Trải qua quá trình sống, sinh hoạt và lao động sản xuất, đồng bào dân tộc Thái đã tự sáng chế ra những món ăn đặc trưng của dân tộc mình để làm đa dạng phong phú văn hóa ẩm thực. Trong đó, món hạt vừng đen trộn với cơm xôi là một trong những cách ăn đặc trưng riêng có của người Thái mà ít có ở các dân tộc khác. Đối với người Thái, loại vừng đen này được coi là đặc sản hiếm có, khó tìm, bởi nó có nguồn từ thiên nhiên được bà con phát hiện, tìm ra đem về trồng làm thực phẩm để ăn.
Hạt vừng đen, đặc sản của người Thái Tây Bắc.
Với người Thái ở bản Nà Hem (xã É Tòng, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La) cũng vậy, họ coi hạt vừng đen này như một món ăn bổ dưỡng và chính tự tay họ trồng. Theo bà con nơi đây nói rằng, vừng đen có màu đen, hạt nhỏ xíu, khi ăn rất thơm ngon, béo ngậy, trong hạt chứa rất nhiều dầu, ăn khác hẳn với các loại vừng bình thường. Khi ăn chỉ cần giã ra, đem trộn với cơm xôi là có thể ăn ngay.
Chị Lò Thị Thi, ở bản Nà Hem, người từng nhiều năm gắn bó với nghề trồng loại vừng đen, cho biết: Vừng đen là một trong những loại thực phẩm được rất nhiều người Thái ở Nà Hem ưa chuộng, vì chúng ăn rất thơm ngon, béo ngậy nên hầu như nhà nào cũng trồng một ít trên nương để ăn.
Chị Lò Thị Thi đang đem sản phẩm hạt vừng đen của gia đình quảng bá với người tiêu dùng.
“Vừng đen bắt đầu trồng từ tháng 4 – và 5 đến tháng 9 – 10 thu hoạch. Loại cây này chỉ thích hợp với những vùng nào đất màu mỡ, khí hậu mát mẻ, chính vì thế mà chúng có những hương vị đặc trưng khi ăn, khác hẳn với các loại vừng bán trên thị trường, ngoài hàng quán. Vừng đen trồng ở Nà Hem rất đặc biệt, chúng được trồng chủ yếu ở những khoảng đất mới khai hoang và không sử dụng bất cứ một loại phân bón nào tác động vào cây. Từ lúc gieo hạt xuống đất đến khi thu hoạch cây phát triển tự nhiên, người dân chỉ làm sạch cỏ mà thôi”, chị Thi cho hay.
Theo chị Thi, tháng 9 – 10 dương lịch, khi đến mùa thu hoạch những cây vừng đen sẽ tự rụng lá, thân, quả khô lại. Sau đó, cây được chặt đem về đập, tách lấy hạt. Hạt vừng được cất giữ, bảo quản trong các chum vại, lọ… đặt trên gác bếp nhà sàn hoặc để nơi khô ráo, vì hạt vừng rất dễ ẩm mốc, bị hỏng. Vừng đen của người Thái có thể ăn sống trực tiếp, cũng có thể đem giã nhỏ hấp trộn với cơm xôi mà không phải chế biến cầu kỳ. Còn đối với người Thái ở Nà Hem họ dùng vừng đen trộn với cơm xôi trong các bữa ăn.
Hạt vừng đen của người Thái rất đặc trưng, ăn thơm ngon, béo ngậy khác hẳn với các loại vừng bình thường.
Đặc biệt, trong lao động bà con người Thái thường lên nương rẫy, họ bắt đầu đi nương từ sáng sớm đến chiều muộn mới trở về nhà nên người Thái thường mang theo cơm xôi trộn với vừng theo ăn trên nương. Theo họ vừng là loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng nên chỉ cần bốc bằng một nắm tay người lớn, trộn với một bát cơm xôi ăn là có thể ăn no cả ngày mà không cần ăn thêm thịt, người vẫn khỏe mạnh.
Vừng đen có giá bán trung bình ngoài thị trường từ 100.000 đồng - 130.000 đồng/kg.
Vài năm trở lại đây, vừng đen được nhiều thực khách săn tìm, chính vì thế nó đã trở thành món ăn đặc trưng của người Thái ở bản Nà Hem. Tuy nhiên loại vừng này rất hiếm, không phải mùa nào, nơi nào cũng có, hơn nữa trồng loại cây này năng suất thấp nên chủ yếu người Thái ở Nà Hem trồng mỗi nhà một ít để ăn, rất ít bán. Phải vào tận những bản vùng cao, vùng sâu, vùng xa người dân trồng mới mua được.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.