Chưa đến 30% số xã hoàn thành
Ông Mai Nhật Tân - Trưởng phòng Quy hoạch dân cư nông thôn (Chi cục Phát triển nông thôn Hải Dương) cho biết: “Hiện Chương trình xây dựng NTM của Hải Dương đang được triển khai trên diện rộng ở tất cả 229 xã trong toàn tỉnh. Tuy nhiên, thời gian qua, tiến độ thực hiện quy hoạch chung bị chậm do không đủ đơn vị tư vấn, lại chưa có tiền lệ làm về quy hoạch NTM; hơn nữa cán bộ quy hoạch vừa thiếu, vừa yếu về năng lực”.
|
Sản xuất nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong xây dựng nông thôn mới ở Hải Dương. |
Theo tính toán, để hoàn thiện quy hoạch đối với một xã, cần phải chi khoảng 496 triệu đồng. “Với số tiền này, có thể làm quy hoạch tốt, nhưng trên thực tế một số đơn vị tư vấn vẫn làm sai, trong khi chủ đầu tư chưa có đủ kinh phí, dẫn đến quy hoạch xây dựng NTM ở Hải Dương vẫn còn chậm so với mục tiêu đề ra” - ông Tân nói. Hiện mới có 65/229 xã được UBND cấp huyện phê duyệt quy hoạch chung và 29 xã được phê duyệt quy hoạch chi tiết.
Ông Khổng Quốc Huy – Phó Trưởng phòng Quy hoạch dân cư nông thôn (Chi cục Phát triển nông thôn Hải Dương) cho biết: “Trong số 19 tiêu chí, với đặc trưng ở Hải Dương ngoài tiêu chí thu nhập của người dân, thì tiêu chí về thuỷ lợi và giao thông nông thôn là khó khăn nhất. Đến nay, Hải Dương đã có 2 xã đạt tiêu chí về thu nhập, riêng tiêu chí về thuỷ lợi chưa có xã nào đạt được”.
Dựa vào dân là chính
Mục tiêu của Hải Dương là đến năm 2015, sẽ có 58 xã, tương đương với 25% số xã đạt chuẩn NTM và đến năm 2020 sẽ có 137 xã về đích, đạt 60%. Đến tới thời điểm hiện tại, nhân dân toàn tỉnh đã đóng góp 120 tỷ đồng để xây dựng NTM. Song để đạt được mục tiêu trên, ông Phạm Văn Tỏ - Bí thư Huyện uỷ Bình Giang cho rằng: “Muốn xây dựng NTM đạt hiệu quả, cần đẩy nhanh và nâng cao chất lượng quy hoạch NTM, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật đến với nông dân để đem lại hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất nông nghiệp và tiểu, thủ công nghiệp. Bên cạnh đó, cần có mô hình điểm cụ thể về NTM để các xã khác học tập, làm theo”.
“Để hoàn thành mục tiêu có 58 xã đạt chuẩn NTM vào năm 2015, theo tôi cần có 3 giải pháp trọng tâm và cần thực hiện tốt trong giai đoạn tới là: Tuyên truyền; huy động các nguồn lực và tổ chức sản xuất”.
Ông Nguyễn Hữu Dương
Cũng như nhiều địa phương khác, khó khăn lớn nhất của Hải Dương hiện nay trong xây dựng NTM chính là vấn đề kinh phí. Theo tính toán, để xây dựng NTM, trung bình mỗi xã cần ít nhất 100 tỷ đồng, song việc huy động các nguồn lực hiện nay đang gặp rất nhiều trở ngại. Ông Nguyễn Hữu Dương- Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Hải Dương cho biết: “Doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn ở Hải Dương vẫn còn rất hạn chế, bởi lĩnh vực này lợi nhuận thấp, rủi ro cao. Ngoài ra, vấn đề tổ chức sản xuất, một số lĩnh vực xã hội và yếu tố con người để xây dựng NTM cũng còn hạn chế”.
Thanh Xuân
Vui lòng nhập nội dung bình luận.