Xây dựng NTM ở Quảng Nam: Bình Định Nam “trong ấm, ngoài đẹp”

Trần Hậu – Đại Nghĩa Thứ năm, ngày 12/07/2018 18:45 PM (GMT+7)
Năm 2007, khi mới chia tách từ xã Bình Định cũ, xã Bình Định Nam (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) là một trong những địa phương gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm xây dựng và phát triển, đến nay Bình Định Nam đã phát triển đi lên và đang nỗ lực xây dựng để trở thành trung tâm kinh tế phía nam của huyện Thăng Bình.
Bình luận 0

Làng quê đổi thay

Ông Nguyễn Công Danh – Chủ tịch UBND xã Bình Định Nam cho biết: Khi mới chia tách xã, Bình Định Nam có cơ sở hạ tầng hạn chế, trụ sở làm việc, đường, trường học, trạm y tế… tạm bợ và thiếu thốn. Tuy nhiên, sau  hơn 10 năm xây dựng và phát triển, Bình Định Nam đã có bước chuyển mình mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực.

img

 Đường giao thông, trường học… được đầu tư đồng bộ, diện mạo nông thôn mới ở xã Bình Định Nam thay đổi từng ngày. Ảnh: Trần Hậu

Tính đến tháng 6.2018 thu nhập bình quân đầu người của xã Bình Định Nam đạt 35 triệu đồng; tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 1,18%.

“Theo lộ trình thì đến năm 2017, Bình Định Nam mới về đích, tuy nhiên với cách làm hiệu quả, cuối năm 2016 Bình Định Nam đã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Đây là thành quả rất lớn của cả hệ thống chính trị và người dân trong việc triển khai xây dựng NTM…” – ông Danh phấn khởi nói.

Theo ông Danh, nhờ quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông nên những năm qua bộ mặt của Bình Định Nam đã có nhiều thay đổi. Đặc biệt là hơn 6 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Bình Định Nam đã xây dựng được 14,8km đường trục xã; đường liên xã đã nhựa hóa đạt tỷ lệ 100%, đường ngõ xóm không lầy lội vào mùa mưa đạt 100%, đường trục thôn được cứng hóa đạt chuẩn 10,43km, đường trục chính nội đồng được cứng hóa 4,27km giúp cho xe cơ giới đi lại thuận tiện. Xã cũng xây dựng được 10,11km kênh mương nội đồng, đáp ứng được nước tưới chủ động trên 90% diện tích đất sản xuất nông nghiệp.

Bên cạnh giao thông, hàng loạt các công trình phúc lợi khác được đầu tư như sân bóng chuyền, cầu lông, sân vận động, nhà sinh hoạt cộng đồng. Xã có hội trường UBND diện tích 500m2, với trên 200 chỗ ngồi; sân vận động rộng 4.500m2; có các điểm vui chơi, giải trí và thể thao cho người cao tuổi và trẻ em. 6/6 thôn của xã có nhà văn hóa thôn và đạt thôn văn hóa nhiều năm liền, khu thể thao thôn đạt chuẩn theo quy định. Ngoài ra, các lĩnh vực khác như y tế, giáo dục, điện, môi trường… cũng được xã quan tâm đầu tư xây dựng, góp phần làm thay đổi diện mạo quê hương Bình Định Nam.

Ông Trương Văn Thái – Trưởng thôn Đồng Đức cho hay: Cùng với chính quyền địa phương, trong những năm qua bà con nhân dân trong thôn nói riêng và toàn xã nói chung đã tích cực tham gia phong trào xây dựng NTM. Ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, đóng góp bằng vật chất, tiền của thì nhân dân còn hiến đất, tham gia đóng góp ngày công để làm đường giao thông, xây dựng các công trình công cộng trên địa bàn... Trong đó tiêu biểu phải kể đến các hộ ông Trần Tâm, Quỳnh Hường đóng góp hơn 300m2 đất/hộ, ngoài ra còn đóng góp tiền, ngày công để làm đường giao thông... Nhờ đó mà các tuyến đường đã được đổ bê tông rộng rãi, sạch sẽ, các công trình nhà văn hóa, khu sinh hoạt thôn được đầu tư mới khang trang...

“Một trong những dấu ấn nổi bật trong phong trào xây dựng NTM ở Bình Định Nam là sự hưởng ứng tích cực, đồng lòng chung sức rất lớn của nhân dân, sự đồng hành của các mạnh thường quân thông qua việc hỗ trợ hàng tỷ đồng xây dựng thiết chế văn hóa, tường rào, cổng ngõ ở một số khu dân cư, góp sức vào thắng lợi chương trình NTM…” - ông Nguyễn Công Danh chia sẻ.

Nhiều mô hình sản xuất cho thu nhập khá

Chủ tịch UBND xã Bình Định Nam cho biết thêm: “Nhiệm vụ của Bình Định Nam trong thời gian đến là tận dụng mọi nguồn hỗ trợ của cấp trên và các nguồn tự chủ của địa phương, nguồn vốn từ khai thác quỹ đất để xây dựng, mở rộng, nâng cấp hệ thống giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa…”.

Theo ông Danh, ngoài việc đầu tư cơ sở hạ tầng thì việc phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cũng được xã quan tâm hàng đầu. Thời gian qua, xã Bình Định Nam đã đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và chăn nuôi; khuyến khích người dân phát triển các ngành nghề dịch vụ. Nhiều hộ dân đã chủ động đổi mới tư duy, năng động hơn trong phát triển kinh tế để vươn lên thoát nghèo.

Hiện nay, trên địa bàn xã đã hình thành nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả, giúp cho bà con nhân dân có thu nhập ổn định, như các mô hình trồng rừng, trồng tiêu, trồng cây ăn quả, nuôi bò, nuôi ếch, lương...“Tiêu biểu phải kể đến mô hình trồng cây ăn quả (bưởi da xanh) và cây dược liệu cây sa nhân của hộ ông Nguyễn Bảy ở thôn Điện An với diện tích trên 5ha. Hay mô hình trồng cây ăn quả của hộ ông Lưu Văn Kiều ở thôn Châu Sơn Tây, với diện tích gần 1ha; mô hình nuôi ếch-lươn của hộ ông Đỗ Văn Đức, Nguyễn Đức Bông ở thôn Đồng Đức… Thu nhập bình quân của các hộ này hơn 200 triệu đồng/năm” - ông Danh thông tin.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem