Xây dựng Nhà hát các dân tộc Việt Nam sau Nhà hát Lớn: Phá vỡ cảnh quan, tạo sự đối lập?

Hà Tùng Long Thứ bảy, ngày 27/05/2023 11:01 AM (GMT+7)
Mới đây, thông tin Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng chia sẻ bên hành lang Quốc hội về việc Bộ này đang nghiên cứu phương án xây dựng Nhà hát các dân tộc Việt Nam nhận được sự quan tâm của dư luận.
Bình luận 0

Theo chia sẻ của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng với báo chí, vị trí được lựa chọn xây dựng Nhà hát các dân tộc Việt Nam phải đáp ứng được các tiêu chí như có giá trị dấu ấn, kết nối để tạo ra một quần thể văn hoá. Căn cứ vào các tiêu chí này, Bộ đang nghiên cứu phương án xây dựng Nhà hát này ở phía sau Nhà hát Lớn. Nếu nhà hát được xây dựng ở vị trí này sẽ tạo ra dấu ấn riêng, thu hút khách du lịch và có thể giúp kinh tế của Hà Nội phát triển.

Trước đó, tháng 2/2023, Chính phủ giao Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch nghiên cứu, báo cáo về chủ trương xây dựng Nhà hát các dân tộc Việt Nam xứng tầm, hiện đại, trở thành điểm du lịch, quảng bá hình ảnh các dân tộc Việt Nam.

Xây dựng Nhà hát các dân tộc Việt Nam sau Nhà hát Lớn: Phá vỡ cảnh quan, tạo sự đối lập? - Ảnh 1.

Toàn cảnh khu vực Nhà hát Lớn Hà Nội nhìn từ trên cao. Ảnh: TL.

Trao đổi với Dân Việt về ý tưởng này của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, TS. KTS. Trương Ngọc Lân - Phó Trưởng khoa Kiến trúc và Quy hoạch (Trường Đại học Xây dựng) cho rằng: "Tôi chưa nắm được bản vẽ quy hoạch nên cũng rất khó để nói vị trí đó có phù hợp hay không về mặt quy hoạch và giao thông. Tuy nhiên, điều tôi thắc mắc là Nhà hát đó nên được hiểu là một đơn vị biểu diễn nghệ thuật như Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Chèo Hà Nội… hay Nhà hát Lớn Hà Nội là đơn vị chuyên về cung cấp địa điểm biểu diễn. Bởi cả hai thiết chế văn hóa này đều có sự khác biệt rất lớn.

Tôi cho rằng, khi xây dựng một nhà hát thì có tương đối nhiều vấn đề. Thứ nhất, nó liên quan đến mặt thẩm mỹ, liên quan đến hình ảnh của công trình. Nếu là một Nhà hát thiên về địa điểm biểu diễn và du lịch thì phải có không gian thông thoáng để tạo ra điểm nhấn cho khu vực đó. Ví dụ, Nhà hát Lớn Hà Nội được Pháp xây là nằm ở cuối con đường nên có thể khống chế được khu vực đấy.

Thứ hai, xây dựng Nhà hát cũng phải tính toán đến yếu tố giao thông, làm sao để một lưu lượng người và phương tiện giao thông ồ ạt di chuyển cùng một thời điểm, chẳng hạn như trước hoặc sau một buổi biểu diễn. Rồi các lối ngách, đường ra, đường vào… phải đảm bảo làm sao để không bị tắc nghẽn, phải di chuyển thuận lợi. Tất cả những yếu tố đó đều phải được tính toán rất kỹ".

Theo KTS. Trương Ngọc Lân, chưa chắc việc có một Nhà hát lớn hơn về quy mô, hiện đại hơn về kiến trúc ở khu vực phía sau Nhà hát Lớn Hà Nội thì sẽ tạo nên sự đối lập hoặc phá vỡ quy hoạch. Trong kiến trúc sẽ có nhiều giải pháp tốt để có thể xây dựng những công trình lớn bên cạnh di sản nhưng vẫn ổn. Ví dụ, trường hợp khách sạn Opera Hilton – ngay cạnh Nhà hát Lớn Hà Nội. Công trình này có quy mô to hơn, xây sau Nhà hát Lớn nhưng công trình có kiến trúc hợp lý.

Thứ nhất, công trình này quy mô to hơn nhưng không quá cao. Thứ hai, có khoảng cách hợp lý so với Nhà hát Lớn. Thứ ba, kiến trúc theo dạng hình hộp và lấy Nhà hát Lớn làm tâm. Và như vậy, trong thị giác, đương nhiên người ta sẽ coi Nhà hát Lớn là điểm chính và khách sạn chỉ như một yếu tố nền thôi vì nó như một đường vành khăn bao xung quanh Nhà hát. Kiến trúc này có bố cục rất rõ ràng và Nhà hát Lớn không mất đi tính nổi bật của nó. Dĩ nhiên, để làm được điều này phải có sự tính toán rất tốt về khoảng cách và bố cục.

"Việc xây dựng một Nhà hát nữa bên cạnh Nhà hát Lớn đã có sẵn, lại giống nhau về công năng sử dụng thì có cần thiết không là điều phải nghiên cứu rất kỹ. Có thể sẽ gây ra cảm giác thừa. Nhưng nếu tư duy theo hướng, đây là một quần thể công trình văn hóa thì cũng có thể tạm chấp nhận được. Tuy nhiên, theo tôi là cũng không nên lắm vì hai Nhà hát cấp quốc gia đặt cạnh nhau mà cùng một chức năng thì thực sự là có gì đó chưa hợp lý", KTS Trương Ngọc Lân nói thêm.

Nhà hát các dân tộc Việt Nam sẽ xây dựng theo biểu tượng văn hóa nào?

Tương tự, PGS.TS Phạm Quang Long – nguyên Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội cũng chia sẻ với Dân Việt: "Với tư cách là một công dân bình thường, không phải nhà nghiên cứu văn hóa hay nguyên (cựu) lãnh đạo gì cả thì tôi thấy rằng, khu vực đấy dày đặc các Nhà hát. Nhà hát Lớn ở vị trí trung tâm, phía sau là Nhà hát Kịch Việt Nam, phía trước Nhà hát Lớn là Nhà hát Kịch Hà Nội. Trước đây, người Pháp quy hoạch khu vực này thoáng hơn, bây giờ chen vào đó một Nhà hát nữa sẽ làm dày quá, làm mất đi cảnh quan.

Tôi không hiểu, xây dựng Nhà hát các dân tộc thì Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ lựa chọn phương án nào. Nhưng nếu đặt cạnh các công trình kiến trúc xung quanh sẽ không hài hòa được đâu.

Tôi cũng không hiểu là Việt Nam có 54 dân tộc thì bây giờ sẽ chọn dân tộc nào là tiểu biểu để xây dựng Nhà hát vì mỗi dân tộc đều có một quan niệm về văn hóa bên cạnh bản sắc của dân tộc đó. Nếu chọn không khéo sẽ rất dễ dẫn tới việc thiếu hài hòa, cân đối".


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem