Xã đảo nghèo, khó khăn nhất của TP.HCM đã lột xác hoàn toàn nhờ điều gì?

Trần Đáng Thứ hai, ngày 16/08/2021 19:03 PM (GMT+7)
Từ một xã nghèo, khó khăn nhất của TP.HCM, sau 10 năm làm nông thôn mới (NTM), xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ) đã lột xác hoàn toàn.
Bình luận 0

Điện, đường, trường, trạm khởi sắc

Vừa qua, xã Thạnh An được công nhận là xã đảo nhằm bảo đảm lợi ích chính đáng của người dân. Xã đảo Thạnh An được phân loại là đơn vị hành chính cấp xã loại II. Xã đảo có hệ thống chính trị và các cơ sở hạ tầng về giao thông, điện, nước, giáo dục, y tế đáp ứng nhu cầu tối thiểu của đời sống dân cư.

Nằm cách trung tâm TP.HCM 70km, trước khi xây dựng NTM, xã đảo Thạnh An không có điện. Mỗi đêm, để sinh hoạt người dân phải thắp sáng bằng đèn dầu, dùng máy phát điện hoặc điện mặt trời.

Xã đảo Thạnh An: Khởi sắc nhờ bệ phóng nông thôn mới - Ảnh 1.

Trạm y tế xã đảo Thạnh An được trang bị các thiết bị hiện đại phục vụ sức khỏe người dân. Ảnh: Trần Đáng

Xã đảo Thạnh An có diện tích 13.000ha, xung quanh được bao bọc bởi sông nước và rừng phòng hộ. Xã đảo Thạnh An gồm 3 ấp: Thạnh Hòa, Thạnh Lợi và Thiềng Liềng với hơn 1.131 hộ dân.

Tháng 4/2015, lưới điện quốc gia vượt sông ra xã đảo Thạnh An. Việc có lưới điện quốc gia chính là "bệ phóng" giúp xã đảo xây dựng các tiêu chí NTM và nâng cao mức đời sống cư dân như hiện nay. Từ khi có điện lưới quốc gia, kinh tế - xã hội của xã đảo Thạnh An phát triển mạnh mẽ. Từ năm 2018, tốc độ tăng trưởng kinh tế của xã đảo Thạnh An luôn đạt trên 13%.

Ngày nay, về xã đảo Thạnh An sẽ thấy xã ngày càng khang trang với nhà cửa, đường sá sạch đẹp, hệ thống bệnh viện, trường học phát triển vượt bậc.

Chị Hoàng Yến Phượng -người dân xã đảo Thạnh An cho biết, chính quyền các cấp rất quan tâm đến xã. Trường học được xây mới đạt chuẩn quốc gia, con em đi học đầy đủ tại xã. "Học sinh bây giờ không còn phải đi đò vào đất liền học nữa, bởi đã có trường lớp đầy đủ, cơ sở vật chất khang trang"- chị Phượng thổ lộ.

Trạm y tế xã đảo Thạnh An được trang bị nhiều máy móc, thiết bị hiện đại, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh người dân. Trạm y tế xã đảo Thạnh An được xếp vào số 28 trạm y tế biển trên cả nước nhằm mục tiêu giảm tải cho bệnh viện tuyến trên. Bác sĩ Lưu Thanh Trường (Trạm y tế xã đảo Thạnh An) cho biết, trạm có 16 phòng chức năng. Ngoài ra, trạm còn được trang bị thêm canô, xe cứu thương nhằm tăng cường công các cấp cứu.

Phấn đấu lên xã kiểu mẫu

Ông Đặng Hoàng Sơn - Phó Chủ tịch UBND xã đảo Thạnh An cho biết, trước đây, không có mấy người biết đến xã đảo Thạnh An, kể cả người dân ở TP.HCM. Còn giờ đây, bình quân hàng tuần có khoảng 700 - 800 khách du lịch đến với xã đảo. Hiện trên xã đảo có khoảng 100 phòng nghỉ dịch vụ kiểu homestay cho khách du lịch.

Vào năm 2015, xã Thạnh An đã được công nhận đạt chuẩn NTM. Khi ấy, thu nhập bình quân đầu người của xã đảo Thạnh An khoảng 14 triệu đồng/năm, nhưng đến nay đã đạt hơn 60 triệu đồng/năm.

Và từ năm 2015 đến nay, xã đang nỗ lực xây dựng xã NTM kiểu mẫu với định hướng phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập của người dân, giảm nghèo bền vững. Xã đang tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM đã đạt được. Phát động các chương trình mới, xây dựng khu xóm... hoàn thành xã kiểu mẫu vào năm 2025. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem