Xăng giả của đại gia Trịnh Sướng liên quan việc ôtô, xe máy bốc cháy?

Thành An Thứ năm, ngày 15/08/2019 16:59 PM (GMT+7)
"Đường xây xăng giả mà Công an Đắk Nông phát giác đã hoạt động nhiều năm, cung cấp xăng giả trên nhiều tỉnh phía Nam, thậm chí đã ra cả một số tỉnh phía Bắc...", Bộ trưởng Công an Tô Lâm nói.
Bình luận 0

Chiều 15/8, tại phiên trả lời chất vấn của Ủy viên Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu Bộ trưởng Công an thông tin thêm về vụ án xăng dầu tại Đắk Nông.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Công an Tô Lâm đồng tình với đánh giá Bộ trưởng Công Thương trả lời trước đó.

Theo Bộ trưởng Tô Lâm, việc sản xuất hàng giả, hàng nhái đang có những diễn biến phức tạp, thủ đoạn tinh vi, nhất là bối cảnh thương mại điện tử phát triển mạnh hiện nay đang gây nhiều khó khăn cho hoạt động quản lý, kiểm soát.

img

Bộ trưởng Công an Tô Lâm trả lời tại phiên trả lời chất vấn của Ủy viên Thường vụ Quốc hội.

"Đường dây xăng giả mà Công an Đắk Nông phát giác đã hoạt động nhiều năm, cung cấp xăng giả trên nhiều tỉnh phía Nam, thậm chí đã ra cả một số tỉnh phía Bắc. 

Vấn đề xăng giả này giải thích cho hiện tượng nhiều phương tiện đang đi bình thường mà bốc cháy xảy ra thời gian qua, vì có nhiều chất tạo cháy trong đó. Việc này cũng giúp các lực lượng có thêm kiến thức, kỹ năng để ngăn chặn các tội phạm trong lĩnh vực này", Bộ trưởng Tô Lâm nói.

Trước đó, trả lời đại biểu, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, xăng dầu là mặt hàng trọng yếu. Các lực lượng kiểm soát tại địa phương đã được yêu cầu phối hợp cùng Ban chỉ đạo 389 để kiểm tra, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm. 

Tuy nhiên, trên thực tế, ngay khi xảy ra vụ đường dây sản xuất xăng giả của đại gia Trịnh Sướng, Bộ Công Thương cho kiểm tra và phát hiện một số vấn đề.

Cụ thể, đó là việc không có sự phối hợp kịp thời hiệu quả của các lực lượng quản lý thị trường, lực lượng khoa học công nghệ với Ban 389 (ban chỉ đạo đấu tranh chống hàng nhái, hàng giả và gian lận thương mại) tại địa phương để phát hiện kịp thời những mặt hàng kém chất lượng lưu thông trên thị trường.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, với mặt hàng xăng dầu, trách nhiệm quản lý tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, về dung môi pha chế… là thuộc Bộ Khoa học Công nghệ. Còn lực lượng quản lý thị trường có trách nhiệm kiểm soát những mặt hàng lưu thông trên thị trường xem đủ điều kiện cung cấp, bán tới tay người tiêu dùng hay không.

“Do còn yếu kém, các lực lượng đã không đủ điều kiện, trình độ để kiểm nghiệm, đánh giá để phát hiện những sai phạm của các đối tượng khi đưa lượng lớn xăng giả như vậy vào thị trường”, ông Tuấn Anh nói.

Cũng theo Bộ trưởng Công Thương, trong khi chờ đợi kết luận của cơ quan công an để làm rõ trách nhiệm của các ngành cũng như chỉ rõ những lỗ hổng pháp luật, Bộ Công Thương đã chỉ đạo để chấn chỉnh kịp thời hoạt động kiểm soát chất lượng xăng dầu tại các địa phương, trong đó có các lực lượng như Sở KHCN, quản lý thị trường, Ban chỉ đạo 389 tại địa phương.

Bộ cũng yêu cầu tổ chức lại lực lượng quản lý thị trường một cách chặt chẽ, hiệu quả hơn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem