thành công.

Trước đó, tại ĐHCĐ thường niên CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, ông Lê Văn Quang từng nhận định giá tôm trong thời gian tới sẽ tăng mạnh do nguồn cung thiếu hụt.

Theo đó, Ấn Độ đang chịu tác động nặng nề từ dịch COVID-19 và nguồn cung dự kiến giảm 50% còn 350.000 tấn.

"Không một quốc gia nào có thể bù đắp được lượng sụt giảm này do đó nguồn cung thời gian tới sẽ thiếu hụt kéo theo giá tôm tăng liên tục từ tháng 5 đến nay", ông Quang nói.

Do đó, chiến lược của Minh Phú sẽ không vội nhận đơn hàng mà để dành cho những tháng cuối năm.

Người nuôi tôm cần tham gia trong chuỗi liên kết

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), thời gian qua mọi ưu tiên đều cho chống dịch, do đó có những khó khăn và các doanh nghiệp rất chia sẻ, nỗ lực rất lớn.

Nhưng thời gian tới, việc tiêm vaccine đã có sự bao phủ nhất định, giãn cách xã hội đã lâu nên Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tổng kết lại việc giãn cách để có ứng phó chuyên nghiệp, đầy đủ hơn, từ đó có giải pháp hợp lý hơn cho sản xuất trong thời gian tới.

Ông Trương Đình Hòe cũng cho rằng, các giải pháp như “3 tại chỗ,” “1 cung đường 2 điểm đến”… nên để doanh nghiệp lựa chọn theo tình hình địa phương, điều kiện mới. Không nên để theo hình thức bắt buộc, khiến khó khăn trong hoạt động chung, doanh nghiệp không chủ động, cũng không nâng cao được tinh thần trách nhiệm chống dịch. Làm sao xem đây là vấn đề tự nguyện và trách nhiệm của doanh nghiệp, khi họ chọn lựa thì đảm bảo các yêu cầu điều kiện, tránh mang tính chất cực đoan gây khó cho doanh nghiệp.

Theo Tổng cục Thủy sản, quy trình nuôi tôm cần phù hợp, hiệu quả trong bối cảnh ảnh hưởng của COVID-19. Người nuôi cần tham gia trong chuỗi liên kết để vượt qua khó khăn.

Địa phương tạo điều kiện thuận lợi, đẩy mạnh tổ chức thu mua tôm cho người nuôi đến giai đoạn thu hoạch. Đồng thời kêu gọi các thương lái, nhà máy chế biến thủy sản chung tay ủng hộ, tiếp tục thu mua sản phẩm thủy sản cho người dân trong giai đoạn hiện nay, không được nhân cơ hội ép giá gây thiệt hại cho người nuôi. Huy động các kho dịch vụ để chứa tôm nguyên liệu.

Ngân hàng, các tổ chức tài chính... tham gia hỗ trợ cùng nhà máy chế biến thu mua tôm nguyên liệu cho người nuôi, tạo điều kiện cho tái sản xuất. Địa phương tăng cường các biện pháp tuyên tuyền, tiếp tục duy trì sản xuất nuôi tôm nước lợ tránh xảy ra tình trạng thiếu tôm nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu vào các tháng cuối năm 2021 và năm 2022.


An Vũ
Cùng chuyên mục