Vung tay mua rượu bia, so đo tiền sữa cho trẻ…

Thanh Hằng Chủ nhật, ngày 30/09/2018 16:50 PM (GMT+7)
Tôi thật không hiểu vì sao nhiều người lại phản đối chuyện sữa học đường với những lý do lãng xẹt, khi mà người vô tâm nhất cũng hiểu rằng điều này có lợi cho trẻ em, cho các gia đình và cho xã hội.
Bình luận 0

Bởi đây là một biện pháp hữu hiệu giúp trẻ được tăng cường các vi chất cần thiết mà đại đa số trẻ em nghèo đều thiếu trong bối cảnh tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em Việt Nam đang ở mức cao, tới 25% và còn có sự chênh lệch lớn giữa nông thôn và thành thị.

img

Sữa học đường sẽ là một biện pháp tốt khắc phục tình trạng suy dinh dưỡng, cải thiện giống nòi, trong khi các gia đình chỉ phải bỏ 50% tiền mua, còn học sinh nghèo thì được miễn phí. Mặc dù hỗ trợ 50% cho trẻ, chủ trương này vẫn nói rõ là không bắt buộc nên các phụ huynh có thể cho con uống hoặc không.

Tôi từng về các vùng nông thôn, miền núi khó khăn mà sữa với trẻ em luôn là một giấc mơ xa xỉ, khi những bữa cơm có thịt còn là sự thèm muốn dằng dặc trong đời, mới thấy được việc cho trẻ uống sữa có ý nghĩa chừng nào với trẻ nghèo.Vậy mà nhiều người (hầu hết ở đô thị lớn) phàn nàn như thể họ bị ép cho con uống sữa, nên nào là phải miễn cưỡng ký, nào là không muốn cho con uống loại sữa mà họ không biết chất lượng thế nào và rần rần phản đối như thể trẻ sắp bị đầu độc vậy.

Có báo còn giật tít than phiền rằng như vậy mỗi gia đình phải chi tối thiểu cho một đứa con cũng hơn 600.000 đồng/năm học. Rồi còn đặt câu hỏi vấn đề suy dinh dưỡng, tầm vóc và thể lực của trẻ em Việt Nam đã thực sự cần thiết hay chưa?

Đọc đến dòng này tôi thấy xót xa cho bọn trẻ khi nhớ rằng, mỗi năm Việt Nam chi tới 16.372 tỷ đồng cho rượu bia, số tiền có thể mua 1.770.000 tấn gạo, đủ để nuôi gần 21 triệu người/năm, còn nếu quy ra sữa chắc sẽ nhiều hơn.

Trong khi những người uống rượu bia ở các gia đình nghèo uống 2 cốc rượu, bia/5 ngày thì trẻ em trong các gia đình này cả năm cũng chưa được uống nổi 1 cốc sữa, dù số tiền mua rượu, bia ở các gia đình nếu chuyển sang mua sữa sẽ đủ cho trẻ em 3 ngày được uống 1 cốc sữa.

Thế nhưng không thấy ai phàn nàn về việc chi quá nhiều tiền cho thứ ma men mà ai cũng biết nó chỉ mang đến nhiều hậu hoạ, còn số tiền nhỏ hơn rất nhiều lần dành mua sữa cho trẻ thì cằn nhằn, đong đếm chi li. Mỗi tháng một cháu uống hết 70.000 đồng tiền sữa, cả năm chỉ hơn 600.000 đồng, có khi chưa đủ một bữa nhậu của nhiều phụ huynh các vị ạ!

img

Vấn đề suy dinh dưỡng ở trẻ em Việt Nam có cấp thiết hay không ư? Câu trả lời có thể trích từ một nghiên cứu của UNICEF về trẻ em Việt Nam: “Sự thiếu hụt về sức khỏe và dinh dưỡng khiến 1,9 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị còi cọc, để lại tổn thương não và thể chất vĩnh viễn”. Kết luận này cũng đã đủ cho câu trả lời vấn đề suy dinh dưỡng ở trẻ em đã cấp thiết đến mức cần hệ thống giáo dục phải vào cuộc hay chưa!

Có ý kiến còn cho rằng Bộ Y tế chưa phê duyệt sữa học đường “chuyên biệt” mà Hà Nội đã tự ý triển khai, rằng nếu cho các chất “chuyên biệt” vào sữa thì nhỡ làm sao cho trẻ ai chịu trách nhiệm? Rồi gán luôn cho ông Phó Giám đốc Sở là quảng cáo cho sữa chỉ vì giải thích “Sữa học đường là loại sữa chuyên biệt, không bán trên thị trường và được bổ sung một số vi lượng và khoáng chất cần thiết như: Sắt, canxi, vitamin A, vitamin D… bảo đảm việc phát triển chiều cao và trí tuệ của các em học sinh ở lứa tuổi mầm non và tiểu học”.

Thực ra, việc cho trẻ uống sữa lâu nay đã được nhiều trường học thực hiện sau khi Chính phủ phê duyệt chương trình “Sữa học đường” từ 2016, chứ không phải các địa phương tự phát. Cả nước cũng đã có 10 tỉnh, thành triển khai chương trình “Sữa học đường” và đến giờ Hà Nội mới triển khai rộng với tinh thần hỗ trợ 50% cho các cháu chứ đâu phải là việc bất thường. Vậy mà nhiều vị phụ huynh cứ như trên trời rơi xuống khi nghe đến chương trình này, nên cứ lo không có lợi cho trẻ?

Điều mà nhiều người băn khoăn là chất lượng sữa thì Quyết định của Thủ tướng đã “quy định về nguồn nguyên liệu, quy trình sản xuất, phân phối và sử dụng; quy định về định mức sữa phù hợp với lứa tuổi”. Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế cũng đã ban hành Quy định tạm thời đối với sản phẩm sữa tươi phục vụ chương trình Sữa học đường. Như vậy, về chủ trương không có gì phải bàn, còn chất lượng sữa các doanh nghiệp phải tuân theo quy chuẩn của Bộ Y tế, hướng đến các tiêu chuẩn của WHO, thì có gì phải “xoắn”?

Vấn đề lúc này nên quan tâm là đấu thầu “Sữa học đường” sao cho minh bạch, với tiêu chí chất lượng sữa đảm bảo đúng yêu cầu được đặt lên hàng đầu cùng với giá cả không cao hơn thị trường. 1,3 triệu học sinh sử dụng sữa tươi mỗi ngày với doanh số khoảng 4.000 tỷ đồng là điều hấp dẫn đối với doanh nghiệp, nên Hà Nội hoàn toàn có cơ hội để lựa chọn các đơn vị tham gia đấu thầu tốt nhất.

Nên để phụ huynh có cơ hội giám sát việc đấu thầu cũng như chất lượng sữa cho học sinh, như trước đây, Bệnh viện Việt Đức từng mời báo chí đến để minh bạch hóa việc đấu thầu thuốc. Các trường hoặc nơi quyết định việc chọn nhà thầu phải chịu trách nhiệm về chất lượng sữa cho các học sinh. Việc đấu thầu, quản lý, triển khai chương trình “Sữa học đường” nếu hiệu quả, thì hơn 1.000 tỷ đồng tiền ngân sách sẽ không chỉ hữu ích với trẻ em Hà Nội, mà còn có tác dụng thúc đẩy sản xuất cho các doanh nghiệp và người nông dân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem