Xem hạn dùng trên nhãn thực phẩm ngoại nhập như thế nào?

Thứ sáu, ngày 28/04/2017 20:15 PM (GMT+7)
Thực phẩm buộc phải ghi hạn dùng (đát) trên bao bì. Hạn dùng do nhà sản xuất quyết định, nhưng chơi với hạn dùng như chơi dao hai lưỡi. Quyết hạn dài lỡ còn hạn mà thực phẩm bị hư thì sao. Quyết hạn ngắn, chưa bán hết hàng đã hết hạn. Nhưng trong thực phẩm, không chỉ có hạn dùng, mà còn nhiều thứ hạn khác…
Bình luận 0

Ngày hết hạn (Use By hoặc Expiration date)

Đây là hạn thông dụng nhất, thường gọi là “hết đát”. Dấu chỉ này liên quan đến an toàn thực phẩm. Thực phẩm sau ngày này có thể bị hư và không tốt cho sức khoẻ. Luật Việt Nam cấm bán sản phẩm “hết đát” này.

img

Gói thịt này chỉ ghi ngày sản xuất(NSX), hạn sử dụng (HSD) và điều kiện bảo quản (BQ). Ảnh: TL

Trong thực tế, hết hạn dùng là sản phẩm coi như hết xài. Hết xài nhưng chưa chắc đã hư, mà còn hạn dùng nhưng chưa chắc đã tốt. Thí dụ sữa tươi thanh trùng thường có hạn dùng là bảy ngày, ghi nhãn bảo quản ở nhiệt độ 4 độ C. Nhưng nếu siêu thị bảo quản hay bạn mua về nhà và bảo quản ở nhiệt độ 10 hay 15 độ C, thì sữa có thể đã hư trước hạn rồi. Nước mắm truyền thống mà để ánh nắng chiếu vào chai thường xuyên thì hương, vị và màu dễ xuống cấp (dù chưa hư), nhưng nước mắm công nghiệp thì lại không sao. Do đó, khi mua hàng, phải lưu ý cả điều kiện bảo quản của nơi bán, chứ không chỉ là hạn dùng.

Một nguyên nhân khác có thể làm sản phẩm hư trước hạn dùng, đó là bao bì bị thủng, vi khuẩn gây hư, gây bệnh lọt vào và sinh sôi nảy nở.

Tốt nhất nên dùng trước ngày (Best Before hay Best By)

Ngày này liên quan đến phẩm chất của thực phẩm, chứ không phải an toàn. Thực phẩm sau ngày này vẫn có thể dùng được, nhưng màu sắc, hương vị, cấu trúc… có thể kém đi một chút. Luật pháp cho phép bán thực phẩm sau ngày hết hạn của Best Before. Tuy nhiên, với trứng thì lại nên dùng trước ngày Best Before càng nhiều càng tốt, vì trứng dễ nhiễm salmonella (gây bệnh đường ruột), và vi khuẩn này sinh sôi nảy nở rất nhanh. Tuổi thọ của trứng khoảng 45 ngày nếu bảo quản trong tủ lạnh, kể từ ngày đóng gói. Nhưng với đồ hộp (cá hộp, thịt hộp…) thì lại vô tư. Dù Best Before khuyến cáo một hoặc hai năm, nhưng về mặt an toàn, sau 4 – 5 năm vẫn xài thoải mái, với điều kiện hộp không bị phồng, bị móp, bị biến dạng. Dĩ nhiên về mặt dinh dưỡng cũng giảm đi ít nhiều.

Nếu thực phẩm đã bị mở bao bì, thì ngày “Best Before” coi như hết hiệu lực, nghĩa là tuổi thọ chỉ còn lại vài ngày, dù là thực phẩm vẫn còn trước ngày Best Before. Một số nước quy định nhà sản xuất phải hướng dẫn người dùng cách bảo quản sản phẩm sau khi mở bao bì.

Thực phẩm nào cần ghi hạn dùng?

Hết hạn là phải bỏ. Sau hạn dùng hay sau Best Before cũng bỏ (dù không bị cấm), nhưng người tiêu dùng nghe đến hết hạn là không muốn mua. Không mua thì siêu thị phải bỏ. Mỗi năm ước tính khoảng 30% lượng thực phẩm đã bị huỷ bỏ như thế, dù chưa chắc đã hư. Trong khi nhân loại, gần 1 tỉ người đang trong tình trạng thiếu ăn.

Luật Việt Nam buộc phải ghi ngày hết hạn trên bao bì thực phẩm. Nhưng cũng có ngoại lệ, chẳng hạn bánh mì, bánh ngọt, muối ăn, đường cát, đường phèn… không buộc ghi ngày hết hạn, nhưng phải ghi ngày sản xuất.

Một số nước không quy định phải ghi ngày hết hạn với thực phẩm, đúng hơn là có sản phẩm buộc ghi, có sản phẩm không. Mỹ chẳng hạn, có bang yêu cầu có bang không. Có bang cho phép bán thực phẩm hết hạn (California), có bang cấm (New York). Nhưng một số thực phẩm, nhất là thực phẩm dành cho em bé, buộc phải ghi ngày hết hạn. Sản phẩm bị nhiễm (không an toàn), thì dù còn hạn hay hết hạn đều là phạm pháp.

Suy cho cùng, nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm về sản phẩm của họ, dù còn hạn hay hết hạn. Hạn dùng chỉ để tham khảo hơn là dấu chỉ hư hỏng cần phải loại bỏ.

Vũ Thế Thành (vuthethanh202@gmail.com) (Thế Giới Tiếp Thị)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem