dd/mm/yyyy

Xây dựng nông thôn mới thay đổi diện mạo vùng cao Sơn La

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở Sơn La đã được triển khai quyết liệt, đồng bộ, đời sống của người dân từng bước được nâng cao.

Clip: Xây dựng nông thôn mới thay đổi diện mạo vùng cao Sơn La

Đổi thay ở xã nông thôn mới

Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Sơn La đã đưa ra nhiều quyết sách trong chỉ đạo, tham mưu, hướng dẫn triển khai nhằm phát huy hiệu quả các nguồn lực, quyết tâm hoàn thành thắng lợi mục tiêu xây dựng các xã đạt chuẩn nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao, góp phần hoàn thành chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Xã Mường Lầm trước đây là xã của huyện biên giới Sông Mã còn nhiều khó khăn, cuộc sống của người dân bữa đói bữa no, thu nhập chính chỉ phụ thuộc vào cây ngô, cây săn và làm lúa nước. Đên nay, nhờ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, vùng đất này đã có nhiều đổi thay. 

Xây dựng nông thôn mới thay đổi diện mạo vùng cao Sơn La - Ảnh 2.

Diện mạo nông thôn xã Mường Lầm, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La từng bước được nâng cao. Ảnh: Văn Ngọc

Trao đổi với phóng viên, ông Lò Văn Duyến, Chủ tịch xã Mường Lầm, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La cho biết: Với sự hỗ trợ của nhà nước, trong quá trình xây dựng Nông thôn mới, cấp ủy, chính quyền xã chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến đến người dân về chương trình, lựa chọn những tiêu chí, công việc trọng tâm để chỉ đạo thực hiện. Mọi ý kiến tham gia đóng góp, hoặc những thắc mắc, yêu cầu của nhân dân đều được bàn bạc, thảo luận thông qua ngày tại các cuộc họp bản, nhằm tạo sự đồng thuận, nhất trí cao của các hộ dân trong xã.

Xã Mường Lầm đã huy động được 34,4 tỷ đồng, cùng với hàng nghìn ngày công và hàng nghìn m2 đất, cây cối, hoa màu trên đất thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đến nay, 100% đường xã được bê tông hóa, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện; 80% diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới và tiêu nước; 97% hộ gia đình được sử dụng điện thường xuyên và an toàn; 8/8 bản có nhà văn hóa và nơi sinh hoạt văn hóa, thể thao phục vụ cộng đồng. Đến hết năm 2022, trên địa bàn 4,8% hộ nghèo; 6,7% hộ cần nghèo. Xã đã đạt 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới và được công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới.

Xây dựng nông thôn mới thay đổi diện mạo vùng cao Sơn La - Ảnh 3.

Xã Mường Lầm, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La đẩy mạnh phát triển nông nghiệp nâng cao thu nhập cho người dân. Ảnh: Văn Ngọc

Bà Lường Thị Soi, bản Mường Cang, xã Mường Lầm, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La, trước kia cuộc sống của gia đình bà còn nhiều khó khăn, thu nhập chính của gia đình bà phụ thuộc vào cây ngô, cây sắn trên nương, năm làm được nhiều cũng chỉ đủ ăn. Thế nhưng từ xã Mường Lầm triển khai chương trình xây dựng Nông thôn mới, được các cấp chính quyền, các hội, đoàn thể, đặc biệt được hội Nông dân vận động tuyên truyền về phát triển kinh tế.

Nhận thấy điều kiện đất đai của gia đình rộng, có thể phát triển cây ăn quả, gia đình bà đã chuyển một phần đất canh tác của gia đình sang trồng các loại cây ăn quả như nhãn, xoài, táo. Nhờ cần cù, chịu khó, áp dụng các tiến bộ khoa học vào canh tác, đến nay vườn cây của gia đình chị đã cho thu hoạch, đây cũng là nguồn thu nhập chính của gia đình.

Xây dựng nông thôn mới thay đổi diện mạo vùng cao Sơn La - Ảnh 4.

Gia đình bà Lường Thị Soi, bản Mường Cang, xã Mường Lầm, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La có thu nhập ổn định nhờ mạnh dân trong phát triển kinh tế. Ảnh: Văn Ngọc


Tập trung nguồn lực xây dựng nông thôn mới

Hết năm 2022, toàn tỉnh có 58 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 4 xã so với năm 2021,05 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, Thành phố Sơn La hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Mục tiêu phấn đấu năm 2023, Số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao. Số xã dự kiến đạt chuẩn nông thôn mới: 05 xã (gồm các xã: Xã Ngọc Chiến - huyện Mường La, xã Yên Hưng - huyện Sông Mã, xã Sặp Vạt - huyện Yên Châu, xã Chiềng Pha - huyện Thuận Châu, xã Nà Mường - huyện Mộc Châu), nâng tổng số xã đạt chuẩn lũy kế lên 63 xã.

Số xã dự kiến đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao: 03 xã (gồm các xã: Xã Hua La - thành phố Sơn La, Xã Chiềng Bằng và xã Chiềng Khoang - huyện Quỳnh Nhai), nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao lũy kế lên 08 xã. Lựa chọn huyện Quỳnh Nhai là một huyện còn khó khăn về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, mới thoát khỏi danh sách huyện nghèo để đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025.

Xây dựng nông thôn mới thay đổi diện mạo vùng cao Sơn La - Ảnh 5.

Sơn La chọn huyện Quỳnh Nhai để đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025. Ảnh: Văn Ngọc

Dự kiến nhu cầu vốn năm 2023 thực hiện Chương trình ước khoảng 1.058.112,68 triệu đồng, trong đó Ngân sách Nhà nước khoảng: 254.255,1 triệu đồng, Ngân sách Trung ương: 121.293,08 triệu đồng (Vốn đầu tư 99.793,08 triệu đồng, vốn sự nghiệp: 21.500 triệu đồng). Ngân sách địa phương: 132.962,20 triệu đồng. Vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khoảng: 380.504 triệu đồng. Vốn tín dụng: 400.000 triệu đồng. Vốn huy động từ Doanh nghiệp, HTX, cộng đồng dân cư khoảng: 23.353,4 triệu đồng.

Trao đổi với phóng viên, Bà Hoàng Thị Hiền, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Sơn La cho biết: Để thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM, Tỉnh Ủy đã ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TU ngày 6/6/2022 về xây dựng nông thôn mới tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030 thể hiện sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng bộ tỉnh tới chương trình xây dựng nông thôn mới, nhằm huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc trong tình hình mới ngay từ những năm đầu của nhiệm kỳ, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của các xã, các bản phấn đấu đạt chuẩn giai đoạn 2021-2025 nhưng còn đặc biệt khó khăn, xã vùng III và khả năng huy động, phân bổ các nguồn lực.

Xây dựng nông thôn mới thay đổi diện mạo vùng cao Sơn La - Ảnh 6.

Người dân đồng lòng xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Văn Ngọc

Thời gian tới, tỉnh Sơn La sẽ tiếp tục chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai hiệu quả các giải pháp để phấn đấu hoàn thành các mục tiêu của Chương trình năm 2023; có kế hoạch, lộ trình và giải pháp cụ thể để thực hiện, trong đó, tập trung vào một số chỉ tiêu: Bình quân toàn tỉnh đạt 10,5 tiêu chí/xã; có 63 xã đạt 19 tiêu chí, 06 xã đạt từ 15-18 tiêu chí, 40 xã đạt từ 10-14 tiêu chí, 79 xã đạt dưới 10 tiêu chí. Có thêm 03 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao đến năm 2023 là 08 xã.Tiếp tục chỉ đạo rà soát, đánh giá hiện trạng xây dựng NTM của các xã, huyện làm căn cứ chỉ đạo, triển khai chương trình giai đoạn 2021-2025.

Tăng cường hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền về xây dựng NTM, trong đó tập trung nâng cao nhận thức và hiểu đúng về mục đích, nguyên tắc và bản chất của của Chương trình, tiếp tục triển khai sâu rộng và thiết thực phong trào thi đua “Sơn La chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021-2025 do tỉnh phát động. Nghiên cứu, tham mưu ban hành các cơ chế, chính sách đúng các quy định của Trung ương, phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh và các vùng miền dân tộc; nghiên cứu, đề xuất mô hình bộ máy tham mưu, giúp việc tổ chức triển khai Chương trình giai đoạn 2021-2025 đảm bảo xứng tầm nhiệm vụ, hiệu quả.

Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn xã, nhất là ở những xã nghèo, đặc biệt khó khăn; tập trung hỗ trợ triển khai xây dựng NTM cấp thôn, bản ở các xã dưới 10 tiêu chí. Tiếp tục thực hiện hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, trong đó ưu tiên thúc đẩy phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị. Đối với Chương trình OCOP cần tiếp tục triển khai theo hướng tập trung đi sâu vào chất lượng, theo đúng nguyên tắc và bản chất của chương trình.

Xây dựng nông thôn mới thay đổi diện mạo vùng cao Sơn La - Ảnh 7.

Sơn La đẩy mạnh Chương trình mỗi xã một sản phẩm, góp phần xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Văn Ngọc

Chú trọng và bảo vệ môi trường và tạo cảnh quan nông thôn; tiếp tục chỉ đạo các địa phương phát triển và nhân rộng các mô hình đường hoa – cây xanh theo hướng vườn mẫu - khu dân cư kiểu mẫu. Nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, phát huy vai trò tự quản, tính tích cực của nhân dân tham gia đấu tranh, ngăn chặn và đẩy lùi các tệ nạn xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn nông thôn, triển khai hiệu quả Đề án Nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện tiêu chí an ninh, trật tự trong xây dựng NTM.

Về nâng cao chất lượng tiêu chí NTM và xây dựng Bộ tiêu chí quốc gia về NTM các cấp, giai đoạn 2021-2025: Tập trung đôn đốc các huyện, xã nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt chuẩn; chỉ đạo rà soát các xã có đủ điều kiện để được công nhận xã NTM kiểu mẫu trong giai đoạn 2021-2025.

Xây dựng nông thôn mới thay đổi diện mạo vùng cao Sơn La - Ảnh 8.

Sơn La tiếp tục thực hiện hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, trong đó ưu tiên thúc đẩy phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị. Ảnh: Văn Ngọc

Tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp huy động và đa dạng hóa các nguồn vốn để thực hiện Chương trình trong giai đoạn 2021-2025; chỉ đạo quyết liệt công tác phân bổ vốn và đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn ngân sách năm 2023 đảm bảo đùng nội dung, đối tượng và tiến độ theo quy định; không để phát sinh nợ đọng trong xây dựng NTM. Tiếp tục vận động người dân và cộng đồng tham gia, đóng góp xây dựng NTM trên địa bàn theo hình thức tự nguyện, trành huy động quá sức dân.

Tổ chức một số Hội nghị, hội thảo chuyên đề sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện các chương trình, Đề án thuộc Chương trình MTQG xây dựng NTM trong năm 2023 theo Chương trình công tác. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện Chương trình để phát hiện và nhân rộng các cách làm sáng tạo, mô hình hiệu quả cũng như kịp thời chấn chỉnh, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025.

Văn Ngọc - Nguyễn Vinh