“Xác phàm” - một cuộc giải phẫu ý thức

Mai An Thứ năm, ngày 14/08/2014 10:28 AM (GMT+7)
Sáng 13.8, trời Hà Nội mưa tầm tã, nhưng rất đông các nhà phê bình văn học, các nhà văn, nhà thơ đã đội mưa đến với buổi ra mắt tiểu thuyết “Xác phàm” của nhà văn quân đội Nguyễn Đình Tú. 
Bình luận 0

Cuốn tiểu thuyết dày gần 300 trang này được xem như tác phẩm văn học đầu tiên về đề tài cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979, một đề tài thường được xếp vào diện “nhạy cảm”.

Chính bởi thế mà việc đưa “Xác phàm” ra mắt công chúng cũng là một quá trình hết sức vất vả, nhà văn Nguyễn Đình Tú cho biết, đáng lẽ cuốn tiểu thuyết đã ra đời sớm hơn cách đó một năm, nhưng vì nhiều vấn đề, mãi đến tháng 8 năm nay, sách mới phát hành. PGS - TS Nguyễn Thị Minh Thái cho biết: “Để có được tác phẩm này, tôi nghĩ nên cảm ơn Nhà xuất bản Trẻ bởi không phải nhà xuất bản nào cũng làm được điều đó. Chúng ta không thể né tránh đề tài về cuộc chiến tranh biên giới năm 1979, bởi vì đó là món nợ lớn với xương máu của các chiến sĩ và đồng bào. Về bản thân tôi, sau khi đọc xong cuốn sách này, tôi có thể khẳng định Nguyễn Đình Tú đã thực sự trưởng thành rất nhiều so với những tác phẩm trước đó”.

“Xác phàm” kể câu chuyện về một mối tình đồng tính của Nam và Việt, hai người con của hai liệt sĩ trong một cuộc chiến tranh. Để tìm lại bản thân mình, Nam đã sang Thái để giải phẫu thẩm mỹ, và câu chuyện kể thực sự mới bắt đầu mở ra về cuộc chiến tranh xảy ra ở thị xã Vùng Biên với bọn giặc Khợ, rất nhiều đau thương, mất mát của các chiến sĩ ở pháo đài Cảnh giác và người dân khi “những người bạn” ở bên kia biên giới trưng ra một bộ mặt tráo trở tột cùng. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đặt câu hỏi: “Tại sao không lấy tên cuốn tiểu thuyết là Pháo đài, tại sao lại là giặc Khợ, có điều gì cần phải tránh né ở đây?”.

Nhà văn Nguyễn Đình Tú trả lời: “Có khá nhiều người cũng hỏi tôi câu hỏi này, tôi xin được trả lời thẳng thắn, cuốn tiểu thuyết của tôi không phải là một cuốn hồi ký, cũng không phải là cuốn tiểu thuyết viết theo kiểu tư liệu, đó là một tác phẩm văn học và tôi muốn chọn cho nó một chỗ đứng riêng. Bởi tôi biết, sẽ đến lúc chúng ta phải nói rất nhiều về cuộc chiến tranh biên giới năm 1979, sẽ có rất nhiều những tư liệu, hồi ức được xuất bản, nếu bạn đọc cần tìm những chi tiết, địa danh, cái tên chính xác thì họ sẽ tìm ở đó, còn tôi chỉ kể câu chuyện theo hướng của tôi. Cũng có nhiều người đặt câu hỏi phải chăng “Xác phàm” bị ảnh hưởng bởi cuốn “Ma chiến hữu”, nhưng không phải, thực sự khi tiếp xúc với nhà ngoại cảm Nguyễn Ngọc Hoài và đọc cuốn sách “Một thế giới khác” của chị, tôi đã tìm được cách kể câu chuyện của “Xác phàm”.

Nhà phê bình Trịnh Sơn đánh giá: “Xác phàm” tưởng như dẫn dắt bạn đọc vào câu chuyện của giới tính, nhưng không, phạm vi độc giả đang hướng tới chỉ là thứ ánh sáng càng lúc càng sắc, càng trong. Cuộc giải phẫu chuyển đổi giới tính dẫn đến một cuộc đại giải phẫu ý thức”. Dù thế nào, để nói ra được một sự thật, nhân vật của “Xác phàm” đã phải trải qua những đau đớn về thể xác, thậm chí trả giá bằng tính mạng, điều đó ít nhiều đã gợi nên những suy nghĩ thực sự nghiêm túc khi tiếp cận với cuốn sách này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem