Xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế là khát vọng của TP.HCM

Bạch Dương Thứ sáu, ngày 25/02/2022 15:25 PM (GMT+7)
Ngày 25/2, UBND.TP HCM đã chủ trì hội thảo "Đề án phát triển TP.HCM thành trung tâm tài chính quốc tế". Hội thảo đã thu hút sự tham dự của hơn 200 chuyên gia đầu ngành, các doanh nghiệp và bộ ngành liên quan.
Bình luận 0
Xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế là khát vọng của TP.HCM - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng. Ảnh: P.V

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng cho biết, ý tưởng về việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế của Việt Nam tại TP.HCM đã có từ cách đây gần 20 năm, khởi đầu từ những năm 2000 trong định hướng phát triển kinh tế của thành phố.

Trên cơ sở đề nghị của UBND TP.HCM và Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Thủ tướng đã đồng ý cho UBND TP.HCM nghiên cứu, lập Đề án xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại TP.

"Điều này không chỉ thể hiện khát vọng của TP.HCM mà còn thể hiện ý chí quyết tâm của trung ương nhằm nỗ lực hiện thực hóa các chủ trương, Nghị quyết của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng" - bà Phan Thị Thắng nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng cho biết, để hiện thực hóa tầm nhìn chiến lược trở thành trung tâm tài chính quốc tế đặt ra rất nhiều thách thức cho TP.HCM. Song có thể thấy TP.HCM đang hội tụ cả lợi thế, tiềm năng, yêu cầu phát triển cùng quyết tâm chính trị cho việc xây dựng trung tâm này.

Chia sẻ về vấn đề trên, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Cổ phần Đầu tư Tài chính nhà nước TP.HCM Nguyễn Ngọc Hòa cho rằng, trên thực tế, mặc dù chưa được xếp hạng trong Chỉ số trung tâm tài chính toàn cầu GFCI 30 (tháng 9/2021) nhưng TP.HCM đang dẫn đầu danh sách 10 trung tâm tài chính tiềm năng được xem xét để đưa vào danh sách xếp hạng chỉ số GFCI chính thức, với 148/150 hạng mục đã hoàn thành đánh giá.

TS Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Trường ĐH Fulbright, cho biết đơn vị đã soạn thảo đề án trên quan điểm độc lập, khách quan, nhìn thẳng vào tính khả thi của việc có một địa phương của Việt Nam hình thành trung tâm tài chính quốc tế đặt tại nơi đó, trở thành hub (nơi hội tụ) hấp thụ các dịch vụ mang tính toàn cầu.

TS Thành cũng phân tích, chỉ có các trung tâm tài chính quốc tế tại Trung Quốc có thể hình thành theo hướng không tự do hóa tài chính, dòng vốn nước ngoài vào ra được kiểm soát chặt chẽ. Lý do là bởi quy mô các thị trường này rất lớn. Còn ở các nước Đông Nam Á, khi xây dựng trung tâm tài chính bắt buộc phải có lộ trình tự do hóa tài chính. Trong khi đó, ít nhất từ nay đến năm 2030, Việt Nam chưa thể có tự do hóa tài chính mạnh mẽ. Đây là vấn đề cần phải được tháo gỡ bằng một lộ trình cụ thể.

Xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế là khát vọng của TP.HCM - Ảnh 3.

TP.HCM đang xây dựng đề án thành lập trung tâm tài chính quốc tế. Ảnh: P.V

Theo ông Vũ Bằng, nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước, cần xây dựng sở giao dịch hàng hóa phái sinh với bản chất là giao dịch tài chính. Ngoài ra, cần có sự đa dạng hóa hơn nữa các thị trường tài chính của TP.HCM, ví dụ có sàn giao dịch vàng ngay trong sàn giao dịch hàng hóa hay hình thành thị trường mua bán - sáp nhập (M&A), thị trường mua bán nợ…

Bà Thắng cho biết, với việc lắng nghe ý kiến góp ý của các chuyên gia, doanh nghiệp, cơ quan chức năng liên quan sẽ góp phần hỗ trợ thành phố hiện thực hóa mục tiêu trở thành một trung tâm tài chính quốc tế, đóng vai trò cung cấp các dịch vụ tài chính bao gồm huy động vốn, đầu tư, tiết kiệm, thanh toán, phát hành sản phẩm tài chính…Ban đầu là phát triển các nền tảng vững chắc của một trung tâm tài chính quốc gia (NFC), sau đó trở thành trung tâm tài chính khu vực (RFC), tiến tới trung tâm tài chính quốc tế (IFC) và toàn cầu (GFC).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem