Xây dựng nông thôn mới ở Vị Thủy: Không đặt nặng thành tích

Thứ ba, ngày 13/11/2012 06:25 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Là một xã nghèo của huyện Vị Thủy (tỉnh Hậu Giang), nơi có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, nhưng Vị Thủy vẫn chọn cho mình cách làm riêng để xây dựng nông thôn mới (NTM).
Bình luận 0

Cái khó không thể bó cái khôn

Xã Vị Thủy nằm gần trung tâm huyện lỵ và chỉ cách trung tâm tỉnh Hậu Giang chưa tới 10km. Tuy nhiên, đây là xã thuần nông nghèo khó trong nhiều năm qua. Toàn xã có gần 1.000 nhân khẩu là đồng bào dân tộc Khmer, chiếm hơn 12% dân số. Kinh tế của xã chủ yếu là nông nghiệp với cây lúa, trầu, hoa màu và nuôi thủy sản. Năm 2011, xã Vị Thủy bắt đầu triển khai xây dựng NTM theo cách riêng của mình.

img
Đường giao thông nông thôn vào ấp 5, xã Vị Thủy xanh ngắt vườn trầu.

Ông Mai Văn Vui – Bí thư Đảng ủy xã Vị Thủy cho biết: “Kể từ khi được chọn làm xã điểm xây dựng NTM, chính quyền và nhân dân xã đã tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế để nâng cao mức sống người dân. Chỉ riêng năm 2012 này, toàn xã đã đầu tư gần 25 tỷ đồng xây dựng trường học, chợ, thủy lợi nội đồng và dự kiến năm 2013 sẽ đầu tư 83 tỷ đồng. Tất cả vốn phải tập trung từ nhiều nguồn từ sức dân, các doanh nghiệp và Nhà nước đầu tư”.

Tính đến nay, Vị Thủy đã hoàn thành 5 tiêu chí, dự kiến tới cuối năm nay sẽ hoàn thành thêm 6 tiêu chí nữa để nâng tổng số tiêu chí lên 11. Ông Vui, cho biết thêm: “Là xã nghèo nên lãnh đạo chính quyền địa phương không đặt nặng vấn đề thành tích, vấn đề không phải là hoàn thành được bao nhiêu tiêu chí, mà làm sao cuộc sống người dân thay đổi theo hướng tích cực. Những tiêu chí khó sẽ làm dần dần”.

Giàu lên nhờ trầu

Hiện nay, kinh tế chủ lực của xã Vị Thủy vẫn là trồng lúa 3 vụ, cùng với chăn nuôi, trồng hoa màu, trầu, trong đó nghề trồng trầu truyền thống của xã đã có hơn 50 năm qua. Mấy năm nay, nghề trồng trầu không chỉ kiếm thêm thu nhập mà giúp cuộc sống người dân khấm khá hơn. Gia đình bà Tư Lý (Nguyễn Thị Lý) ở ấp 5 trồng trầu từ hơn 50 năm qua và số lượng nhiều nhất nhì trong xã.

Bà Lý cho biết: “Ngày xưa trồng mấy dây trầu để cho cha, mẹ ăn nên số lượng rất ít. Dần dần nhiều người trồng, bán đi các nơi nên hình thành lực lượng thương lái, chợ và phát triển cho tới bây giờ”. Gia đình bà Lý đang trồng 1.500 nọc trầu (1 nọc khoảng 3 dây trầu quấn quanh thân cây khô), nhờ trồng trầu mà gia đình bà có của ăn, của để, cuộc sống khá ổn định.

Tỷ lệ hộ nghèo ở xã Vị Thủy hiện nay vẫn đang mức khá cao với hơn 26% hộ nghèo, 17% hộ cận nghèo. Con đường xây dựng xã NTM vẫn còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, xã Vị Thủy đang thay đổi nhanh chóng nhờ những con đường giao thông mới mở.

Với giá trầu khoảng 1.500 đồng/ốp (1 ốp 40 lá), người dân ở đây có thu nhập quanh năm. Đặc biệt, dịp tết giá lên đến 5.000 đồng/ốp, nhiều gia đình thu hoạch được vài chục triệu đồng trên diện tích chỉ 1.000 đến 2.000m2 trồng trầu. Theo thống kê, toàn xã có khoảng 170 hộ còn trồng trầu với tổng diện tích khoảng 30,5ha.

Ông Nguyễn Văn Kính – Phó Chủ tịch UBND xã Vị Thủy cho biết: “Nghề trồng trầu có cuộc sống khá ổn định nhờ thị trường tiêu tiêu thụ rộng, trong đó người đồng bào Khmer vẫn còn giữ truyền thống ăn trầu. Đặc biệt mấy năm nay, trầu còn được xuất khẩu sang Đài Loan, Trung Quốc…”.

Ông Nguyễn Văn Phí - một nông dân ở đây cho biết: “Hầu như trong ấp này nhà nào cũng trồng trầu, cuộc sống không giàu có gì nhưng cũng khá hơn trước rất nhiều. Ở cái ấp vùng sâu này trước đây phải đi bằng xuồng, ghe giờ có đường giao thông nông thôn giúp xe chạy tới tận nơi, đường truyền internet cũng vào tận đây nên cuộc sống bà con đã thay đổi rất nhiều”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem